Hoa Sen vẫn muốn đầu tư vào Cà Ná

Lê Trường |

Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có chủ trương đồng ý đầu tư dự án thép Cà Ná ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do báo cáo Bộ Công Thương về dự án này chưa đủ căn cứ để quyết định

Đến thời điểm này, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) vẫn mong muốn được đầu tư KCN và cảng tổng hợp ở biển Cà Ná.

Thẩm định kỹ dự án

Ngày 8-3, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo về dự án thép Cà Ná. Tuy nhiên, tại cuộc họp, Bộ Công Thương mới chỉ đưa ra “báo cáo tổng thể” về dự án, do vậy Thủ tướng chưa có đủ căn cứ để cho ý kiến nên hay không triển khai.

Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt với tỉnh Ninh Thuận để tiếp tục đánh giá, thẩm định kỹ dự án này. Cụ thể, Bộ Công Thương đánh giá về quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả dự án; Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá về công nghệ vận hành; Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động môi trường... Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ một số vấn đề quan trọng của dự án như nguồn vốn đầu tư, công nghệ, xử lý nước thải, khí…

Hoa Sen vẫn muốn đầu tư vào Cà Ná - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại việc phát triển phải gắn với tính bền vững, hiệu quả, không để xảy ra những hệ lụy không thể lường trước. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải làm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, minh bạch, không đánh đổi môi trường lấy những tham vọng viển vông.

Từ cuối tháng 8-2016, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Hoa Sen về dự án Khu Liên hợp luyện cán thép Cà Ná.

Hợp tác này đã khiến dư luận cả nước lo lắng về một phiên bản Formosa có thể xảy ra tại vùng biển đẹp Cà Ná. Hơn nữa, các xã Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam) là vùng kinh tế thủy sản trọng điểm của tỉnh, do vậy việc đầu tư dự án thép ở đây khiến người dân địa phương bức xúc.

Quyết định cuối cùng là của Chính phủ!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 10-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho rằng Cà Ná đã được tỉnh quy hoạch xây dựng KCN từ năm 2008 để kêu gọi đầu tư.

Ngày 19-5-2011, Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch KCN Cà Ná với quy mô hơn 900 ha vào hệ thống các KCN Việt Nam. “Dự án thép chỉ là một trong những dự án thành phần của KCN” - ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, hiện Công ty Hoa Sen vẫn mong muốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN ở Cà Ná nên tỉnh đã chấp thuận chủ trương. Theo đó, tổng diện tích đất dành cho KCN Cà Ná là 827 ha, chủ yếu thu hút các ngành công nghiệp nặng, chế biến…

“Tuy nhiên, với quy mô lớn của dự án nên tỉnh đã có hồ sơ gửi các bộ, ngành thẩm định để trình Chính phủ cho ý kiến” - ông Hậu cho biết.

Ngoài ra, Công ty Hoa Sen cũng đã có hồ sơ đầu tư dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná gần KCN nói trên với số vốn dự kiến trên 10.600 tỉ đồng và được tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương. Theo đó, tổng diện tích xây dựng cảng hơn 420 ha (diện tích đất gần 180 ha, còn lại là mặt nước).

Theo Công ty Hoa Sen, quy mô bến chuyên dùng của cảng sẽ tiếp nhận được tàu trọng tải đến 300.000 DWT, bến tổng hợp cho tàu trọng tải từ 30.000-50.000 DWT, lượng hàng chuyên dụng qua cảng trên 53 triệu tấn/năm; lượng hàng tổng hợp qua cảng 1,5-3,2 triệu tấn/năm. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2017 đến 2031, chia làm 3 giai đoạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh “câu chuyện thép Cà Ná”, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định việc kêu gọi đầu tư là nhằm phát triển địa phương nhưng phải tuân thủ pháp luật.

Tỉnh đã có văn bản gửi các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải để thẩm định dự án cảng biển này. Tỉnh đang chờ ý kiến của các bộ. Quyết định cuối cùng là của Chính phủ.

Môi trường sạch, đời sống tốt mới mừng

Ngày 10-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã trở lại vùng Cà Ná, Phước Diêm - nơi Công ty Hoa Sen đề xuất xây dựng KCN và cảng biển. Dân địa phương mong muốn Chính phủ cân nhắc thấu đáo về dự án thép Cà Ná.

Môi trường sạch, đời sống người dân ổn định là điều mong mỏi nhất của hàng chục ngàn người. “Làm sao tránh khỏi ô nhiễm nặng khi xây dựng dự án thép. Đa phần bà con là ngư dân, khi biển bị hủy hoại thì sống sao?” - ông Tư Thính, một người dân địa phương, bộc bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại