Hóa ra, "kỳ tích" tứ kết chưa phải là điều đáng vui nhất của U23 Việt Nam

Tâm Anh |

Lối chơi, chiến thuật là yếu tố không nhỏ làm nên thành công của U23 Việt Nam dưới tay HLV Park Hang-seo, nhưng tinh thần mới là điều quyết định cho thành công ấy.

1. Trong số 3 trận thi đấu ở vòng bảng VCK U23 châu Á của U23 Việt Nam, trận thua 1-2 trước Hàn Quốc là trận duy nhất chúng ta không kiếm được điểm nào, nhưng đấy mới là trận đấu quan trọng nhất, góp phần không nhỏ trong kỳ tích đưa thầy trò HLV Park Hang-seo lọt vào tứ kết.

Trận đấu ấy khởi đi bằng bàn thắng của Quang Hải, và mấu chốt trong bàn thắng ấy là pha xử lý bóng cực kỳ tự tin của Văn Hậu bên cánh trái, mạnh dạn cầm bóng đột phá xuống cánh trái trước khi chuyền sệt vào cho Quang Hải ra chân tung cú sút căng đưa bóng đi ngoài tầm bay người của thủ thành U23 Hàn Quốc.

Xuyên suốt bàn thắng ấy là sự tự tin của hai cầu thủ trẻ từng dự World Cup U20. Nếu như cú ra chân của Quang Hải được đánh giá là cực kỳ đẳng cấp, thì pha đi bóng của Văn Hậu trước các cầu thủ Hàn Quốc đã thổi bùng lên niềm tin "có thể làm được gì đó" trước những đội bóng hàng đầu châu Á, truyền "lửa" cho các đồng đội.

Hóa ra, kỳ tích tứ kết chưa phải là điều đáng vui nhất của U23 Việt Nam - Ảnh 1.

Sau trận hòa quyết định trước U23 Syria, đem về tấm vé tứ kết cho U23 Việt Nam, đội trưởng Xuân Trường tiết lộ rằng anh và các đồng đội mệt đến mức không thể đi lại một cách bình thường. Bên cạnh sự lo lắng, thì đó là chuyện vui, bởi nó chứng minh rằng các chàng trai của chúng ta đã bung hết sức để chơi một trận sống mái, điều rất ít khi có được dưới thời Hữu Thắng.

Tiền vệ chơi bên cạnh Xuân Trường ở giữa sân - Đỗ Duy Mạnh tâm sự: "Trận đấu này tôi không cảm thấy hồi hộp vì đã tập trung hoàn toàn". Sự tập trung mà Duy Mạnh nói đến xuất phát tự sự tự tin, sự thoải mái về mặt tinh thần và biến nó thành vũ khí sắc bén và vững chãi để vượt qua những đối thủ sừng sỏ ở sân chơi châu lục.

Chính Duy Mạnh cũng phải công nhận: "HLV Park nói rằng U23 Việt Nam phải thi đấu bằng tinh thần quyết chiến, tinh thần thi đấu là vũ khí mạnh nhất của chúng tôi và điều đó thực sự chính xác".

Hóa ra, kỳ tích tứ kết chưa phải là điều đáng vui nhất của U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Sự tự tin đã giúp Quang Hải tỏa sáng rực rỡ, đưa U23 Việt Nam đến thành công.

2. Thực tình, đội hình mà HLV Park Hang-seo mang sang Trung Quốc không có nhiều sự thay đổi so với đội hình được HLV Hữu Thắng đem sang Malaysia với niềm tin đem về chiếc HCV SEA Games, nhưng kết quả thì khác nhau một trời một vực.

Kết quả ấy, đầu tiên dĩ nhiên đến từ sự chênh lệch về mặt chuyên môn giữa hai nhà cầm quân, nhưng rõ ràng là khoảng thời gian khá ngắn tính từ khi cầm quân chẳng thể đủ để HLV Park Hang-seo tạo được sự lột xác ngoạn mục đến như thế cho "đoàn quân" vốn rệu rã sau thất bại ở SEA Games 29 bằng chuyên môn, mà nó đến từ liệu pháp tâm lý bậc thầy.

Nếu như HLV Miura từng bị phản ứng dữ dội khi tuyên bố thẳng thắn sẽ áp dụng lối chơi phòng ngự triệt để trước các đội bóng mạnh châu lục, thì HLV Park Hang-seo khôn khéo hơn nhiều bằng "chiêu bài" 3-4-3, dù cho thực chất U23 Việt Nam trong tay ông còn phòng ngự tích cực hơn nhiều với 5 hậu vệ.

Hóa ra, kỳ tích tứ kết chưa phải là điều đáng vui nhất của U23 Việt Nam - Ảnh 3.

Tuyên bố về lối chơi của nhà cầm quân Hàn Quốc giúp "cởi trói" cho chính các học trò từ sức ép của dư luận luôn mong được xem lối đá đẹp, nhưng một khi chứng minh được hiệu quả mà nó mang lại, thì mọi chuyện đều "xuôi chèo mát mái".

Bên cạnh đó, việc HLV Hữu Thắng thất bại đau đớn ở SEA Games 29, cũng như Công Phượng nhạt nhòa đến mức phải gánh chịu hàng tấn những lời chỉ trích sau trận đấu đầu tiên dưới thời "tướng" Park cũng giúp ông cởi bỏ "trách nhiệm" phải sử dụng các cầu thủ của HAGL trong đội hình.

Thêm nữa, "cái uy" của một nhà cầm quân từng là trợ lý cho HLV Guus Hiddink, từng sát cánh tạo nên "cơn địa chấn" mang tên Hàn Quốc ở VCK World Cup 2002 là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các cầu thủ vốn đã từng ít nhiều quen chinh chiến ở những đấu trường lớn và đều có những thành công nhất định.

Nếu như dưới thời Hữu Thắng, bên cạnh cách "làm tâm lý" cho cầu thủ mang tính chất "dân dã", việc chọn sai lối chơi trước các đối thủ mạnh và dành sự ưu ái cho các cầu thủ "ruột" của mình ít nhiều khiến sự đoàn kết trong nội bộ đội bóng không được ổn định, thì sự cạnh tranh lành mạnh mà HLV Park tạo ra trong đội đem hiệu ứng ngược lại.

Hóa ra, kỳ tích tứ kết chưa phải là điều đáng vui nhất của U23 Việt Nam - Ảnh 4.

Trận thắng U23 Thái Lan ngay trên đất Thái là bước giậm nhảy tuyệt vời, nhưng cái cách mà HLV Park "thổi ngọn lửa" đậm chất Hàn Quốc bằng trận giao hữu trước Ulsan Hyundai, thị phạm cho các học trò tinh thần thi đấu mang đậm sức mạnh nội lực cũng đã giúp không ít cho tâm lý thi đấu của các học trò.

Dẫu còn không ít sai lầm, va vấp trong cả 3 trận đấu vừa qua, nhưng điều quan trọng nhất là các cầu thủ U23 Việt Nam đã biết nhìn vào ông thầy "tưởng ngủ gật đến nơi" mà lại vô cùng quyết liệt trên sân cỏ để đứng dậy, để vùng lên, lăn xả chiến đấu đến chút sức lực cuối cùng, với niềm tin tuyệt đối vào kỳ tích họ tạo ra trên đấu trường khó khăn này.

Giờ đây, trước thêm một ngọn núi cao sừng sững mang tên U23 Iraq, nếu các học trò của HLV Park Hang-seo tiếp tục giữ được "lửa" trên đôi chân và trong trái tim, thì chúng ta hoàn toàn có thể quên đi cách biệt về trình độ, về phong độ hay đẳng cấp, bởi "ngọn lửa" ấy sẽ san bằng tất cả.

Nổi lửa lên nào, các chàng trai của HLV Park Hang-seo!

Vòng bảng U23 châu Á 2018: U23 Việt Nam 0-0 U23 Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại