Có thể hai nước sẽ tập trung vào vấn đề khác thay vì vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, theo Diplomat.
Mùa ngoại giao mới 2019 giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên đã chính thức khởi động. Vào ngày 18.1, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol là người dẫn đầu đoàn đàm phán thay mặt cho ông Kim Jong-un kể từ cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore vào tháng 6 vừa qua - đã tới Washington.
Ông Kim Yong-chol là quan chức đầu tiên của Triều Tiên tới thủ đô của Hoa Kỳ kể từ khi phái viên của ông Kim Jong-il là Jo Myong-rok tới đây vào năm 2000. Ông đã có buổi gặp mặt ngắn với người đồng cấp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, sau đó gặp tổng thống Donald Trump tại phòng Bầu Dục trong vòng 2 giờ.
Kể từ cuộc hội đàm tại Singapore với ông Trump, Triều Tiên đã tỏ rõ ý định muốn thỏa thuận trực tiếp với tổng thống Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng nhận thức một cách đúng đắn rằng ông Trump không giống như những vị tổng thống Hoa Kỳ trước đây. Ông gắn kết rất ít với những luận thuyết lỗi thời về việc những gì Mỹ có thể hay không thể chấp nhận trong một cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Bằng chứng rõ ràng nhất là sau cuộc gặp gỡ vào hồi tháng 6 năm ngoái với ông Kim Jong-un, tổng thống Trump đã tuyên bố (mà không cần tham vấn Hàn Quốc) rằng cuộc tập trận quân sự Ulchi Freedom Guardian sắp diễn ra sẽ bị hủy bỏ.
Sau cuộc gặp mới đây nhất tại Washington, vẫn chưa rõ liệu phía nào sẽ thay đổi vị thế cơ bản của mình. Nhà Trắng có vẻ như vẫn tận tâm với mục tiêu của việc xác minh hoàn toàn và dứt khoát về việc giải trừ hạt nhân của Triều Tiên . Và mặc dù, các quan chức Hoa Kỳ tiếp tục nhắc lại đây là những gì ông Kim Jong-un đã đồng ý tại Washington, trên thực tế vẫn chưa có gì tiến triển.
Tại Singapore, ông Kim đã đồng ý sẽ "hành động hướng tới việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên". Trong những tháng sau đó, những quan chức Triều Tiên đã nản lòng khi Nhà Trắng kiên định nhấn mạnh một điều kiện khác - điều kiện ngụ ý rằng Triều Tiên phải đơn phương giải trừ quân bị.
Với Bình Nhưỡng, việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng có nghĩa là Hoa Kỳ phải loại bỏ chiếc ô bảo vệ hạt nhân với Hàn Quốc. Không rõ, liệu ông Kim Yong-chol có chớp cơ hội để giải thích điều này với ông Trump trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất tại Washington?
Chưa rõ có một sự nhận thức chung nào không, nhưng tiến trình đang diễn ra sẽ có kết quả trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa hai ông Donald Trump và Kim Jong-un . Nhà Trắng đã thông báo rằng cuộc gặp hầu như chắc chắn sẽ diễn ra vào "gần cuối tháng 2".
Những tuần lễ giữa thời điểm hiện tại và cuộc họp thượng đỉnh sẽ mang tính then chốt. Nếu không có một sự đột phá lớn, cả 2 phía sẽ lại có một tuyên bố không rõ ràng như cuộc gặp chúng ta chứng kiến tại Singapore. Tất nhiên, những bước đột phá trong đàm phán không phải cứ thế xảy đến - Chúng cần phải được tạo ra.
Một trong những khả năng để tạo ra sự đột phá như vậy là qua con đường thứ 2. Sau cuộc gặp ông Kim Yong-chol tại Washington, Stephen Biegun - đại diện đặc biệt của chính quyền tổng thống Trump với Triều Tiên đã bay tới Stockholm để gặp Choe Son-hui, một nhà ngoại giao kinh nghiệm của Triều Tiên người đã đàm phán với Hoa Kỳ trong nhiều năm.
Choe và Biegun sẽ bàn thảo các chi tiết: mọi thứ từ "các phạm vi tương ứng" mà Triều Tiên đang tìm kiếm ở Mỹ để thực hiện những bước tiếp theo trong việc giải trừ hạt nhân. Cuộc gặp tại Stockholm sẽ mở ra cơ hội để tạo ra điều gì đó mới cho cuộc họp thượng đỉnh lần 2.
Một lĩnh vực có thể gây xích mích trong cuộc họp thượng đỉnh là những cuộc tập trận chung sắp tới giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc mang tên Resolve and Foal Eagle. Hàng năm, Triều Tiên vẫn phàn nàn rằng các cuộc tập trận này là mưu mẹo để tràn vào lãnh thổ của nước mình. Liên minh hai nước thì nói rằng các cuộc tập trận đã được hiệu chỉnh để không gây ảnh hưởng tới ngoại giao, nhưng trong tháng này Bình Nhưỡng đã kêu gọi Mỹ-Hàn hủy bỏ hoàn toàn cuộc tập trận.
Những tuần trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 sẽ không thể không có cọ sát. Nhưng ngay cả khi sự cọ sát giữa 2 nước được xử lý, cho phép 2 vị lãnh đạo có cơ hội chụp những bức hình chung khác, có rất ít biểu hiện cho thấy Hoa Kỳ tiếp cận được gần với mục tiêu mà mình tuyên bố là phải xác minh được việc giải trừ vũ khí của Triều Tiên.
Thay vào đó, có thể 2 bên sẽ tập trung vào các mục tiêu khác như khẳng định tuyên bố tại Singapore: thúc đẩy quan hệ ngoại giao tốt hơn giữa 2 bên và tiến tới một chế độ hòa bình ổn định hợp tác với Hàn Quốc.