Miura đã thành "hổ giấy"
Cách đây không lâu, chẳng biết ở Thái Lan hay Ấn Độ xuất hiện một đoạn video khiến nhiều người thích thú. Số là có một con hổ nặng tới vài tạ sau quãng thời gian dài bị thuần hóa trong môi trường nuôi nhốt đã mất hết bản lĩnh của chúa sơn lâm, để lộ vẻ nhút nhát như mèo nhà.
Thú vị hơn, có một chú chó loắt choắt phát hiện hổ đang đi dạo ở công viên đã không ngần ngại nhảy bổ tới và sủa vang trời trời hòng dọa nạt vị "chúa sơn lâm". Con hổ to hơn gấp vài chục lần bỗng để lộ vẻ sợ hãi, chỉ biết dùng bàn chân tát nhẹ làm "đòn gió" trước khi tìm cách lủi vào bụi rậm chạy trốn…
Vài năm trước, HLV Miura đến Việt Nam với kỳ vọng sẽ giúp nền bóng đá ở dải đất hình chữ S có thể tiếp thu những tinh túy của bóng đá Nhật Bản – vốn là một "ông kẹ" ở châu Á. Đó là kỷ luật, chiến thuật và cả thể lực.
Sang Việt Nam, ông Miura xây dựng lối chơi cho ĐTQG có phần thô ráp, thiên về sức mạnh cơ bắp như của loài hổ trong thế giới tự nhiên. Ông chú trọng phòng ngự, bóng dài tựa hồ thế võ kiểu trường kiều đại mã của loài hổ trong chiến đấu.
Tất nhiên trong mắt HLV Miura, lối ban bật bóng ngắn của lứa cầu thủ được đánh giá tài năng ở HAGL là Công Phượng, Xuân Trường chỉ như sự lựa chọn thứ yếu.
Miura từng muốn biến ĐT Việt Nam thành "hổ" ở Đông Nam Á nhưng thất bại và ông đã bị sa thải.
Có lẽ, Miura đã từng kỳ vọng lối chơi dùng nhiều sức mạnh của ĐTQG và U23 có thể giúp bóng đá Việt Nam trở thành "chúa tể" ở đấu trường khu vực. Thế nhưng, khi bước ra Đông Nam Á, binh đoàn của ông Miura rốt cục chỉ như những chú "mèo nhà" để rồi trắng tay. Kết quả cuối cùng, thầy Nhật bị sa thải.
Park Hang-seo có làm hùm thiêng hay sẽ phải "nhớ rừng"?
Gần 2 năm trôi đi, LĐBĐ Việt Nam lại đặt những trọng trách lớn lao lên vai một thầy ngoại, đó là Park Hang-seo, người có bản lý lịch "oai hùng" hơn Miura khá nhiều.
Nhìn vào bản thành tích từng là trợ lý cho Guud Hiddink giúp ĐT Hàn Quốc giành hạng tư World Cup 2002 trên sân nhà, Park Hang-seo xứng đáng được coi là "chúa sơn lâm" nếu so với nền bóng đá Đông Nam Á vốn bị coi là vùng trũng của thế giới.
Đó thực sự là giai đoạn hoàng kim, giống như khi chú hổ được vùng vẫy chốn rừng thiêng. Đó là khi Park Hang-seo được làm việc với chiến lược gia tài ba Guud Hiddink và những cầu thủ Hàn Quốc vốn dĩ chuyên nghiệp hàng đầu ở Á châu.
Park Hang-seo từng có "chiến tích lẫy lừng" khi còn là trợ lý cho Hiddink.
Thế nhưng sau vinh quang ấy, "con hổ" Park Hang-seo đã trở về… đồng bằng khi dẫn dắt một loạt CLB làng nhàng vốn chẳng có mấy "số má" ở xứ sở Kim chi.
Đỉnh điểm là thời gian gần đây, ngay trước thời điểm nhận lời mời của VFF, HLV Park Hang-seo trải qua quãng thời gian có lẽ là tồi tệ nhất trong sự nghiệp cầm quân: 15 trận liên tiếp toàn hòa (4) và thua (11), ở một đấu trường cực kỳ xoàng xĩnh là giải hạng 3 Hàn Quốc tại CLB Changwon FC.
Nhìn vào chuỗi trận khủng khiếp ấy, người hâm mộ có lý để phân vân rằng ông Park Hang-seo thực chất có là "chú hổ sa cơ" hay chỉ là "cáo mượn oai hùm" dưới trướng của chiến lược gia Guud Hiddink.
Lại nói về VFF, gần 2 năm trước, việc liên đoàn sa thải ông Miura đã gây ra khá nhiều những tranh luận trái chiều. Trong mắt phần đông người hâm mộ Việt Nam, ông thầy Nhật thực chất chỉ đáng thương hơn đáng trách. Trước khi ông khăn gói về nước, lời tuyên bố "Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho tuyển" của một vị quan chức ở VFF cũng là chủ đề để người ta phải đàm tiếu.
Hai năm sau, khi dư luận còn bàn tán rôm rả về những phát biểu động trời của HLV Hữu Thắng lúc đã từ chức, rằng "VFF vô lương tâm quá nên tôi phải nói hết sự thật", rằng chuyện đấu đá nội bộ ở VFF là chuyện có thật và được Tổng cục TDTT quan tâm đặc biệt thì ông Park Hang-seo được chọn ngồi vào ghế nóng, theo cái cách chẳng thể chóng vánh hơn được nữa.
HLV Park Hang-seo được lựa chọn theo cách quá chóng vánh.
Tất nhiên, giờ đây sự quan tâm của người hâm mộ được dồn sang ông Park Hang-seo. Có lẽ người ta sẽ "tạm quên" đi những lùm xùm của Hữu Thắng và những mâu thuẫn trong thâm cung bí sử ở VFF.
Ít ngày trước, nhiều chuyên gia trong nước bày tỏ VFF nên nghĩ tới việc cải tổ liên đoàn trước khi tính chuyện thuê một HLV ngoại. Rốt cục VFF đã làm ngược lại và người ta có lý để đặt ra giả thuyết rằng liệu việc chọn ông Park Hang-seo có phải là giải pháp để VFF "đánh lạc hướng" dư luận hay không?
Trở lại với câu chuyện chú chó, chú hổ và HLV Park Hang-seo, việc ông có thực sự là "chúa sơn lâm" khi còn làm trợ lý cho Hiddink hay không chẳng phải là điều quá quan trọng. Chỉ hy vọng rằng khi làm việc ở Việt Nam, ông sẽ không rơi vào thảm cảnh "rồng chơi sông cạn tôm giỡn mặt, hổ lạc đất bằng bị chó khinh"!…