HLV Lê Thụy Hải: "Nhiều cầu thủ Việt kiều không biết đá bóng"

Lâm Chi (ghi) |

Tony Tuấn Anh thử việc không thành công ở đội tuyển U20 chuẩn bị cho World Cup là trường hợp cầu thủ Việt kiều mới nhất thất bại trong việc tìm kiếm cơ hội chơi bóng tại Việt Nam.

Tony Tuấn Anh sinh ngày 26/8/1999 tại Benesov (Cộng Hòa Czech). Cầu thủ này có bố và mẹ đều quê gốc Bắc Giang. Anh gia nhập Học viện bóng đá Bohemians Praha năm 2011 và đang thuộc biên chế U19 của Học viện này.

Về vấn đề này, HLV Lê Thụy Hải chia sẻ: “Tôi đọc thông tin trên báo được biết cầu thủ Việt kiều Tony Tuấn Anh xin thử việc ở đội U20 Việt Nam nhưng không đạt yêu cầu và bị loại dù trước đó từng tập luyện tại Séc.

Trước đó, ngay từ khi tôi còn làm việc ở các CLB, đã có không ít cầu thủ Việt kiều về Việt Nam tìm kiếm cơ hội chơi bóng nhưng không nhiều người thành công. Nhưng chúng ta cũng không nên đặt vấn đề cầu thủ Việt kiều có trụ lại được V.League hay không, nói như thế thì giải đấu V.League của mình ghê quá.

HLV Lê Thụy Hải: Nhiều cầu thủ Việt kiều không biết đá bóng - Ảnh 1.

Đặng Văn Lâm là trường hợp cầu thủ Việt kiều hiếm hoi tìm được chỗ đứng tại V.League và đội tuyển Việt Nam.Ảnh: Thanh Hà

Tuy nhiên, thật lòng mà nói, đa số các cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng rất kém. Một là được báo chí, mạng xã hội bốc lên, hoặc họ cũng tìm cách tự đánh bóng tên tuổi của mình. Xuyên suốt thời gian còn làm ở V.League, tôi thấy không cầu thủ Việt kiều nào chơi được.

Đặng Văn Robert thì chỉ có thể nói là tàm tạm, Michal Nguyen thì cho đến bây giờ mới có thể nói là biết đá bóng, Mạc Hồng Quân cũng vậy, không khá hơn bao nhiêu.

Các bạn ấy phải rất may mắn được ở những CLB nào đó nhận rồi rèn luyện, sau đó may ra mới có thể chơi được còn thực tế, họ không phải là những người có tố chất đặc biệt, bên kia chơi bóng theo kiểu học sinh hay nghiệp dư chứ không hẳn là chuyên nghiệp, vì thế rất khó để phát triển.

Về trường hợp cầu thủ mới đây thử việc ở đội U20 (Tony Tuấn Anh – PV) tôi thấy những thông tin là dù có nỗ lực nhưng vẫn không đạt yêu cầu chuyên môn để được giữ lại.

Tôi còn nhớ mãi hồi năm 2015 khi còn làm ở Đà Nẵng, CLB có đón Toni Le Hoang, cũng là một cầu thủ Việt kiều đến thử việc nhưng cậu ta có biết đá bóng đâu. Nói như vậy hơi nặng nề nhưng thực tế, họ chỉ chơi nghiệp dư, thiếu tố chất, đã như vậy lại không được rèn luyện thường xuyên ở một CLB chuyên nghiệp.

Song song với đó, tôi được biết, với bóng đá Việt Nam, ở các CLB, không có sự ganh ghét, đố kị với những cầu thủ Việt kiều đâu. Tôi rất hiểu thực tế đó, vì thế, nếu không tìm được cơ hội chơi bóng tại Việt Nam là do tự bản thân năng lực của những cầu thủ Việt kiều chứ không vì môi trường bóng đá ở đây”.

Đặng Văn Lâm thủ môn của CLB Hải Phòng và thành viên đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng là trường hợp hiếm hoi tìm kiếm được chỗ đứng cho mình khi về nước dù phải trải qua hành trình không hề dễ dàng.

“Thủ môn Đặng Văn Lâm của Hải Phòng là một ngoại lệ. Nhưng, như tôi đã nói ở trên, quan trọng là có CLB nào đó tại V.League nhận, trao cho cầu thủ Việt kiều cơ hội tập luyện, thi đấu một thời gian thì có thể sẽ phát huy được khả năng. Bản thân Đặng Văn Lâm tôi thấy nói chung được, thật xuất sắc thì cũng chưa phải.

Ngoài yếu tố chuyên môn, theo tôi việc cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng còn gặp khó khăn là trong tâm lý của họ cứ nghĩ mình sẽ chơi được, nghỉ hơn hẳn cầu thủ trong nước. Khi không thành công sẽ nảy sinh thái độ không hay, ngay cả các phụ huynh cũng thể, kể cả những trường hợp HLV Mai Đức Chung đưa về.

Cầu thủ Việt kiều mà trình độ cứ nhàng nhàng thì không có CLB nào lấy, chuyên môn thì chưa nói nhưng còn nảy sinh nhiều chuyện phức tạp nữa”, HLV Lê Thụy Hải chốt lại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại