Hết gạo đến đường, lúa mì rồi hành - vì sao Ấn Độ liên tục thắt chặt xuất khẩu hàng loạt nông sản quan trọng?

Đức Nam |

Ấn Độ là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới những cũng sở hữu một thị trường nội địa cực kỳ nhạy cảm với hàng trăm triệu người tiêu dùng phụ thuộc vào các loại lương thực giá rẻ, được trợ cấp.

Hết gạo đến đường, lúa mì rồi hành - vì sao Ấn Độ liên tục thắt chặt xuất khẩu hàng loạt nông sản quan trọng? - Ảnh 1.

Chính quyền Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực kiểm soát nguồn cung trong nước và giá cả các mặt hàng như đường, hành tây, lúa mì trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm sau.

Các nhà chức trách thời gian gần đây đã cấm xuất khẩu hành tây, hạn chế sử dụng đường để sản xuất ethanol và cắt giảm lượng lúa mì dự trữ mà các thương nhân và nhà bán lẻ được phép nắm giữ.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp lớn nhất thế giới. Nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng có thị trường nội địa rất nhạy cảm, với hàng trăm triệu người phụ thuộc và thực phẩm giá rẻ và được trợ giá.

Chẳng hạn, đường được giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm một phần do kỳ vọng nguồn cung từ Ấn Độ giảm sau khi thời tiết xấu làm gián đoạn sản xuất. Tại nước láng giềng Bangladesh, giá hành tăng gấp đôi chỉ sau một đêm sau thông báo Ấn Độ cấm xuất khẩu, có hiệu lực đến tháng 3/2024.

Các nhà phân tích cho biết các động thái cấm xuất khẩu của Ấn Độ là phản ứng trước tình trạng bất ổn khi lạm phát lương thực kéo dài.

“Mối lo ngại là làm thế nào để kiềm chế lạm phát trong nước, vốn ở mức không dễ chịu”, Ashok Gulati, nhà kinh tế nông nghiệp và cố vấn chính sách lâu năm của chính phủ Ấn Độ cho hay. Nỗi lo về nguồn cung ngày càng trầm trọng hơn do thời tiết xấu, khi các nhà khoa học cảnh báo gió mùa hàng năm đã trở nên bất thường do biến đổi khí hậu.

Các nhà chức trách dự kiến sản lượng đường ở Ấn Độ - nước sản xuất và tiêu dùng lớn nhất thế giới – sẽ giảm gần 10% trong năm nay. Dự trữ đường trong nước đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2 tháng tiêu thụ, thấp hơn ngưỡng đệm 3 tháng mà chính phủ đặt ra.

Một số nhà phê bình cho rằng những biện pháp can thiệp này có thể gây thách thức đối với một quốc gia đang tìm cách xây dựng thị trường xuất khẩu. Ấn Độ có nguy cơ mất đi những khách hàng mới vào tay đối thủ cạnh tranh.

Prakash Naiknevare, CEO của Liên đoàn cách nhà máy đường quốc gia cho rằng các nhà nhập khẩu đường ở Đông Nam Á và châu Phi thường mua đường của Ấn Độ trước đây có thể sẽ tìm những đối tác khác. “Chúng tôi đã tạo ra thị trường, hình ảnh thương hiệu nhưng đáng tiếc giờ đây chúng tôi đang vắng mặt. Brazil sẽ tận dụng tối đa lợi thế này”, ông nói.

Nguồn: FT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại