Hết El Nino, lại đến La Nina: Biển Đông dự báo có 13 cơn bão, dồn dập vào cuối năm?

Trang Ly |

La Nina xuất hiện sẽ khiến mùa bão 2024 tại Biển Đông khốc liệt hơn?

Một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục trong năm 2023 - El Nino - đã biến mất, và đối nghịch với nó, La Nina, cũng sắp xảy ra.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) cho biết, có 55% khả năng La Nina phát triển từ tháng 6 đến tháng 8 và 77% khả năng xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm 2024 này.

Pha nóng chuyển lạnh đột ngột: Dấu hiệu của mùa bão khốc liệt?

Năm nay, các nhà dự báo thời tiết cho biết, dự kiến sẽ có sự chuyển đổi nhanh chóng sang La Nina. Sau một đợt siêu El Nino 2023 - 2024, đại dương đang xuất hiện các điều kiện để chuyển sang pha lạnh (La Nina) khá nhanh. La Nina 2024 tồn tại bao lâu vẫn là một câu hỏi mở.

"Chu kỳ này có xu hướng dao động từ cực đoan đến cực đoan trung bình từ 3 đến 7 năm một lần, nhưng trong khi El Nino có xu hướng tồn tại trong thời gian ngắn (như El Nino 2023 - 2024) thì La Nina có thể kéo dài 2 năm hoặc lâu hơn" - Pedro DiNezio, nhà khoa học  tại Đại học Colorado (Mỹ) cho biết.

CNN trích lời các chuyên gia khí tượng cho hay, La Nina tạo ra các kiểu thời tiết trái ngược với El Nino. Và việc chuyển sang La Nina nhanh hơn có thể có tác động nhiều hơn đến mùa bão sắp tới, bắt đầu vào tháng 6 và thường đạt cực đại vào tháng 9 hàng năm.

Vậy tác động của La Nina quy mô toàn cầu là như thế nào?

La Nina và mùa bão 2024 tại Thái Bình Dương

Mùa bão Thái Bình Dương năm 2024 đang đến rất nhanh với ngày bắt đầu chính thức là ngày 15 tháng 5 ở phía đông Thái Bình Dương và ngày 1 tháng 6 ở trung tâm Thái Bình Dương.

Tính đến đầu tháng 5 năm 2024, cho đến nay, chưa có cơn bão nhiệt đới nào phát triển ở Thái Bình Dương trong năm nay.

Một yếu tố chính cần xem xét cho mùa bão 2024 là sự thay đổi đang diễn ra trong khoảng thời gian El Nino chuyển sang La Nina, điều này sẽ có tác động lớn đến số lượng lốc xoáy nhiệt đới phát triển ở phía đông và phía tây bắc Thái Bình Dương trong 6 tháng tới.

Khả năng La Nina phát triển vào cao điểm của mùa bão Thái Bình Dương 2024 sẽ có tác động lớn đến số lượng xoáy thuận nhiệt đới. Theo mô hình La Nina điển hình, sự phát triển của bão nhiệt đới cũng bị ngăn chặn ở trung tâm Thái Bình Dương và phần lớn phía tây Thái Bình Dương, ngoại trừ Biển Đông.

Lý giải điều này, chuyên gia khí tượng thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn của Việt Nam cho biết: Trạng thái khí quyển khi chuyển từ El Nino sang La Nina khi kết hợp cùng với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan. Vì vậy, nửa cuối năm 2024 sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc mưa đá hơn mức bình thường.

Chuyên gia này cho biết thêm, từ nay đến cuối năm Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão, trong đó có 5-7 cơn tác động trên đất liền.

Hết El Nino, lại đến La Nina: Biển Đông dự báo có 13 cơn bão, dồn dập vào cuối năm?- Ảnh 1.

Ảnh mang tính minh họa.

Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia dự báo, từ tháng 7-12/2024, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền, có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; và có khả năng tập trung nhiều vào thời kỳ nửa cuối mùa mưa bão.

Trong đó, từ tháng 7 đến 9/2024, bão và ATNĐ sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, từ khoảng tháng 9 đến 12/2024 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Trung và khu vực phía Nam.

Trung tâm cảnh báo, trong các tháng nửa cuối năm 2024 đề phòng gió mạnh, sóng lớn trên biển do tác động của bão/ATNĐ và gió mùa Tây Nam ở vùng biển Giữa và Nam Biển Đông và không khí lạnh từ tháng 11-12/2024 ở khu vực Biển Đông có khả năng gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển.

Ngoài ra, hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh ở những khu vực chịu tác động.

La Nina khiến mùa bão Đại Tây Dương khốc liệt hơn

Nhiệt độ ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương cũng kiểm soát độ đứt gió trên phần lớn Đại Tây Dương.

Độ đứt gió là sự khác biệt về tốc độ gió ở các độ cao hoặc hướng khác nhau. Bão gặp khó khăn hơn trong việc giữ cấu trúc cột của chúng khi gặp gió cắt mạnh.

Trong khi đó La Nina tạo ra ít độ đứt gió hơn, loại bỏ khả năng ngăn chặn các cơn bão. Đó không phải là tin tốt cho những người sống ở những vùng dễ bị bão như bang Florida, Mỹ. Trong đợt La Nina 2020-2021, Đại Tây Dương chứng kiến kỷ lục 30 cơn bão nhiệt đới và 14 cơn cuồng phong, và năm 2021 có 21 cơn bão nhiệt đới và 7 cơn cuồng phong.

Các nhà dự báo đã cảnh báo rằng mùa bão Đại Tây Dương năm 2024 có thể sánh ngang với năm 2021, phần lớn là do La Niña. 

Vùng nhiệt đới Đại Tây Dương cũng đặc biệt ấm áp, với nhiệt độ mặt nước biển phá kỷ lục trong hơn một năm. Sự ấm áp đó ảnh hưởng đến bầu khí quyển, gây ra nhiều chuyển động khí quyển trên Đại Tây Dương, tạo ra các cơn bão.

La Nina tác động khắp Nam bán cầu

Tác động của El Nino và La Nina gần như là hình ảnh phản chiếu ở Nam bán cầu. Nghĩa là đây là khu vực chịu những ảnh hưởng nhiều nhất của hai hiện tượng này.

Chile và Argentina có xu hướng gặp hạn hán thường xuyên hơn trong thời kỳ La Nina, trong khi lại khiến Amazon có nhiều mưa hơn. 

Australia đã hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng trong đợt La Nina 2020-2021. 

La Nina cũng tạo điều kiện thuận lợi cho gió mùa Ấn Độ, nghĩa là lượng mưa trên mức trung bình xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, các hiệu ứng không xảy ra ngay lập tức. Ví dụ ở Nam Á, những thay đổi có xu hướng xuất hiện vài tháng sau khi La Nina chính thức xuất hiện.

Hết El Nino, lại đến La Nina: Biển Đông dự báo có 13 cơn bão, dồn dập vào cuối năm?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Tại miền Đông châu Phi, La Nina gây tác động rất tồi tệ, nơi các cộng đồng dễ bị tổn thương đang phải hứng chịu hạn hán kéo dài.

Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến tác động của La Nina không?

El Nino và La Nina hiện đang diễn ra do ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Điều đó có thể khiến nhiệt độ trở nên trầm trọng hơn, như thế giới đã chứng kiến vào năm 2023 và lượng mưa có thể tăng vượt mức bình thường.

Kể từ mùa hè năm 2023, thế giới đã có 10 tháng liên tiếp nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục. Phần lớn hơi ấm đó đến từ các đại dương, nơi vẫn đang ở nhiệt độ cao kỷ lục.

La Nina có thể làm mọi thứ mát mẻ hơn một chút, nhưng lượng khí thải nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn đang tăng lên. Vì vậy, trong khi những biến động giữa El Nino và La Nina có thể gây ra những thay đổi nhiệt độ trong thời gian ngắn, thì xu hướng chung là thế giới vẫn đang nóng lên.

Tham khảo: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, The Conversation, CNN, Polestarglobal

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại