Hậu thượng đỉnh Nga-Mỹ: "Rủi ro chính trị lớn nhất" của TT Trump và sự phân rẽ của nước Mỹ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực của cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin đã không được để ý đúng mức. Và ông Trump đã phải cài số lùi.

Sự phê phán

Luôn tỏ ra tự tin, kiểm soát được tình hình và làm chủ được tình thế là vậy mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bị bất ngờ bởi diễn biến tình hình nội trị ở Mỹ về cuộc gặp của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 vừa qua ở thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Ông Trump và ông Putin đều coi sự kiện này thành công và trên thực chất đã có cơ sở xác đáng để đánh giá như thế. Nhưng ở Mỹ, dư luận xã hội và phản ứng trên chính trường lại không được thuận theo mong muốn của ông Trump.

Đảng Dân chủ, một bộ phận trong Đảng Cộng hoà và diện cử tri không nhỏ phê phán ông Trump gay gắt, cho rằng ông Trump đã nhượng bộ quá nhiều cho nước Nga và thậm chí còn coi ông Trump đã phản bội lợi ích của đất nước.

Sự phê phán nhằm vào hai điểm.

Thứ nhất, ông Trump đã công khai thể hiện ở Helsinki là tin vào lời nói của ông Putin nhiều hơn là tin vào những cơ quan tình báo, an ninh và mật vụ của chính nước Mỹ liên quan đến cáo buộc là nước Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở Mỹ hồi đầu tháng 11/2016

Có thể hiểu ngầm ý của ông Trump ở đây là không tin có chuyện nước Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ mà đấy là mưu đồ của Đảng Dân chủ và những người không ủng hộ ông Trump nhằm làm huỷ hoại tính hợp pháp hợp hiến của sự đắc cử tổng thống của ông Trump.

Thứ hai, trong trao đổi với ông Putin, ông Trump đã không phê phán chính sách đối ngoại của ông Putin, đặc biệt là chính sách về vấn đề Crimea, Ukraine và Syria. Làn sóng phê phán ấy đã tạo áp lực buộc ông Trump phải cài số lùi, phải quả quyết là rất tin tưởng các cơ quan tình báo, an ninh và mật vụ của Mỹ, cũng như cho rằng có chuyện phía Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ.

Nước Mỹ hiện tại

Tất cả những diễn biến mới ấy cho thấy hai điều.

Thứ nhất, nước Mỹ hiện tại không có sự đánh giá thống nhất về kết quả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin vừa rồi.

Sự không thống nhất này phản ánh sự bất đồng quan điểm sâu sắc, thậm chí còn cả đối nghịch nhau, về định hướng chính sách của Mỹ đối với Nga, về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đối với việc giải quyết những vấn đề chính trị thế giới động chạm trực tiếp đến lợi ích chiến lược của Mỹ và về tính khả thi ở thời điểm hiện tại của việc khởi động mới mối quan hệ song phương này.

Hậu thượng đỉnh Nga-Mỹ: Rủi ro chính trị lớn nhất của TT Trump và sự phân rẽ của nước Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin gặp gỡ tại Helsinki. Ảnh: Reuters

Đối với những người phê phán ông Trump, điều được họ quan tâm hàng đầu là thể hiện thái độ bề trên đối với Nga và cho rằng vừa không cần, vừa không nên cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga vì làm thế thì chỉ có lợi cho Nga hoặc Nga được lợi nhiều hơn Mỹ.

Thứ hai, câu chuyện về những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ càng ngày càng thêm nhạy cảm về chính trị đối nội ở Mỹ và có tác động càng ngày càng lớn hơn tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tới đây ở Mỹ.

Nó trở nên như vậy vì ẩn chứa rủi ro chính trị lớn nhất đối với quyền lực của ông Trump. Vì thế, những ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực của cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin đối với nước Mỹ, đối với mối quan hệ giữa hai nước và đối với thế giới đã không được để ý đến đúng mức. Cũng vì thế mà ông Trump đã phải cài số lùi.

Từ đó có thể nhận diện được hai nét đặc trưng cho nước Mỹ hiện tại.

Hậu thượng đỉnh Nga-Mỹ: Rủi ro chính trị lớn nhất của TT Trump và sự phân rẽ của nước Mỹ - Ảnh 3.

Thứ nhất, sự phân hoá trên chính trường và phân rẽ trong nội bộ xã hội nước Mỹ tiếp tục sâu sắc và trầm trọng hơn chứ chưa bớt đi. Đây mới là gốc rễ sâu xa của tình trạng ông Trump làm gì cũng đều bị những người không ủng hộ phê phán và chống phá trong khi vẫn được bộ phận cử tri đã bỏ phiếu cho mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ủng hộ.

Sự phân cực này có lợi cho ông Trump trong cả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới lẫn cuộc bầu cử tổng thống tới vì ông Trump vẫn duy trì được diện cử tri ủng hộ trong khi phe chống đối chỉ biết chống đối, chứ chưa trở thành được sự lựa chọn chính trị thay thế.

Thứ hai, trong tất cả những gì ông Trump làm và tất cả những gì người này nói đều pha trộn giữa thật và vờ, giữa chiến lược và sách lược, giữa chiến thuật và thủ thuật. Đảng Dân chủ quá yếu về ý tưởng chính sách và Đảng Cộng hoà không có bản lĩnh trước ông Trump nên ông Trump có thể chơi cuộc chơi với sự mập mờ và mù mờ đó.

Cho tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới sẽ vẫn còn như thế. Nếu có thay đổi thì phải sau đó và thay đổi như thế nào tuỳ thuộc vào Đảng Cộng hoà có còn kiểm soát được cả lưỡng viện lập pháp nữa hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại