Hầu hết nhà thầu chuyển giao công nghệ cho Formosa là Trung Quốc

B.P - Công Luận |

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, qua kiểm tra phát hiện 53 hành vi vi phạm của Formosa, trong đó liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công.

Sáng 1/7, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện Formosa đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, khi cơ quan quản lý nhà nước vào kiểm tra Formosa, có 6 nhà thầu nước ngoài liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị, chuyển giao quản lý, hầu hết nhà thầu là Trung Quốc.

Qua kiểm tra phát hiện 53 hành vi vi phạm, trong đó liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công.

"Qua giai đoạn thử nghiệm, Formosa có dấu hiệu xảy ra sự cố liên quan đến điện, liên quan đến việc triển khai các hệ thống xử lý chưa đáp ứng theo đúng quy trình của chúng ta, chưa đúng quy định của pháp luật cũng như chưa đúng quy định của cơ quan quản lý.

Trong 53 hành vi đó có một hành vi rất quan trọng là Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ cốc xử lý khô sang công nghệ xử lý cốc ướt – là công nghệ xử lý có rất nhiều chất thải. Công nghệ này hoàn toàn do họ tự ý điều chỉnh, đây là bằng chứng rõ ràng về mặt pháp lý.

Tuy nhiên việc sửa đổi công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường mà nó liên quan đến việc họ đã vi phạm quy định của ta", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Hà, hiện nay, các vấn đề về xử lý đang trong giai đoạn chạy thử, trên thực tế công suất và nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc.

Tại đó, nguồn nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hoá mà đến nay mới chạy được ¼ công suất nên việc diễn ra ô nhiễm như vậy có thể khẳng định là do sự cố, còn trên thực tế nếu vận hành đầy đủ, đúng quy định và được kiểm tra chặt chẽ thì nó hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

"Hiện nay, sau khi Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát và yêu cầu họ khắc phục các tồn tại", Bộ trưởng Hà khẳng định.

Tham dự phiên họp, trao đổi thêm về việc sử dụng lao động Trung Quốc tại Formosa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, về quản lý lao động nước ngoài ở Formosa, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc cấp giấy phép.

"Hiện nay, chúng tôi được biết có 70% lao động ở Formosa được cấp giấy phép. Tuy nhiên, con số của các nhà thầu luôn biến động phụ thuộc vào từng giai đoạn.

Theo số liệu được báo cáo, các lao động nước ngoài hiện nay giao cho Hà Tĩnh quản lý cấp giấy phép, quản lý việc cấp giấy phép, và việc này được thực hiện theo đúng quy định", Thứ trưởng Huân thông tin.

Theo các nhà khoa học, sau sự cố môi trường nghiêm trọng khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, phải mất 50 năm hệ sinh thái biển ở đây mới khôi phục hoàn toàn.

Toàn cảnh cá chết hàng loạt ở miền Trung:

Đầu tháng 4-2016, bắt đầu xảy ra hiện tượng cá chết dạt vào bờ biển Hà Tĩnh, đặc biệt là khu vực Vũng Áng, gần nhà máy của Formosa, sau đó lan ra các tỉnh thành khác như Quảng Trị, Quảng Bình.

Ngày 20-4, khu vực bãi biển Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) nhiều người dân đổ xô ra biển lượm cá chết dạt, trôi lềnh bềnh trên bờ biển. Hiện tượng cá chết lan ra Huế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đến ngày 26-4, các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh...

Ngày 1-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp vào Hà Tĩnh chỉ đạo phải tìm cho ra nguyên nhân cá chết.

"Dù bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào vi phạm pháp luật cũng phải làm rõ trên căn cứ khoa học, không ai bao che cả. Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học" - Thủ tướng chỉ đạo.

Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do cá chết bất thường.
Ngày 29-5, báo chí ghi nhận không chỉ khu vực miền Trung mà ngay tại TP.HCM, tiểu thương bán hải sản cũng bị vạ lây vì người dân thận trọng khi mua hải sản.

Ngày 2-6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì chờ phản biện.

Ngày 13-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc ngày 20-7 và diễn ra trong khoảng chín ngày.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, bên cạnh một số nội dung cần báo cáo theo thông lệ, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Ngày 30-6, Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân cá chết là do nước thải từ Fomosa. Công ty Formosa đã thừa nhận, xin lỗi nhân dân Việt Nam và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.

(Theo Tuổi trẻ)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại