Hậu Brexit: Vì sao nói Nga "mở cờ trong bụng" sau khi Anh rời EU?

Đức Huy |

Tạp chí Quartz dẫn lời các chuyên gia nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc hẳn là một trong những người mừng nhất trước sự kiện Brexit - Anh rời EU.

Kể từ khi Moscow phải đối mặt với loạt trừng phạt đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) sau vụ sáp nhập Crimea hồi năm 2014, Anh luôn là rào cản khó suy suyển nhất trước mọi động thái thoát cấm vận từ phía Nga.

Trong suốt 27 tháng qua, trong lúc Tổng thống Putin tìm cách ve vãn các thành viên EU, thì Thủ tướng Anh David Cameron luôn đóng vai trò "kì đà cản mũi", thuyết phục 27 thành viên liên minh tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Với việc người dân Anh quyết định sẽ rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua, chưa thể nói rằng Putin đã "thoát", bởi trong liên minh này vẫn còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cứng rắn, Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ mạnh mẽ trừng phạt Nga, và Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo vốn chẳng ưa gì Moscow.

Ba lãnh đạo này cũng là những người hôm 21/6 mới đây đã bỏ phiếu gia hạn trừng phạt Nga tới tháng 1/2017.

Tuy vậy, có thể nói EU giờ đã mất đi thế lực nghi ngờ động cơ của Nga lớn nhất. 

"Chiến lược hành động của Putin là tìm cách tận dụng tình hình và những kẽ hở để thu về lợi ích cho Nga. 

Vì vậy, [với việc Anh rời EU], Nga nhiều khả năng sẽ có nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn những động thái bất lợi cũng như thúc đẩy những gì có lợi cho mình, như giữ vững vị thế độc tôn trong thị trường năng lượng châu Âu" - Fiona Hill, chuyên gia nghiên cứu về Nga thuộc Viện Brookings (Mỹ), nhận định. 

Cùng quan điểm với bà Hill, chuyên gia Charles Lichfield thuộc Văn phòng Cố vấn Chính trị Á-Âu Eurasia Group cho rằng, "Anh là một trong những bên 'diều hâu' nhất tại EU trong việc trừng phạt Nga. Khi không còn Anh tác động, sẽ rất khó để các nước Đông và Trung Âu giữ vững lập trường này". 

Một trong những vết nứt quan trọng nhất trong nội bộ EU mà nhiều khả năng Putin sẽ tìm cách tận dụng chính là phản ứng của liên minh này hậu Brexit, và hệ lụy đối với những lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Nga.

Câu hỏi được đặt ra là những gì Nga đã làm với Crimea có thực sự là một mối đe dọa trực tiếp hơn so với sự thống nhất của một khối liên minh tồn tại nhiều thập kỉ? 

Jeff Mankoff, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cho rằng sự quan tâm của EU sẽ dồn vào Brexit, và hệ quả là vấn đề trừng phạt kinh tế Nga sau vụ Crimea sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu.  

"Nhiều bên trong EU sẽ đặt dấu hỏi về việc tại sao lúc này lại đi cãi nhau xung quanh việc trừng phạt Nga, trong khi đang phải đối mặt với một thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến tồn vong của liên minh" - ông Mankoff nhận định

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại