Brexit thể hiện nhu cầu "đòi quyền kiểm soát" trên toàn cầu

Ngọc Anh |

Bài viết trên tạp chi TIME (Mỹ) hôm 24/6 đánh giá những thông điệp mà sự kiện trưng cầu dân ý Brexit - Anh rời khỏi EU - thể hiện, cũng như tương lai cho quan hệ Anh-EU.

"Chống lại giới chính trị"

Việc 52% cử tri Anh bỏ phiếu cho lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, đã truyền đi thông điệp rõ ràng rằng người dân Anh đang muốn "lấy lại kiểm soát".

Cử tri muốn được lãnh đạo bởi người Anh, tuân thủ, gìn giữ luật pháp Anh và kiểm soát được biên giới nước này.

Trước đó, họ đã nghe những dự báo chẳng mấy sáng sủa về những hệ luỵ mà nước Anh sẽ gặp phải nếu rời khỏi EU từ những chính trị gia Anh thân EU, những chính trị gia đến từ EU, các nhà kinh tế, các học giả, những ngôi sao điện ảnh, thần tượng thể thao, các giáo sĩ, và cả Tổng thống Mỹ Barack Obama hay tỉ phú Donal Trump.

Nhưng rõ ràng, phần đông cử tri Anh đã chẳng tin ai trong số đó. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý dường như đã "chống lại" cả giới chính trị. Thông điệp muốn một sự thay đổi đã được đưa ra mạnh mẽ.

Những gì vừa diễn ra ở nước Anh không phải là độc nhất. Các đảng dân túy ở Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Úc, Ba Lan và Hungary cũng đang vui mừng và háo hức trước sự kiện số đông người dân đã chiến thắng (chứ không phải chính phủ).

Tuy nhiên những sự thay đổi quá chóng vánh của thời cuộc cũng dấy lên những báo động, quan ngại.

Cử tri Anh đã rất quyết đoán trong lựa chọn, và tiếp theo đây, họ sẽ đối mặt với các hệ quả cho quyết định của mình.

Anh sẽ mất rất nhiều năm để thương lượng xong các hiệp định thương mại mới với các nước trong EU.

Sự bất ổn về chính trị và pháp lý mà các công ty Anh và EU phải đối mặt sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.

Nhập cư vào nước Anh sẽ chậm lại (theo đúng ý những người ủng hộ Brexit), nhưng đó là vì kinh tế sẽ suy thoái.

Brexit thể hiện nhu cầu đòi quyền kiểm soát trên toàn cầu - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức ngay sau khi nỗ lực kêu gọi cử tri bỏ phiếu giữ Anh ở lại EU của ông thất bại.

Người kế nhiệm Thủ tướng Anh David Cameron có thể là cựu Thị trưởng London Boris Johnson hoặc bà Bộ trưởng Nội vụ Theresa May.

Boris Johnson thì đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, nhưng cũng khiến một số lượng không nhỏ người khác rất tức giận.

Bà Theresa May là một lựa chọn "an toàn" hơn, và cũng là người được EU tin tưởng hơn sau này. Tuy nhiên, không ai có thể đoán định trước điều gì vì quá trình lựa chọn Thủ tướng mới cho nước Anh sẽ diễn ra không hề êm ả.

Các nhà lãnh đạo của EU chắc chắn sẽ có những cuộc họp khẩn trong những ngày tới. Thông điệp của họ đối với nước Anh là: Nếu Anh định ra đi, hãy đi cho nhanh! Chúng tôi không cần sự bấp bênh.

Đặc biệt, Pháp và Đức sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới. Các chính trị gia ở hai nước này đều muốn cử tri của họ hiểu rằng ra khỏi EU đồng nghĩa phải đối diện những cái giá rất đắt.

Tương lai nào cho quan hệ Anh-EU

Sắp tới chắc chắn cũng sẽ có rất nhiều phỏng đoán về mô hình quan hệ giữa Anh và EU. Liệu Anh có học theo Na Uy để chỉ là thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) chứ không nằm trong EU?

Nếu lựa chọn giống Na Uy, Anh vẫn có lợi thế (tuy không hoàn toàn) trong việc tiếp cận thị trường chung Châu Âu. Nhưng nếu giống Na Uy thì Anh vẫn phải đóng góp vào ngân sách EU và chấp thuận tất cả những quy định của EU.

Hay là Anh sẽ giống như Thụy Sĩ? Khi đó Anh sẽ có những hiệp định song phương với từng thành viên EU để tiếp cận một phần thị trường chung Châu Âu?

Đó không phải là sự lựa chọn tối ưu cho lĩnh vực tài chính, một lĩnh vực trọng yếu trong nền kinh tế Anh. Thêm vào đó, hiện tại, Thụy Sĩ vẫn chấp nhận lao động nhập cư vào từ các quốc gia thành viên EU khác.

Hoặc là Anh cũng có thể giống như Canada, một nước đã có hiệp định kinh tế-thương mại toàn diện với EU.

Nếu như vậy, Anh có thể tiếp cận phần lớn thị trường chung Châu Âu mà không phải nộp ngân sách cho EU hay mở cửa biên giới cho lực lượng lao động nhập cư.

Dù vậy, Anh sẽ không dễ dàng trong việc có một hiệp định kinh tế tương tự mà Canada đã ký với EU.

Nước này có thể còn nhiều lựa chọn khác trong mối quan hệ với EU, nhưng tất cả đều rất mất thời gian để có thể đi đến bước cuối cùng.

Brexit thể hiện nhu cầu đòi quyền kiểm soát trên toàn cầu - Ảnh 2.

Anh sẽ mất nhiều năm để định hình mối quan hệ thương mại với EU cùng từng thành viên của khối này.

Thêm vào đó, cũng xuất hiện quan ngại rằng Scotland – nơi đa số cử tri chọn phương án "ở lại" EU – sẽ nhanh chóng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh (bao gồm vùng England, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland), như Thủ hiến Nicola Sturgeon từng đe dọa.

Với giá dầu thấp như hiện tại, Brexit sẽ làm tổn hại tới nền kinh tế và một chính phủ Scotland đang cần doanh thu từ xuất khẩu.

Hai năm trước, các cử tri Scotland đã chọn phương án ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh, nhưng lúc đó giá dầu cao gấp đôi hiện tại.

Các lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) sẽ lấy một cuộc trưng cầu dân ý mới ra làm cái cớ để đe dọa, nhằm gây áp lực cho tân Thủ tướng Anh trong việc thỏa thuận một mức giá dầu có lợi nhất với EU.

Có thể nói, vào lúc này, xuất hiện thêm bất cứ sự bất ổn nào cũng là một điều tệ hại đối với Liên hiệp Anh.

Vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi lớn hơn nữa dành cho Anh, Châu Âu, Mỹ và thế giới: Các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới có hiểu được nhu cầu thay đổi hay không? Và liệu họ có thể đáp ứng những nhu cầu thay đổi này mà không gây ra những thiệt hại khó cữu vãn cho nền kinh tế-chính trị của đất nước mình hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại