Hành trình triệt phá ma túy xuyên quốc gia: Ông trùm sa lưới như thế nào?

Văn Minh |

Nhiều ngày đêm đeo bám đối tượng, các trinh sát, lính đặc nhiệm chỉ ăn lót dạ bánh mì, gói xôi…đỡ đói. Mọi hành động đều phải tuyệt đối thận trọng, tỉ mỉ tránh đánh động đối tượng…

Ăn xôi, bánh mì lót dạ…

Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04, Bộ Công an cho biết đối với chuyên án 218LP - đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TPHCM đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện từ nhiều tháng nay.

Để đánh sập đường dây này, Bộ Công an phải chia thành nhiều giai đoạn để đánh án từ miền Trung vào TPHCM. Các trinh sát phải mất nhiều tháng kiên trì, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đeo bám, thu thập chứng cứ.

“Điều khó khăn nhất là các đối tượng cầm đầu đều là người nước ngoài và cử tay chân cũng là người nước ngoài vào TPHCM để điều hành việc giao nhận ma tuý và sử dụng phương tiện kỹ thuật rất hiện đại.

Nhiều giai đoạn tưởng chừng như không phá án được nhưng nhờ sự nhanh nhạy, kiên trì của các lực lượng, chúng tôi đã phá án thành công”, Thiếu tướng Phạm Văn Các nói.

Theo Thiếu tướng Các, các đối tượng buôn bán ma tuý đa số là những người rất giỏi về công nghệ, thông minh và sẵn sàng chống trả lực lượng vây bắt bằng vũ khí nóng. Vì vậy, đòi hỏi các đơn vị tham gia vây bắt phải là những người có trình độ nghiệp vụ cao, rất nhạy bén mới đối phó được với chúng.

Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết để phá án, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ chia làm 15 tổ công tác phối hợp triển khai các biện pháp điều tra, xác minh trên địa bàn trải rộng qua nhiều tỉnh thành.

Để kịp thời đánh giá, nhận định và chỉ đạo các bước phá án, Ban chuyên án đã thành lập các Ban chỉ huy “dã chiến” ngay tại hiện trường, dưới sự chỉ đạo trực tiếp điều tra của Thiếu tướng Phạm Văn Các.

Đến ngày 19/3, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chuyên án quyết định “cất lưới”.

Hành trình triệt phá ma túy xuyên quốc gia: Ông trùm sa lưới như thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng khám xét một địa điểm cất giấu ma túy trong chuyên án 218LP

Thượng tá Khưu Thanh Triều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an), người tham gia chuyên án cho biết, suốt 6 ngày (từ ngày 14 đến 20/3), anh em thường xuyên nhịn đói để cùng các tổ trinh sát đeo bám đối tượng. Mọi người động viên nhau giữ vững tinh thần, yên tâm chiến đấu với tội phạm.

Bởi lẽ, đây là chuyên án ma túy lớn, các đối tượng vận chuyển ma túy số lượng lớn hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí nóng để chống trả quyết liệt.

“Khi tham gia, tôi luôn động viên anh em yên tâm tư tưởng, phải tuyệt đối thận trọng, tỉ mỉ tránh để động đối tượng”, thượng tá Triều cho biết.

Còn trinh sát N.T (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) kể, các tổ trinh sát phải đeo bám các đối tượng qua nhiều tỉnh thành như Bình Phước, Tây Ninh, TPHCM… Chỉ cần lơ là mất tập trung là có thể mất dấu đối tượng.

“Nhiều anh em trinh sát phải thường xuyên lót dạ bằng bánh mỳ, gói xôi để cố gắng đeo bám các đối tượng. Việc đeo bám gặp khó khăn khi các đối tượng di chuyển bằng ô tô, chạy với tốc độ rất cao.

Có lúc, bọn chúng tìm cách đánh lạc hướng như vào khách sạn nghỉ, lúc ghé quán nước…”, trinh sát T kể.

Bắt khẩn cấp kẻ cầm đầu

Thượng tá Ngô Thanh Bình cho biết, hiện Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp kẻ cầm đầu đường dây ma túy xuyên quốc gia này là Wu He Shan (tên phiên âm tiếng Việt là Ngô Hà Sơn, SN 1963, quốc tịch Trung Quốc), đồng thời khởi tố các đối tượng đàn em của Ngô Hà Sơn gồm: Huang Zai Wen (SN 1967, quốc tịch Trung Quốc), Thào A Dơ (SN 1982), Thào A Páo (SN 1974) và Lý A Vừ (cùng ngụ Điện Biên) để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đối tượng Wu He Shan thường xuyên lẩn trốn ở Úc, Trung Quốc và Myanmar để thuận tiện cho việc điều hành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Wu He Shan và đồng bọn mở công ty TNHH TM&DV Hasan (quận Bình Tân, TPHCM) để làm “bình phong”, dựng lên bà Phan Thị M.N làm giám đốc. Bà N chính là người yêu của Wu He Shan.

Qua kiểm tra công ty này, lực lượng chức năng phát hiện 30 vỏ bao tải cùng loại với số bao đựng 300kg ma túy bị bắt giữ trước đó.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, một số người Trung Quốc đã nhập hàng vào công ty Hasan với danh nghĩa ngành nghề may mặc, xuất khẩu hàng hóa.

Mặc dù đăng ký kinh doanh ngành nghề may mặc, xuất khẩu… nhưng qua kiểm tra các tờ khai hải quan, trong 5 năm qua, công ty này chỉ mới có 40 tờ khai, còn hoạt động chủ yếu là ngụy trang cho hành vi buôn ma túy.

Kho hàng của Công ty Hasan là một dãy nhà cấp 4 lợp mái tôn khá sơ sài nhưng kín mít như lô cốt, trong kho và xung quanh gắn camera theo dõi dày đặc.

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận thấy có nhiều điểm tương đồng về phương thức, thủ đoạn, liên quan giữa đường dây ma túy này với các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy từng bị triệt phá tại nhiều tỉnh thành.

Chiều 20/3, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phối hợp với Công an TPHCM và các tỉnh thành khác bắt quả tang một chiếc xe bán tải chở đầy ắp ma tuý với số lượng lên đến hơn 700 bánh ma tuý với trọng lượng hơn 300kg tại khu dân cư ở quận Bình Tân, TPHCM.

Đây là kết quả của chuyên án 218LP – đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TPHCM do các đối tượng người Lào, Trung Quốc cấu kết với đối tượng Việt Nam cầm đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại