Hành trình gian nan đòi bồi thường cánh tay bị mất của nam công nhân ở Sài Gòn

Bảo Minh |

Nam công nhân nhiều lần ra tòa để đòi bồi thường cho cánh tay bị mất do tai nạn lao động và bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Chiều 29/6, TAND TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án anh Trần Xuân Trì (31 tuổi, quê Nghệ An) kiện Công ty CP SX Ninh Phát, yêu cầu bồi thường cho một cánh tay bị mất sau tai nạn lao động.

Sau phần thủ tục phiên tòa, HĐXX cho hai bên tiến hành hòa giải trước khi đưa vụ án ra xét xử. Anh Trì đồng ý rút đơn kiện và chấp dứt tranh chấp nếu phía công ty bồi thường cho mình 200 triệu đồng tiền tổn thất.

Tuy nhiên, đại diện ủy quyền cho bà Phạm Thị Định (Giám đốc Công ty Ninh Phát) cho rằng công ty đã bồi thường chi phí thuốc men, chỉ có thể xem xét hỗ trợ thêm 40 triệu đồng chi phí thuốc men. Do 2 bên không thể hòa giải, tòa quyết định xét xử phúc thẩm bình thường.

Luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích của anh Trì cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện các yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa sửa bản án sơ thẩm, tuyên phía bị đơn phải bồi thường gần 390 triệu gồm.

Trong đó, bồi thường 141 triệu đồng thiệt hại do tai nạn lao động làm suy giảm 65% khả năng lao động, hơn 56 triệu đồng tương ứng chế độ tai nạn lao động, hơn 191 triệu đồng tiền bồi thường cho khoảng thời gian mất việc do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Đại diện VKS phát biểu quan điểm cho rằng, cấp sơ thẩm xem xét vụ kiện chưa toàn diện, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ cũng như chưa triệu tập đủ người cần thiết trong quá trình xét xử, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Sau khi nghị án, HĐXX có cùng quan điểm với VKS, quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để trả hồ sơ cho TAND huyện Bình Chánh thu thập thêm chứng cứ để xét xử lại từ đầu.

Cho rằng khi xảy ra tai nạn đối với anh Trì, phía công ty đã có dấu hiệu che giấu, TAND TP HCM cũng đã có công văn đề nghị Công an huyện Bình Chánh tiến hành điều tra về vụ tai nạn lao động này. Anh Trì cho biết mới được cơ quan công an mời lên giám định thương tật.

Hành trình gian nan đòi bồi thường cánh tay bị mất của nam công nhân ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Anh Trần Xuân Trì và luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình tại phiên phúc thẩm.

"Từ ngày bị tàn phế cánh tay phải, tôi bị cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Giờ làm công việc gì cũng khó, chỉ mong nhận được số tiền bồi thường để sớm ổn định cuộc sống" - Anh Trì buồn bã nói.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 9/2013, anh Trì vào làm nhân viên kỹ thuật, sửa chữa và bảo trì máy tại Công ty Ninh Phát với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Hai bên không ký hợp đồng lao động nhưng anh Trì vẫn lưu trú lại nhà tập thể của công ty này. Hàng tháng công ty chỉ trả lương, không đóng thêm các khoản tiền bảo hiểm.

Ngày 5/2/2016, Công ty Ninh Phát tổ chức tất niên và cho công nhân nghỉ Tết. Tuy nhiên, do có một số máy móc cần sửa chữa nên ông Nguyễn Quang Vinh (con trai giám đốc công ty) đã yêu cầu anh Trì cùng một số công nhân ở lại làm thêm một ngày. 

Anh Trì đồng ý ở lại làm việc, đến chiều thì xảy ra tai nạn lao động. Hậu quả làm anh phải cưa một cánh tay phải, suy giảm khả năng lao động đến 65%.

Theo anh Trì, sau tai nạn công ty đã hỗ trợ cho anh 14 triệu đồng và 4 hộp sữa. Đến tháng 8/2016, công ty cho anh nghỉ việc. Anh đã nhiều lần làm đơn xin cứu xét, hỗ trợ thêm nhưng phía công ty từ chối.

Anh Trì khởi kiện yêu cầu TAND huyện Bình Chánh giải quyết, buộc công ty phải bồi thường cho anh hơn 200 triệu đồng.

Hành trình gian nan đòi bồi thường cánh tay bị mất của nam công nhân ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Anh Trần Xuân Trì mong sớm nhận được tiền bồi thường để ổn định cuộc sống.

Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 10/2017, TAND huyện Bình Chánh nhận định, căn cứ vào bảng chấm công cho thấy anh Trì đã có thời gian làm việc liên tục tại công ty đủ 12 tháng. Việc công ty cho rằng anh không phải là nhân viên là không có cơ sở. 

Ngoài ra, tòa xác định việc công ty không ký hợp đồng lao động với anh Trì là vi phạm luật lao động.

Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng anh Trì không đủ điều kiện để được bồi thường tai nạn lao động. Theo HĐXX, trước ngày xảy ra tai nạn, công ty đã ngừng hoạt động, tổ chức tất niên và cho công nhân nghỉ Tết. Công ty cho rằng anh Trì (cùng 2 công nhân khác) đã tự ý vào xưởng vận hành máy và xảy ra tai nạn.

Anh Trì và 2 người làm chứng khẳng định đã vào xưởng vận hành máy theo yêu cầu của con trai giám đốc, nhưng không được phía bị đơn thừa nhận. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, anh Trì không chứng minh được ông Vinh là người có chức vụ, quyền hạn gì trong công ty. Từ đó, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của anh Trì nên anh kháng cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại