Hãng xe châu Âu chối bỏ da bò, dùng ‘rác’ bọc ghế và nội thất

Nhật Quỳnh |

Với dòng xe điện ID., Volkswagen dự kiến sẽ gia tăng sử dụng các vật liệu tái chế thân thiện với môi trường.

Khoảng một năm trước, Volkswagen đã cho ra mắt mẫu ID. Buzz - phiên bản hiện đại của chiếc minibus huyền thoại - với thiết kế trẻ, nhí nhảnh. Mẫu xe này thuộc dòng xe chạy điện ID nên mang trên mình hệ truyền động điện, kèm theo đó là những thay đổi thân thiện với môi trường như sử dụng vật liệu tái chế hay nói không với da động vật.

Giờ đây, một vài thay đổi thân thiện với môi trường này sẽ tiếp tục xuất hiện trên các mẫu xe khác thuộc dòng ID, là ID.3, ID.4, ID.5 và ID.7 sắp tới.

Hãng xe châu Âu chối bỏ da bò, dùng ‘rác’ bọc ghế và nội thất - Ảnh 1.

Volkswagen sẽ sử dụng nhiều hơn vật liệu tái chế trên ID. Buzz. Ảnh: Volkswagen

Với riêng mẫu ID. Buzz, Volkswagen sẽ sử dụng nhiều hơn các vật liệu tái chế. Ví dụ như chất liệu có thành phần là nhựa đại dương hoặc nhựa PET từ chai nước cũ, xuất hiện ở nhiều nơi trong khoang nội thất; lớp bọc ngoài của ghế sẽ sử dụng chất liệu mà Volkswagen gọi là Seaqual Yarn - sợi Seaqual với 10% nguyên liệu là rác thải đại dương.

Với việc sử dụng nhiều chất liệu tại chế, Volkswagen đã cắt giảm được gần 1/3 lượng khí thải CO2 tính trên cả vòng đời sản phẩm so với các chất liệu thường dùng khác trong ngành xe.

Hãng xe châu Âu chối bỏ da bò, dùng ‘rác’ bọc ghế và nội thất - Ảnh 2.

Sử dụng vật liệu tái chế giúp Volkswagen cắt giảm gần 1/3 lượng khí nhà kính thải ra trên cả vòng đời sản phẩm. Ảnh: Volkswagen

Ngoài ra, Volkswagen còn sử dụng nhựa polyester tái chế cho một vài khu vực của trần xe và tấm phủ sàn xe; các lớp thảm sàn xe cũng được làm bằng nhựa tái chế. Ở ngoại thất, vật liệu tái chế được sử dụng làm lớp bảo vệ và ốp hốc bánh xe.

Thêm vào đó, Volkswagen không còn mạ crom để trang trí xe nữa, thay vào đó là lớp sơn gốc hữu cơ phủ lên lớp sơn giả crom. Volkswagen không nêu chi tiết, nhưng có cho biết rằng hầu hết các chất liệu xanh này sẽ có trên các mẫu xe điện khác thuộc dòng ID.

Hãng xe châu Âu chối bỏ da bò, dùng ‘rác’ bọc ghế và nội thất - Ảnh 3.

Chất liệu Seaqual Yarn sẽ được sử dụng để làm lớp phủ ghế. Ảnh: Volkswagen

Việc gia tăng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường có thể nói là cấp bách với thương hiệu xe châu Âu. Năm 2021, tờ Reuters đã có một bài viết độc quyền phản ánh rằng Volkswagen đã phải mua tín chỉ các-bon từ Tesla để tránh bị phạt vì phát thải khí nhà kính vượt mức cho phép.

Tại Trung Quốc nói riêng, chính phủ nước này tổ chức một hệ thống tính tín chỉ các-bon nhằm định hướng các nhà sản xuất xe đến một tương lai xanh hơn, có thể bằng việc gia tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu hoặc sản xuất thêm xe điện.

Các nhà sản xuất tại Trung Quốc được cấp một lượng tín chỉ nhất định, được coi là lượng khí nhà kính được phép xả thải. Họ cũng được phép mua bán/trao đổi tín chỉ với các nhà sản xuất không dùng hết tín chỉ để đảm bảo mục tiêu chung. Với liên doanh Volkswagen-FAW tại Trung Quốc, liên doanh này đã mua lại tín chỉ các-bon từ Tesla để đáp ứng quy định của chính phủ.

Trên thực tế, tín chỉ các-bon hay cả thị trường trao đổi tín chỉ các-bon không phải là một khái niệm mới mẻ; nhiều hãng xe trên thế giới phải tuân theo. Do vậy, việc gia tăng sử dụng vật liệu xanh trên mẫu ID. Buzz có thể giúp Volkswagen giảm bớt gánh nặng từ việc sử dụng quá số tín chỉ các-bon được cho phép.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại