Bán đảo Triều Tiên có địa hình đồi núi nhỏ hẹp, song Triều Tiên và Hàn Quốc có một đường bờ biển chung dài hơn 4.800 km. Điều này có nghĩa là nếu một cuộc xung đột xảy ra, các chiến dịch đổ bộ và thâm nhập bằng lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ tập kích trực tiếp vào Seoul hoặc Bình Nhưỡng, qua đó tránh chiến tranh diễn ra trong thời gian dài.
Dưới sự huấn luyện của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, Hàn Quốc đang có một trong những lực lượng lính thủy đánh bộ lớn nhất trên thế giới. Một cựu binh Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam đã nhận định về lực lượng đổ bộ của Hàn Quốc rằng: "Chúng ta đã dạy họ tất cả những gì chúng ta biết, và giờ đây họ còn biết nhiều hơn chúng ta".
Ngày nay, Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc (ROKMC) có tổng cộng 29.000 binh sĩ được chia thành 2 sư đoàn và 1 lữ đoàn.
Trong quá khứ, lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đóng vai trò là lực lượng dự bị, có thể củng cố phòng vệ các khu vực mà binh lính Triều Tiên có thể xuyên thủng.
Cách họ thường làm là triển khai quân qua đường biển: năm 1975, lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc có 20 tàu đổ bộ (trong đó 8 tàu có thể chở xe tăng) và 60 tàu quân sự các loại. Lực lượng này có thể tiến hành đổ bộ vào bất kỳ nơi nào dọc bờ biển Hàn Quốc.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, lính thủy đánh bộ Hàn Quốc bắt đầu có những chiến lược mạnh bạo hơn. Một trong những phương án dự phòng mà Mỹ có trong trường hợp tình hình bán đảo Triều Tiên chuyển biến xấu đó là lực lượng đổ bộ Hàn Quốc sẽ bí mật tập kích vào Wonsan (Triều Tiên) để đe dọa Bình Nhưỡng.
Việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã khiến Mỹ và Hàn Quốc phải thay đổi chiến lược của mình. Giờ đây các nước này đã có phương án cơ động mang tính cao để tránh các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân có thể xảy ra và tìm cách tiếp cận chính quyền Triều Tiên càng nhanh càng tốt trước khi tên lửa hạt nhân có thể phóng lên.
Chiến lược mới này đòi hỏi Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc phải làm rất nhiều việc. Một trong số kịch bản được nêu ra đó là Hải quân và lính thủy đánh bộ trực tiếp tập kích vào Bình Nhưỡng từ biển, khống chế chính quyền Triều Tiên trước khi họ dùng vũ khí hạt nhân.
Để làm được điều này, Hàn Quốc đã thành lập một lữ đoàn mang tên "Spartan 3000", có nhiệm vụ "đánh phá các cơ sở quân sự trọng yếu của Triều Tiên nếu xung đột xảy ra". Lữ đoàn này có thể nhanh chóng được triển khai từ căn cứ Pohang ở Hàn Quốc.
Hỗ trợ lính thủy đánh bộ Hàn Quốc và lữ đoàn Spartan 3000 là các đội tàu đổ bộ, trong số này tàu ROKS Dokdo sẽ được sử dụng. Tàu Dokdo có hình dáng và chức năng tương tư như tàu lớp Wasp của Mỹ, có chiều dài 200 m và trọng lượng 19.000 tấn. Tàu có thể chở 700 lính thủy đánh bộ và 10 xe tải, 6 xe tăng, 6 xe lội nước, 3 pháo hạng nặng, 10 trực thăng và 10 xuồng đổ bộ.
Được hạ thủy vào năm 2007, tàu Dokdo theo kế hoạch ban đầu sẽ là tàu đầu tiên trong một lớp tàu gồm 3 chiếc, song hai tàu còn lại đã không được chế tạo. Mãi đến mùa xuân năm 2017, Hàn Quốc mới bắt đầu đóng tàu đổ bộ thứ hai mang tên là Marado. Hàn Quốc cũng có một đội tàu gồm 4 tàu đổ bộ, mỗi tàu có thể chở 17 xe tăng cùng lúc.
Ngày nay, đội tàu trên có thể cho phép triển khai một sư đoàn binh sĩ cùng ít nhất 40 xe tăng nữa. Nếu có thêm một tùa lớp Dokdo mới, quân số có thể điều động sẽ tăng lên thêm hai sư đoàn. Với việc các địa điểm đổ bộ tiềm năng sẽ không xa căn cứ của lực lượng lính thủy đánh bộ, Hàn Quốc có thể đổ bộ quân và chi viện rất nhanh chóng, giúp họ tập trung đủ quân để tiến sâu vào đất liền.
Đó là chưa kể lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cũng có thể tận dụng các tàu Mỹ đang neo tại Sasebo (Nhật Bản), qua đó quân số có thể điều động sẽ còn tăng lên thêm nữa.
Dù vậy, Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc vẫn sẽ gặp khó khăn nếu đổ bộ bởi Triều Tiên có một quân đội gồm 1.2 triệu người cùng hàng triệu quân dự bị và dân quân khác.
Vì vậy, chỉ khi Triều Tiên tập trung quân vào các chiến dịch ở phía Nam, Hàn Quốc mới có thể đột kích từ đường biển. Có thể thấy rằng lực lượng này sẽ đóng vai trò then chốt nếu xung đột ở bán đảo Triều Tiên xảy ra.