Trong bài viết đăng trên hãng tin Reuters, nhà báo quốc phòng David Axe cho biết, sự suy yếu của Hải quân Anh đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với các đồng minh của xứ sở sương mù, như Mỹ chẳng hạn.
Trong quá khứ, Hải quân Anh là đối tác thân thiết nhất của Hải quân Mỹ. Hai phía đã sát cánh cùng nhau chống lại hầu hết mọi kẻ địch. Vì thế, khi Hải quân Anh suy yếu, sức mạnh trên biển của Washington cũng xói mòn theo.
Hải quân Anh ngày nay chỉ còn là cái bóng của quá khứ, sau khi bị các nhà hoạch định ngân sách cắt giảm quá mức số lượng tàu chiến, máy bay và quân số. Lực lượng này gần như không đủ khả năng tuần tra các vùng biển của Anh và suy giảm ảnh hưởng ở nước ngoài.
Mặc dù các quan chức London cam kết sẽ lật ngược tình thế nhưng điều đó có thể đã quá muộn. Với tinh thần suy sụp, số tàu chiến ít ỏi còn lại thường xuyên hỏng hóc trên biển, thời kỳ suy yếu của Hải quân Anh có lẽ đã bước vào giai đoạn cuối cùng.
Trong lúc này, phương Tây đang huy động nhau cùng đánh bại IS, ngăn chặn nước Nga ngày càng "hung hăng" và kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc thành cường quốc thế giới.
Sự sụp đổ của Hải quân Anh là bài học cho những quốc gia "túng thiếu", đang phải vật lộn để cân bằng các nhu cầu ngân sách trong một thế giới ngày càng biến động.
Thảm cảnh của Hải quân Anh
Thời Thế chiến 2, Hải quân Anh vẫn là lực lượng thống trị. Trong chiến dịch D-day năm 1944, lực lượng này có thể triển khai hơn 900 tàu chiến băng qua eo biển Anh tới yểm trợ quân Đồng minh giải phóng châu Âu khỏi Phát xít Đức.
Tới năm 1982, Hải quân Anh có thể nhanh chóng tập hợp không dưới 115 tàu chiến (trong đó có 2 tàu sân bay, 23 tàu khu trục và khinh hạm) để tái chiếm quần đảo Falkland từ tay Argentina.
Thế nhưng nay, Hải quân Anh thậm chí không có máy bay chiến đấu. Họ đã loại bỏ chiếc Harrier cuối cùng vào năm 2010 và chỉ có 89 tàu chiến (Trong khi đó, Hải quân Mỹ, tính cả hạm đội tàu hậu cần của họ, đã có gần 400 tàu).
Trong quá trình đánh giá quốc phòng vào năm 2015, London từng cam kết sẽ dừng các khoản cắt giảm đối với hải quân. Dẫu vậy, lực lượng này đã bị thiệt hại nghiêm trọng.
Theo các tài liệu ghi chép, hạm đội 89 tàu của Hải quân Anh bao gồm 1 tàu chở trực thăng, 6 tàu tấn công đổ bộ, 6 tàu khu trục, 13 khinh hạm, 7 tàu ngầm tấn công và 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Phần còn lại là các tàu quét mìn, tàu khảo sát và tàu hậu cần, rất nhiều chiếc trong số này chỉ cỡ bằng các tàu tuần tra nhỏ của lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Chỉ có 6 tàu khu trục, 13 khinh hạm và 7 tàu ngầm tấn công có thể được xem là chiến hạm tiên phong, trang bị đầy đủ cảm biến, vũ khí và khả năng bảo vệ để chiến đấu, chống chọi nếu phải đối đầu một đối thủ có trang thiết bị tinh vi. Các con tàu khác cần phải được hộ tống để đi qua những vùng biển nguy hiểm.
Một vấn đề nữa là Hải quân Anh không có đủ thủy thủ để vận hành tàu. Quân số bị cắt giảm còn nhanh hơn cả số lượng tàu chiến. Hải quân Anh có tổng cộng 39.000 thủy thủ vào năm 2000 nhưng giờ chỉ còn hơn 29.000.
Tàu HMS Lancaster.
Các nhà hoạch định kế hoạch đã cố giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực bằng cách loại bỏ 2 trong số các tàu mạnh nhất của Hải quân Anh, như khinh hạm Type 23 HMS Lancaster. Con tàu hiện giờ đang neo đậu ở cầu tàu, còn kíp thủy thủ của nó được điều chuyển sang những chiến hạm khác.
Trong khi đó, tàu khu trục mới Type 45 HMS Dauntless lại gặp phải các vấn đề nghiêm trọng và phải về cảng để sửa chữa. Quá trình này có thể sẽ kéo dài tới tận năm 2019. Giống như HMS Lancaster, kíp thủy thủ tàu Dauntless được điều chuyển sang các tàu khác.
Thiếu những con tàu này, sức mạnh thật sự của Hải quân Anh giảm từ 26 tàu chiến xuống còn 24 tàu - mức thấp chưa từng có ở thời kỳ hiện đại.
Tháng trước, tàu ngầm tấn công mới HMS Ambush của Anh đã va chạm với một tàu chở hàng ngoài khơi Gibraltar. Con tàu bị hư hại nghiêm trọng và phải kéo về Anh để sửa chữa. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng trời.
Vụ việc đã khiến sức chiến đấu dưới lòng biển của Hải quân Anh giảm gần 15%.
Khi ngân sách bị cắt giảm sâu hơn, Hải quân Anh phải rút bớt lực lượng ở nước ngoài. Trước năm 2010, họ là lực lượng đi đầu trong hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somali. Các khinh hạm Anh đóng vai trò cốt lõi trong lực lượng đặc nhiệm quốc tế đi tuần tra khắp Ấn Độ Dương và Biển Đỏ.
Nhưng tới năm 2012, London đã lặng lẽ chấm dứt vai trò thường trực của mình trong các hoạt động chống cướp biển.
Tàu khu trục HMS Defender đã di chuyển quãng đường dài 600 dặm để đến vị trí của tuần dương hạm Nga
Tháng 1/2014, Hải quân Nga điều 1 tàu tuần dương tên lửa đi qua Biển Bắc. Con tàu của Nga bị phát hiện ở gần Scotland, cách lãnh hải của Anh 30 dặm.
Thế nhưng, HMS Defender - chiếc tàu duy nhất sẵn sàng triển khai của Anh khi đó lại ở tận Portsmouth, bờ biển miền nam nước Anh. Defender đã mất tới 24 giờ di chuyển quãng đường 600 dặm để tới Scotland.
Nó cuối cùng cũng tìm thấy tàu chiến Nga, 2 phía trao đổi thông điệp qua radio và sau đó Defender hộ tống tàu tuần dương Nga ra khỏi lãnh thổ Anh.
Vài tháng sau, IS càn quét miền tây bắc Iraq. Thế giới huy động lực lượng không quân và hải quân để giúp Baghdad đẩy lùi tổ chức này. Hải quân Mỹ và Pháp đã triển khai tàu sân bay để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS. Washington có lúc còn triển khai tới 2 tàu sân bay tại Trung Đông.
Tuy nhiên, Hải quân Anh không hỗ trợ được là bao. Nước này không có tàu sân bay với khả năng hỗ trợ các máy bay có cánh cố định. London đã loại biên HMS Illustrious, chiếc tàu sân bay cuối cùng vào tháng 8/2014. Các máy bay trên hạm Harrier thậm chí còn về "nghỉ hưu" trước cả con tàu.
Năm 2016, Hải quân Anh rút khỏi Nam Đại Tây Dương sau 34 năm luôn triển khai ít nhất 1 tàu chiến cỡ lớn tại đây để ngăn Argentina chiếm giữ quần đảo Falkland.
Chính phủ Anh đã liên tục cắt giảm ngân sách dành cho hải quân trong hơn 1 thập kỷ qua và phủ nhận điều này gây bất lợi cho an ninh quốc gia.
Sau này, họ có hướng tới một số chương trình đắt đỏ (hàng tỷ bảng) để đóng tàu khu trục, khinh hạm, tàu ngầm mới, cùng với kế hoạch tham vọng đóng 2 tàu sân bay trang bị tiêm kích tàng hình F-35.
Tuy nhiên, những con tàu mới quá ít ỏi và xuất hiện quá muộn. Chúng không được trang bị vũ khí đủ mạnh để thay thế các chiến hạm cũ.
Sự thay đổi muộn màng
Trong vài năm gần đây, chỉ với 6 tàu Type 45, Hải quân Anh đã thay thế 12 tàu khu trục Type 42 nhưng khả năng hoạt động của những con tàu mới chưa thực sự đáng tin cậy. Ngoài ra, số lượng quá ít ỏi khiến chúng khó có thể đảm đương toàn bộ nhiệm vụ của những tàu cũ.
Sắp tới, Hải quân Anh chỉ nhận được 7 tàu ngầm tấn công mới lớp Astute để thay thế 12 tàu lớp Swiftsure và Trafalgar. Cũng như Type 45, các tàu Astute có kích cỡ lớn hơn và hỏa lực mạnh hơn lớp tàu cũ nhưng lại khó vận hành. Chúng cũng không thể bao quát toàn bộ khu vực mà các tàu ngầm trước đó đã đảm nhiệm.
Tàu ngầm HMS Ambush, lớp Astute.
Hiện Hải quân Anh có 13 khinh hạm Type 23 cũ trong biên chế nhưng chính phủ nước này mới chỉ thông qua kế hoạch đóng 8 tàu Type 26 mới.
Các nhà lãnh đạo Anh còn hứa hẹn sẽ đóng ít nhất 5 tàu Type 31 cỡ nhỏ để duy trì sức mạnh cho hạm đội. Thế nhưng, Type 31 có thể sẽ có hỏa lực yếu hơn và thiếu khả năng bảo vệ để trở thành nhân tố răn đe đáng tin cậy trước các tàu hạng nặng của Nga.
Trên thực tế, nhiều chiếc trong số tàu mới của Anh đều là hạng nhẹ. Trong 2 năm qua, London đã đặt hàng một số tàu tuần tra cỡ nhỏ, trang bị hạng nhẹ như vậy.
Xu hướng này giúp Hải quân Anh duy trì số lượng tàu trong hạm đội, tuy nhiên, nó lại khiến sức mạnh thực sự của lực lượng này suy giảm.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Các tàu sân bay mới là ví dụ điển hình. Hai tàu lớp Queen Elizabeth, với chiều dài 280m và lượng giãn nước hơn 60.000 tấn, là những chiến hạm lớn nhất mà Anh từng chế tạo. Khi được đưa vào biên chế năm 2020, chúng đúng ra sẽ khôi phục năng lực không quân trên hạm mà Hải quân Anh từng mất đi khi cho loại biên các máy bay Harrier năm 2010.
Tuy nhiên, tàu sân bay cần có nhiều máy bay và các tàu hộ tống, trong khi đây là những thứ Hải quân Anh hiện không có đủ.
Chẳng hạn, Hải quân Mỹ chưa từng triển khai chiếc tàu sân bay nào mà không có 60 máy bay trên boong, cùng đội tàu hộ tống gồm 3-4 tàu tuần dương và tàu khu trục, 1 tàu ngầm và một số tàu hậu cần đi kèm.
Hải quân Anh kỳ vọng sẽ chỉ triển khai 1 tàu sân bay mỗi lần, chiếc còn lại dự bị tại cảng nhà. Theo kế hoạch, các tàu sân bay mới sẽ triển khai từ 12-24 chiếc F-35, song số lượng này quá ít ỏi để con tàu có thể phát huy toàn bộ tiềm năng.
Ngoài ra, nếu triển khai các tàu đi theo hộ tống, hỗ trợ tàu sân bay (gồm 3-4 khinh hạm và tàu khu trục, một số tàu hộ tống), Hải quân Anh sẽ phải dồn hết toàn bộ khả năng triển khai hiện có.
Chiếc tàu sân bay 60.000 tấn có thể mang trên 50 máy bay nhưng London chỉ có kế hoạch mua 48 chiếc F-35, chưa kể nhiều máy bay trong số này có thể được đưa vào bảo dưỡng hoặc huấn luyện bất cứ khi nào.
Cần nhắc lại rằng, hải quân thực sự là một lực lượng phức tạp và tốn kém nhưng vẫn rất quan trọng đối với phòng thủ quốc gia.
Nếu bị bỏ mặc, sức mạnh hải quân sẽ tiêu tan. Đối với các đồng minh của Anh, đây sẽ là một bài học xương máu. Đặc biệt là Mỹ, khi nước này đang cắt giảm ngân sách liên tục trong thời gian gần đây.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo David Axe.