Hai bộ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của taxi Uber và Grab

Hoàng Đan |

"Dù hiện đa số người dân đánh giá tốt 2 loại bình Uber, Grab nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng", Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc các hãng taxi truyền thống "tố" tình trạng hiện Uber, Grab liên tục có chương trình phá giá thị trường, quan điểm của Chính phủ về quản lý giá đối với 2 loại hình vận tải mới này?

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, Uber, Grab là một loại hình vận tải rất mới mà nhiều nước đang triển khai.

Ở Việt Nam 2 loại hình này cũng đang phát triển rất mạnh. Đây là một loại hình rất tiên tiến, lợi dụng thế mạnh của ứng dụng công nghệ thông tin điện tử trên smartphone, để tạo thuận lợi cho khách hàng và giảm giá thành.

Cũng có thể nói đây là một trong những vấn đề thực hiện cuộc cách mạng 4.0 mà thế giới đang rất quan tâm, được người tiêu dùng ủng hộ.

"Chúng tôi cũng đã yêu cầu các hãng taxi Uber, Grab phải thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh vận tải của Việt Nam theo Nghị định 86 đã được ban hành.

Vừa rồi chúng tôi cũng đã có cuộc hội thảo để bàn tính ưu việt của 2 loại hình này và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể ứng dụng được các phần mềm điện tử hiện đại như vậy để có thể cạnh tranh lành mạnh.

Hiện có khoảng gần 10 hãng taxi ở Việt Nam đã thiết lập được các phần mềm điện tử ứng dụng tương tự, cung cấp dịch vụ vận tải và thanh toán điện tử như vậy", Thứ trưởng nói.

Dù vậy, theo Thứ trưởng, Bộ cũng yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ về phần mềm ứng dụng công nghệ này chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp được phép kinh doanh vận tải, có phù hiệu cũng như các điều kiện ràng buộc khác.

Vừa qua, Bộ đã yêu cầu Thanh tra GTVT của các tỉnh, thành trên cả nước tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm như không đăng ký kinh doanh vận tải, không có giấy phép, không có phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh vận tải… và đã xử phạt nghiêm khắc.

"Đối với Grab, họ thực hiện trên loại hình taxi của họ và có phù hiệu, logo rất cụ thể.

Riêng Uber thực hiện theo hình thức trên xe hợp đồng, việc này chúng tôi cũng không cấm nhưng yêu cầu doanh nghiệp Uber phải đăng ký hoạt động, cung cấp phần mềm và nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải thì phải được các Sở GTVT của các tỉnh/thành cấp giấy phép kinh doanh.

Đồng thời phải chịu quản lý bởi các điều kiện giống như quản lý vận tải với các doanh nghiệp taxi khác. Có thể nói, về quản lý nhà nước, hiện Bộ GTVT đã triển khai rất nhiều giải pháp.

Gần đây nhất, Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86 về quản lý các dịch vụ vận tải, Bộ GTVT đã đề xuất đưa loại hình như Uber, Grab này vào đối tượng quản lý trong Nghị định.

Sau khi có Nghị định 86 sửa đổi, chúng tôi tin rằng quản lý các loại hình taxi này sẽ đảm bảo được sự công bằng hơn", Thứ trưởng nêu rõ.

Liên quan đến hoạt động của taxi Uber, Grab, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ rất quan tâm đến vấn đề cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng, vì thế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để có những giám sát hoạt động của 2 loại hình này.

"Mục đích giám sát nhằm đảm bảo hoạt động của 2 loại hình taxi trên phải cạnh tranh lành mạnh với các hãng taxi khác. 

Mặt khác, dù hiện đa số người dân đánh giá tốt 2 loại bình Uber, Grab nhưng chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giám sát để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng", Thứ trưởng nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại