Ô nhiễm đến hết tuần
Sáng qua (24/12), TPHCM bị bao phủ một lớp sương mù dày đặc. Đây không phải là sương mù thông thường mà theo ghi nhận của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, TPHCM bị ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng với nhiều điểm đo ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe mọi người), ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người), thậm chí có hai điểm đo lên ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hiểm nhất trong thang bậc chất lượng không khí với khuyến cáo nguy hiểm, mọi người nên ở trong nhà)..
Từ chiều qua, chất lượng không khí được cải thiện tại TPHCM. Tuy nhiên, theo PAM Air, ô nhiễm tại TPHCM có thể kéo dài đến hết tuần với chu kỳ ô nhiễm nghiêm trọng về đêm và sáng, được cải thiện vào trưa, chiều.
Từ 22/12, PAM Air ghi nhận chất lượng không khí xấu đi tại khắp các địa phương từ miền Bắc đến Quảng Trị. Nhiều điểm đo tại thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương thường xuyên ở ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu - có hại cho sức khỏe mọi người), cá biệt có một số điểm đo lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe mọi người). Hệ thống quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội cũng cho thấy, chất lượng không khí của thủ đô thường xuyên ở ngưỡng xấu và ngưỡng kém trong 2 ngày 22 và 23/12.
Hôm qua, chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc được cải thiện một chút, nhưng vẫn còn nhiều điểm đo ở ngưỡng xấu, rất xấu. Dự báo, ô nhiễm có thể kéo dài đến hết tuần này.
Theo đại diện Tổng cục Môi trường, miền Bắc đang bước vào mùa ô nhiễm không khí, thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Dự báo, từ nay đến tháng 3/2021, miền Bắc có thể phải chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong khi đó, tại TPHCM, ô nhiễm không khí ít xảy ra hơn do điều kiện khí tượng thuận lợi. Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa hằng năm, TPHCM vẫn xảy ra những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất
Nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người tại Việt Nam còn khá mỏng, dù Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với cái chết sớm của khoảng 7 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Gần đây, bắt đầu có một số nghiên cứu của Việt Nam về vấn đề này.
Nghiên cứu “Ảnh hưởng cấp tính của ô nhiễm không khí đến nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em Hà Nội” của TS Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường Đại học Y tế công cộng) và các cộng sự chỉ ra rằng, có sự tương quan giữa nồng độ các chất ô nhiễm không khí và số lượng ca nhập viện vì viêm phổi, đặc biệt là trẻ em từ 1-5 tuổi. Nghiên cứu này được thực hiện trên dữ liệu của 57.851 hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tại Hà Nội giai đoạn 2007-2014.
Một nghiên cứu của Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cũng chỉ ra, mỗi khi nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng 10 ug/m3 thì nguy cơ nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ nhỏ tăng 3,51%. Bé trai nhạy cảm với PM2.5 hơn bé gái. Bé trong độ tuổi 1-2 tuổi nhạy cảm với PM2.5 hơn trẻ em ở độ tuổi khác.
Một nghiên cứu khác của TS Nguyễn Thị Trang Nhung về phơi nhiễm ô nhiễm không khí và nguy cơ nhập viện vì các bệnh tim mạch ở người trưởng thành tại Việt Nam cũng cho thấy có sự tương quan giữa nồng độ PM2.5, PM1 và số ca nhập viện do bệnh tim mạch ở Phú Thọ, Quảng Ninh và Hà Nội. Việc nhập viện do đột quỵ ở Hà Nội và suy tim ở Phú Thọ có mối liên quan chặt chẽ tới nồng độ SO2 trong không khí.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng nhiều năm qua ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Gần đây, một số biện pháp được triển khai nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng về cải thiện chất lượng không khí.
Năm 2018, khoảng 50.000 người chết do ô nhiễm không khí
Nghiên cứu độc lập của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam năm 2018 có thể gây thiệt hại kinh tế từ 10,82-13,63 tỷ USD. Thiệt hại này được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.
Theo nghiên cứu do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ thực hiện, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó khoảng 50.000 người chết do ô nhiễm không khí.