Hà Nội không chỉ cấm xe máy mà hạn chế cả ô tô

Lê Tươi |

Hà Nội sẽ không chỉ cấm xe máy mà cũng sẽ kiểm soát hoạt động của ô tô thông qua các giải pháp kinh tế và phân luồng hạn chế hoạt động...

Thông tin trên được Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định tại buổi tọa đàm “Cấm xe máy Hà Nội, giải pháp nào?” tổ chức sáng 4/4.

11 năm là đủ để Hà Nội cấm xe máy

Đây là khẳng định của ông Ngô Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Sở GTVT Hà Nội - đơn vị được giao xây dựng và đưa ra lộ trình thực hiện cấm xe máy.

“Lộ trình cấm xe máy đến năm 2030 đã được xác định trong Nghị quyết 04/2017 của TP Hà Nội. Mục tiêu, yêu cầu đầy đủ cũng có trong Quyết định 519 của Chính phủ ngày 31/3/2016 quy định về hạn chế xe máy đi vào trung tâm. 

TP Hà Nội đang tập trung cao độ, hoàn toàn có thể triển khai đúng tiến độ. Đến năm 2030, kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, người dân cũng sẽ sử dụng xe máy ít hơn”, ông Tú nói và cho rằng, kinh nghiệm của thế giới cũng không cần tới 11 năm.

Thông tin thêm về việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại khu vực nội đô, ông Tú cho biết, Hà Nội sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải khách công cộng để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. 

“Khi các tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành cấm xe máy”, ông Tú khẳng định.

Trả lời câu hỏi của ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia về căn cứ để lựa chọn 2 tuyến phố Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương thí điểm cấm xe máy, ông Tú nói: “Các tuyến đường đang được chọn trong quá trình nghiên cứu sẽ tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp”.

“Để đề án thành công, phải trải qua đánh giá thí điểm, rút kinh nghiệm, có giải pháp hữu ích nhất, đảm bảo người dân có cách thức di chuyển phù hợp. Phải mất 2, 3 năm tiến hành trước, sau đó HĐND thành phố thông qua, Sở GTVT mới triển khai”, ông Tú khẳng định.

Có phương tiện cho người dân lựa chọn mới cấm xe máy

"Đến quý I/2019, xe máy chiếm 86% lượng phương tiện giao thông ở Hà Nội. Cụ thể, CSGT Hà Nội phải quản lý hơn 6,64 triệu phương tiện. Trong đó, có hơn 739 nghìn ôtô, hơn 5,7 triệu xe máy và hơn 148 nghìn xe máy điện. Năm 2017 số lượng phương tiện tăng 5,3%, đến năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 so với 2018 đã tăng 1,5%.

Ông Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT TP Hà Nội"

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, việc hạn chế xe máy sẽ tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của một bộ phận người dân khu vực hạn chế và những người có nhu cầu đến, đi qua khu vực này. Vì vậy, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, xe buýt và đường sắt đô thị.

“Trong phạm vi hẹp, phải có hệ thống xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như dần tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng”, TS. Nghiêm nói.

Cũng theo TS. Nghiêm, để người dân từ bỏ xe máy, Hà Nội phải quyết tâm đầu tư vận tải hành khách công cộng phù hợp và theo đúng các quy hoạch đã được phê duyệt. 

Cùng đó, thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, bến xe, bãi đỗ xe cùng với sự vào cuộc quyết liệt trong tổ chức giao thông; Cần có sự chuẩn bị kỹ cho phát triển vận tải hành khách công cộng đảm bảo tính kết nối và các giải pháp đồng bộ về tổ chức giao thông khu vực, hạ tầng bãi đỗ, điểm trông giữ xe, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn đường sắt đô thị, xe buýt nhanh thì đề án mới khả thi.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đề án của Hà Nội đã nêu rõ Hà Nội chỉ cấm xe máy khi người dân có phương tiện khác thay thế. Hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

“Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố không thiếu phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, người dân vẫn không từ bỏ thói quen đi xe máy. 

Quãng đường chỉ 100m, nhiều người cũng đi xe máy”, ông Viện nói và cho rằng, ngay cả trong nội thành, những khu vực đủ điều kiện cũng phải cấm xe máy. Có như vậy, người dân mới chuyển sang phương tiện công cộng. 

“Điều kiện đủ” mà Giám đốc Sở GTVT nêu rõ là “80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng phạm vi dưới 500m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ”.

“Chúng tôi hiểu rằng, sử dụng phương tiện cá nhân bao giờ cũng tiện hơn phương tiện công cộng. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa. Nếu cứ mỗi người một xe, ra đường đông kín như vậy, ùn tắc bao giờ giải quyết được”, ông Viện nói.

Cũng theo ông Viện, việc hạn chế xe máy tiến tới dừng hoạt động ở các quận không gây khó cho người dân mà nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, vì lợi ích chung, vì một môi trường trong sạch và một đô thị phát triển bền vững. 

Nếu bỏ đi 6 triệu xe máy trong nội thành thì ô nhiễm sẽ giảm, sức khỏe của người dân sẽ tăng lên, chi phí thuốc men cũng giảm bớt, tuổi thọ trung bình cao hơn…

Đáng lưu ý, theo ông Viện, Hà Nội sẽ không chỉ cấm xe máy mà cũng sẽ kiểm soát hoạt động của ô tô thông qua các giải pháp kinh tế và phân luồng hạn chế hoạt động ở một số khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại