Nhưng Buffon sẽ cần chuẩn bị kỹ càng hơn cho trận chung kết Champions League sắp tới, bởi chắc chắn Real đã phân tích anh triệt để.
1. Một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất sự nghiệp của Gianluigi Buffon chính là loạt penalty quyết định trong trận chung kết World Cup 2006 giữa Italia và Pháp. Bước tới loạt sút luân lưu, Buffon không cảm thấy dù chỉ một chút sự tự tin.
"Khi đó, tôi không bắt nhịp được với những gì đang diễn ra. Cảm giác đó giống như việc Pháp có thể sút 2.000 quả và thành công hết vậy", Buffon từng hồi tưởng.
Buffon rõ ràng không phải một mẫu thủ môn thích nghiên cứu phong cách sút của đối thủ trước khả năng đá luân lưu 11 mét. Thay vào đó, anh dựa vào phán đoán của mình trong khoảnh khắc. Anh luôn tin vào cảm tính của mình.
Khi David Trezeguet bước đến trước mặt Buffon, đó là một câu chuyện khác. Cả hai đã hiểu nhau quá rõ bởi họ là đồng đội lâu năm tại Juventus khi đó. Tất nhiên họ cũng từng đối đầu nhau rất nhiều lần ở khoảng cách như vậy, trong các buổi tập tại Turin.
Quá hiểu nhau khiến Trezeguet chọn kết thúc khó và thất bại.
Theo nghiên cứu của khoa học, khi hai bên đã "nhẵn mặt" nhau như vậy, các tiền đạo sẽ quyết định dứt điểm khó, vì cho rằng nếu thủ môn bay đúng hướng, cũng không thể bắt được. Trezeguet đã làm đúng như vậy, với mục đích hướng trái bóng vào góc cao bên trái khung thành.
Nếu như bóng đi thấp hơn một chút xíu thôi, lịch sử bóng đá thế giới có thể đã thay đổi, song cú sút như trái phá của Trezeguet đã đưa bóng đi trúng xà ngang bật xuống đất và bay ra ngoài. Buffon đã giành cúp vàng thế giới 2006 cùng Italia, nhưng anh đã may mắn với pha đổ hướng sai trong tình huống đó.
Đêm mai, Buffon rất có thể sẽ chơi trận chung kết cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ, gặp Real Madrid. Kể từ đầu thiên niên kỷ mới đến nay, đã có 6 trên tổng số 16 trận chung kết cúp C1 phải giải quyết ở loạt penalty cân não.
Nếu điều đó xảy ra thêm một lần nữa, cảm tính là không đủ để giúp Buffon. Như cách Real Madrid đã thể hiện ở trận chung kết năm ngoái, loạt sút penalty đang dần được định đoạt nhiều hơn bởi khoa học thống kê.
Tứ kết EURO 2012, Buffon chiến thắng người Anh trong loạt sút luân lưu.
2. Kỷ nguyên khoa học áp dụng cho các loạt sút luân lưu có lẽ bắt nguồn từ trận chung kết Champions League năm 2008, tại Moscow. Chelsea của HLV Avram Grant đã nhận được sự giúp đỡ từ nhà kinh tế học người Tây Ban Nha có tên Ignacio Palacios Huerta, người đã dành nhiều năm xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ về hàng nghìn quả penalty.
Không ai dám chắc một cầu thủ, hay thủ môn sẽ sút, hay bay người về hướng nào trong một tình huống nhất định, nhưng Huerta có lẽ là người có khả năng phán đoán tốt nhất dựa vào những dữ liệu của mình.
Nghiên cứu của ông chỉ ra một kết luận quan trọng về thủ môn Edwin van der Sar. Đó là khi bắt penalty, anh thường xuyên đổ người về phía bên phải của mình. Và Chelsea đã tận dụng triệt để điểm yếu chí mạng ấy của thủ thành người Hà Lan.
Tất cả 6 tình huống đá penalty đầu tiên của Chelsea trong trận đó đều hướng về bên trái của Van der Sar. Chiến thuật đó đã gần như hoàn hảo, khi thủ môn của Man United phần lớn đổ người sai hướng và không cản được cú sút nào. Chelsea có lẽ đã thắng nếu John Terry không có cú trượt chân định mệnh ở lượt sút thứ 5.
Loạt sút luân lưu chung kết Champions League 2008
Mọi thứ chỉ thay đổi ở lượt sút thứ 7 của Nicolas Anelka. Sau 6 cú sút của đối phương, Van der Sar, hay bất cứ thành viên nào của Man Utd, đều đoán ra mánh khóe của Chelsea.
Đến khi Anelka đứng trước bóng, Van der Sar đã chờ đến đúng khoảnh khắc quyết định, bất ngờ chỉ tay về bên trái như thể muốn nói rằng: "Chú sẽ sút về hướng đó, anh nói đúng chứ?"
Đó là lúc Anelka đứng giữa ngã ba đường. Anh đã bị thủ môn bắt bài, giờ phải làm gì đây? Anelka cuối cùng đã quyết định sút theo hướng ngược lại.
Đó có thể là một quyết định ổn, nếu như Anelka không sút bóng ở độ cao tầm trung bình. Bởi lẽ, như những gì Huerta đã cảnh báo, đó là vị trí mà Van der Sar thường xuyên cản phá thành công nhất. Quả thực, Van der Sar đã đẩy bóng ra và mang về chức vô địch nghẹt thở cho Man United.
3. Việc sử dụng thống kê vào loạt sút penalty dần trở thành chuyện đương nhiên. Năm 2012, Chelsea trở lại chơi trận chung kết Champions League, trước đối thủ là Bayern Munich.
Thủ thành Petr Cech đã chuẩn bị cho trận đấu bằng cách xem lại một đoạn băng dài tới 2 giờ đồng hồ, về tất cả những cú đá penalty của Bayern trong 5 năm, tính đến thời điểm ấy. Anh cũng nhận được sự tư vấn kỹ càng của đội ngũ thống kê của Chelsea.
Petr Cech đổ người đúng trong cả 6 tình luống 11m của Bayern Munich, đem về chức vô địch Champions League cho Chelsea.
Vào đêm chung kết, Cech đã đổ người đúng hướng trong cả 6 tình huống đá penalty của "Hùm xám" (1 trong thời gian chính thức, 5 trong loạt sút luân lưu). Qua đó, Chelsea giành chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử đội bóng này.
Tuy nhiên vẫn có những đội bóng bỏ ngoài tai tầm quan trọng của khoa học trong loạt sút luân lưu. Ở loạt đá luân lưu tại đêm chung kết Champions League năm ngoái, Atletico đã giành được quyền lựa chọn đá trước hoặc đá sau qua màn tung đồng xu.
Dẫu vậy, họ đã mắc sai lầm ngớ ngẩn, đó là chọn đá sau. Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học, đội đá penalty trước có tỷ lệ giành chiến thắng lên tới 60%. Điều này có thể xuất phát từ gánh nặng tâm lý phải cố gắng ghi bàn để san bằng cách biệt của đội đá sau.
Chẳng phải ai cũng biết rằng lợi thế này quan trọng như thế nào. Các bình luận viên chẳng cần chú ý đến màn tung đồng xu của trọng tài. Các nhà cái cũng không thay đổi tỷ lệ cược sau khi đồng xu dừng lại. Một trong những người đội trưởng từng mắc sai lầm tương tự chính là Buffon. Tại trận tứ kết EURO 2008, anh để những người Tây Ban Nha đá penalty trước và sau đó họ đã lên ngôi vô địch.
Lý do Atletico để Real Madrid đá penalty trước trong trận chung kết năm ngoái, là bởi họ từng vượt qua PSV Eindhoven cũng nhờ vào việc đá sau. Nhưng đó lại là sai lầm lớn của Atletico, bởi họ theo một trường hợp cụ thể, trong khi các nhà khoa học có tới hàng vạn dữ liệu penalty trong những nghiên cứu của mình.
Ronaldo sút thành công quả 11m quyết định đưa Real Madrid vượt qua Atletico để vô địch Champions League 2015/16.
Real Madrid thì khác. Cũng vào đêm đó, Ramos quay về nói với các đồng đội rằng họ được quyền đá trước, cho dù đồng xu đã chọn Atletico. Các cầu thủ Real khi đó không thể tin vào tai mình.
Hai đội đã thi đấu rất cân bằng trong 120 phút, nhưng khi bước vào loạt sút luân lưu, Real tỏ ra thông minh còn Atletico không biết họ đang làm gì. Băng hình ghi lại những phản xạ của thủ môn Jan Oblak đã cho thấy tất cả.
Trước khi đối thủ tung ra cú sút, Oblak thường bước một chân sang hướng anh định bay người. Điều đó giúp anh đổ người về góc nhanh hơn, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Real đã biết trước điều đó. Dường như các cầu thủ của HLV Zidane đã nghiên cứu rất kỹ, để rồi 4 trong 5 người sút của Real đều lấy đà rất chậm rãi, chờ Oblak bước chân trước, rồi khoan thai đưa bóng về hướng ngược lại.
Khoa học thống kê đã dần mang yếu tố quyết định đến thành bại của loạt sút luân lưu, dẫn tới chức vô địch Champions League danh giá. Bóng đá đang ngày càng trở nên thông minh hơn và Juventus cần hy vọng rằng Buffon cũng vậy.