Công ty TNHH GrabTaxi vừa có phản hồi về việc triển khai dịch vụ ở nhiều địa phương khi chưa được cấp phép.
Theo đó, công ty này khẳng định luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 24 của Bộ Giao thông vận tải về việc cho phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Grab cho biết, dịch vụ được triển khai tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng là GrabTaxi. Đây là dịch vụ được Grab triển khai cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi.
Đối với dịch vụ GrabCar, công ty chỉ cung cấp dịch vụ cho những đơn vị vận tải được Sở Giao thông vận tải của 5 tình, thành phố được nêu trong Quyết định số 24.
"Có sự hiểu lầm rằng GrabTaxi là một dịch vụ thuộc Đề án thí điểm theo quyết định 24 và Bộ Giao thông vận tải và không được phép triển khai ngoài phạm vi thí điểm" – bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Công ty TNHH GrabTaxi nói.
Thực tế, ứng dụng Grab đang cung cấp nhiều tùy chọn: GrabTaxi (xe taxi), GrabCar (xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi), GrabBike (xe máy),...
Trong đó, GrabTaxi là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử đã được đăng ký với Bộ Công thương. Do đó, GrabTaxi có phạm vi hoạt động trên toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Trong thông báo đến người sử dụng ứng dụng, Grab cho biết GrabTaxi đã có mặt tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Cần Thơ.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành văn bản yêu cầu không triển khai ứng dụng kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng ngoài những tỉnh, thành phố đã nêu trong Quyết định 24.
Bên cạnh đó, GrabTaxi cũng không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT tại địa phương.