"Gọng kìm" ở biển Đông và bán đảo Triều Tiên gây sức ép lên TQ?

Hải Võ |

Tờ báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo liên hệ sự kiện Mỹ-Hàn tuyên bố triển khai THAAD với tình hình biển Đông, qua đó cáo buộc đây là "âm mưu" của Mỹ để kiềm chế nước này.

"Tin xấu" cho Bắc Kinh từ bán đảo Triều Tiên

Trung Quốc trải qua cuối tuần không yên ả khi Mỹ-Hàn Quốc hôm 8/7 chính thức tuyên bố triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, còn đến thứ Ba (12/7), Bắc Kinh sẽ đối mặt với phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Trong bài xã luận đăng ngày 10/7, Nhân dân Nhật báo gọi đây là "cuộc chiến ngoại giao lớn nhất trong năm nay của Trung Quốc", có ảnh hưởng tới những lợi ích của nước này tại biển Đông và bán đảo Triều Tiên.

Hai sự kiện này cũng được đánh giá là hai "dấu mốc lớn" trong môi trường quốc tế của Trung Quốc và là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Nhân dân Nhật báo chỉ trích, "gọng kìm" mang dấu ấn Mỹ đang trực tiếp gây sức ép lên không gian chiến lược của Bắc Kinh.

Theo tờ này, sự can thiệp của Mỹ đối với tình hình biển Đông hay bán đảo Triều Tiên đều nằm trong chính sách "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của Washington, nhằm kiềm chế Trung Quốc trong thời kỳ nước này mới trỗi dậy.

Trong chính sách đối đầu với Mỹ và xử lý các vấn đề khu vực, Trung Nam Hải kêu gọi "mềm thì mềm hẳn, cứng thì cứng hẳn".

Bắc Kinh "mềm" trong việc tỏ thái độ sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán "trên cơ sở hòa bình, không để lại rạn nứt" ở những vấn đề được họ nhấn mạnh là "nằm ngoài lợi ích cốt lõi".

Còn ở những trường hợp thuộc phạm trù "lợi ích cốt lõi", Nhân dân Nhật báo đe dọa "nếu bất kỳ nước nào tới quấy rối, Trung Quốc sẽ 'đón tiếp' đến cùng".

Trước việc Mỹ-Hàn tuyên bố triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích hành động này "vượt xa nhu cầu phòng vệ của bán đảo" và "mọi biện minh đều là vô nghĩa".

Ông Vương cáo buộc "có một âm mưu" đằng sau tuyên bố này, đồng thời cảnh cáo "các bên cần hành động thận trọng, tránh để xảy ra sai lầm lớn".

Trên thực tế, những vấn đề mà chính phủ Trung Quốc xác định là "lợi ích cốt lõi" đã bao phủ toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, đến cơ chế đàm phán 6 bên ở bán đảo Triều Tiên hay yêu sách chủ quyền vô giá trị "đường chín đoạn" ở biển Đông.

Lập trường của tờ báo cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc đồng nghĩa với tuyên bố, các nước muốn Bắc Kinh mềm mỏng thì chỉ còn cách... không đụng chạm tới chủ trương của nước này trong những vấn đề trên.

Trung Quốc tập trận trước phán quyết biển Đông vì "yêu hòa bình"?

Hôm 5/7, cựu Ủy viên quốc vụ Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc đã lớn tiếng tuyên bố tại Washington rằng "kết quả phán quyết của PCA chỉ là một tờ giấy loại". Nhưng còn một phát ngôn khác của ông này cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng cho tình huống đối đầu quân sự.

"'Nhiệt độ' trên biển Đông lúc này đã rất cao, đã có người hô 'đêm nay khai chiến'...," ông Đới nói.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, và kết thúc chỉ 1 ngày trươc skhi PCA đưa ra phán quyết vào thứ Ba, 12/7.

Theo Nhân dân Nhật báo, việc lựa chọn địa điểm này để tổ chức diễn tập nhằm chứng minh Trung Quốc "đe dọa mà không khiêu khích, đồng thời thể hiện sự kiềm chế một cách tỉnh táo".

Tờ này tuyên bố, thông điệp mà Bắc Kinh gửi tới thế giới qua cuộc tập trận vào thời điểm "nhạy cảm" này là "Trung Quốc yêu hòa bình", Trung Quốc "không gây sự và không ngại va chạm", "bất kỳ nước nào cũng đừng mơ đem lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ra giao dịch"...

Báo đảng Trung Quốc dẫn lại phát ngôn đầy hăm dọa gần đây của người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nhằm vào Mỹ và đồng mình: "Bạn bè tới thì có rượu ngon, còn lang sói (?!) tới thì có súng săn!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại