Sau hơn 5 năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã nổi tiếng ở Trung Quốc và nước ngoài. Dư luận cho rằng ông đã cấu trúc lại Trung Quốc, đưa nước này sang quỹ đạo mới.
Kênh quốc tế CGTN thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 29/1 đã giới thiệu phim tài liệu về thời trai trẻ của ông Tập, nhan đề “Không quên tâm nguyện ban đầu: Điều gì đã hun đúc và tạo nên Tập Cận Bình hôm nay?”.
Bộ phim giới thiệu, ông Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân - Phó Thủ tướng thứ nhất Trung Quốc. Khi mới 15 tuổi, tức đầu năm 1969 Tập Cận Bình đã rời cuộc sống sung túc, đầy đủ của gia đình lãnh đạo ở thủ đô để về nông thôn lao động trong 7 năm (tới tháng 10/1975) tại Đại đội sản xuất Lương Gia Hà, thuộc Công xã Văn An Trạch, huyện Diên Xuyên tỉnh Thiểm Tây, trong thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa (1966-1976).
Các em bé đứng trước cửa một khu ký túc cũ, nơi ông Tập Cận Bình từng lưu trú (Ảnh: NYT)
Phim tài liệu ca ngợi, từ một cậu thư sinh, con của nhà lãnh đạo cấp cao ở thủ đô, khi đặt chân tới Đội sản xuất nông nghiệp, ban đầu là điều xa lạ với bà con nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng trong thời gian 7 năm lao động vất vả, lăn lộn cùng với bà con nông dân ở nông thôn đã gắn kết ông [Tập Cận Bình] với những người nông dân thành một khối. Tháng 1/1971 khi 18 tuổi, ông gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc và làm Bí thư chi bộ của Công xã. Chính thời gian này đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời và sự nghiệp của ông Tập.
CGTN nói, 7 năm lao động ở nông thôn đã làm ông Tập "có niềm tin son sắt vào cuộc sống. Cứ mỗi lần gặp khó khăn gian khổ và thách thức nghiêm trọng hoặc bắt tay vào lĩnh vực công tác mới, thì trong ông tràn đầy một sức mạnh, một dũng khí thần bí chưa từng thấy, từ đó làm ông ngày càng tiến lên mỗi ngày một cao hơn trên con đường sự nghiệp".
Chủ tịch Trung Quốc trả lời phỏng vấn CGTN nói: “Tôi cảm thấy trong cả cuộc đời của tôi, đối với tôi có hai mẫu người giúp đỡ và ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi. Một là, các vị lãnh đạo lão thành tiền bối. Hai là, bà con nông dân ở Thiểm Tây.
Tôi nhìn thấy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, nhìn thấy gốc rễ của quần chúng nhân dân, thực sự thấu hiểu được bà con nông dân, hiểu được xã hội. Đây là điều căn bản nhất. Rất nhiều những suy nghĩ thực sự cầu thị đều bắt nguồn và nảy sinh từ thời kỳ đó mà ra. Tới tận ngày nay, mỗi giờ mỗi phút tinh thần của bà con nông dân đều luôn luôn ảnh hưởng tới tôi.
Trong thời gian 7 năm ở Thiểm Tây, điều để lại trong tôi hầu như đều mang theo một loại cảm giác thiêng liêng, thần kỳ.”
“Cứ mỗi khi gặp phải thách thức, thử thách hoặc bắt tay vào một công tác mới, trong đầu óc tôi đều hiện lên những giọng ca, tiếng nói thân thương của bà con anh em nông dân của tôi đang cày ruộng trên cao nguyên Thiểm Bắc.”
Hiện Lương Gia Hà đã được nhà chức trách Trung Quốc phát triển thành một điểm du lịch nổi tiếng tại nước này. Tờ New York Times (Mỹ) bình luận, biến những nơi ở cũ của lãnh đạo thành danh lam thắng cảnh để thể hiện "thần thoại khởi nghiệp chính trị" là một trong những hình thức tuyên truyền đã thành công ở Trung Quốc.
Dù không tạo ra làn sóng "sùng bái cá nhân" mạnh mẽ như thời Mao Trạch Đông, sức hút của ông Tập Cận Bình đối với công chúng Trung Quốc hiện nay vẫn rất đáng kể.
Thị trấn Lương Gia Hà ngày nay đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng (Ảnh: NYT)
"Bước chạy đà" của ông Tập
Tháng 10/1975, ông Tập được chính quyền địa phương giới thiệu về theo học tại Khoa Công nghiệp Hóa chất Trường Đại học Thanh Hoa với tư cách là “con em công nông”.
Quãng đời tiếp theo giai đoạn này của ông được truyền thông Trung Quốc giới thiệu như sau: Tháng 4/1979 sau khi tốt nghiệp Đại học, ông làm việc trong Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quân ủy trung ương, là thư ký riêng của ông Cảnh Biểu, Ủy viên thường vụ Quân ủy trung ương, Phó thủ tướng Trung Quốc - một chiến hữu của ông Tập "cha".
Năm 1982, Tập Cận Bình xin Phó thủ tướng Cảnh Biểu được tiếp tục về nông thôn lao động và làm việc tại huyện Chính Định tỉnh Hà Bắc, khi đó ông chưa đầy 30 tuổi. Quãng thời gian làm việc lần thứ hai ở nông thôn cũng là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của ông Tập để 30 năm sau, tức vào năm 2012 ông bắt đầu tiến lên đỉnh cao quyền lực.
Phim tài liệu về quãng đời tuổi trẻ của ông Tập là động thái mới nhất trong hoạt động tuyên truyền của truyền thông nhà nước Trung Quốc, sau khi ông được Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - gọi là "lãnh tụ" trong bài xã luận đăng ngày 15/1. Thái độ của Nhân dân Nhật báo được xem là thể hiện thái độ nhất trí của trung ương cùng toàn thể đảng viên ĐCSTQ.
Ông Tập - lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua - được kỳ vọng "phục hưng dân tộc Trung Hoa" và đưa nước này đạt được những tham vọng toàn cầu lớn lao.
Theo Nhân dân Nhật báo, "hệ thống quản trị toàn cầu đang trải qua những biến đổi sâu sắc; và một trật tự quốc tế mới đang định hình" và Trung Quốc đang đứng ở vị trí lịch sử để "khôi phục sự vĩ đại và trở lại vị trí xứng đáng của mình trên thế giới".
"[Trung Quốc] đang ngày càng tự tin và có năng lực hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử để có thể chớp lấy thời cơ này," tờ báo viết. "Chúng ta hoàn toàn nhận thức được trách nhiệm của mình. Chúng ta phải hoàn toàn ủng hộ hạt nhân, trung thành và theo sát lãnh tụ, dùng lòng can đảm và tinh thần... để mở ra tương lai tươi sáng".