Góc Nguyễn Nguyên: Giấc mơ World Cup và hiện thực

Nguyễn Nguyên |

Đông Nam Á sau nhiều lần mơ và đặt chỉ tiêu cho World Cup, giờ vừa tái lập giấc mơ đấy. Trong cuộc họp Hội đồng AFF, giấc mơ World Cup được đặt ra bằng cách nhiều quốc gia đồng đăng cai World Cup 2034.

Cũng giấc mơ World Cup đấy, rất nhiều quốc gia từng đặt ra. Việt Nam sau Huy chương bạc SEA Games 1995 và Huy chương đồng Tiger Cup 1996 đã lấy cột mốc 20 năm sau sẽ dự World Cup. Singapore với đề án Goal 2010 và thất bại toàn tập. Thái Lan gần nhất là tham vọng World Cup 2018 nhưng vòng loại cuối vừa thua toàn diện và tắt giấc mơ đấy.

Những giấc mơ đa phần đến từ thành tích trong khu vực 11 quốc gia quanh quẩn với SEA Games và AFF Cup rồi tự nêu ra những giấc mơ không bị đánh thuế.

Nó khác hoàn toàn với lộ trình kiểu như bóng đá Đức vừa thông qua kế hoạch vô địch World Cup 2034 bắt đầu từ những em bé mới ở tuổi lên 3 (đề án này đã được FIFA đăng tải). Hay những thông số mà FIFA nêu ra để đạt đến mức chuyên nghiệp thì cầu thủ tối thiểu phải di chuyển 8km/trận, trong khi ở ta và vài nước Đông Nam Á chuyên nghiệp mới tà tà cấp độ 4 - 5 km/trận

Bóng đá Việt Nam vừa hạnh phúc với giấc mơ World Cup U.20 và đang kỳ vọng rất nhiều, nhưng qua trận thua với Nhật Bản thì vỡ ra chúng ta phải đầu tư thật nhiều để vượt ngưỡng. Nói thua Nhật vì đối thủ chơi tấn công hay quá còn ta thì mệt sau 4 trận căng sức với các đối thủ, nhưng đấy mới chỉ là nhận định rất sơ sài. 

Hãy nghe Công Phượng kể về việc miệt mài ngồi dự bị nhưng học gì khi đá ở J-League 2 sẽ hiểu: “Tôi phải thích nghi với bóng đá Nhật, đó là học phòng ngự và cùng thực hiện việc tổ chức phòng ngự ngay từ khi mất bóng”.

Giấc mơ World Cup đôi khi rất đơn sơ, đó là phải thích nghi với bóng đá chuyên nghiệp trước rồi hiện đại sau bằng những con số và người thật việc thật, thay vì thắng anh X, Y, Z là ta đã hơn họ và có quyền mơ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại