Nông dân đóng “vai ác”
Xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội, Tết Nguyên đán Ất Mùi, giá rau cải giảm xuống một nửa. Có ruộng cải ngồng phải để ra hoa vì giá quá rẻ. Đầu ra chững lại. Nhiều gia đình trồng rau đứng trước nguy cơ “mất tết”.
12.000 dân xã Vân Nội thì có đến 10.000 người có thu nhập chính từ nông nghiệp, và ngành chính là sản xuất rau an toàn với 109 ha rau trên cả xã.
Nhưng bởi vì đây là địa bàn sản xuất chính của Công ty rau sạch Ba Chữ - một công ty dính “nghi án” trộn rau an toàn và rau mua ở chợ đầu mối vào nhau để cung cấp cho siêu thị - nên nông dân trên cả xã... “chết chùm”.
Và trong vòng xoáy những thông tin trái chiều về thực phẩm “bẩn” của đầu năm 2016 này, những người nông dân lại một lần nữa trở thành đối tượng dễ bị tổn thương.
Cho đến giờ phút này, hiện trạng của thực phẩm “bẩn” trên thị trường đang được phản ánh bằng những ví dụ, những trường hợp đơn lẻ và mang tính khái quát hóa cao.
Ngay cả bộ trưởng Bộ NN&PTNT khi khẳng định rằng “phần lớn thực phẩm của chúng ta là an toàn” lại dựa trên chứng cứ từ một cuộc khảo sát nhỏ để khái quát một hiện trạng lớn nên đẩy dư luận vào thế hoài nghi liên tục.
Bằng một cách nào đó, ở khắp nơi, thực phẩm “bẩn” thậm chí đang được liên hệ với “ung thư” - một cáo buộc chưa rõ ràng về tính khoa học.
Và câu chuyện của xã Vân Nội có nguy cơ tái hiện trên địa bàn cả nước: người nông dân Việt Nam đang được xây dựng trong một hình ảnh chung là những người sản xuất nông sản bẩn và đầy chất hóa học.
Thỉnh thoảng, lác đác trong các phóng sự, người nông dân xuất hiện. Có người nói trước ống kính camera như sắp khóc.
“Làm sao tôi trồng kiểu đó được” - họ phân trần. Nhưng trong một cuộc đối thoại bằng truyền thông, không có sự công bằng cho những con người chân lấm tay bùn này.
Định kiến đã được tạo ra. Việc thiếu các điều tra, các nghiên cứu khoa học đầy đủ, thiếu cơ chế kiểm soát đang khiến nỗi sợ hãi của cộng đồng được đẩy lên cao trào.
Với từ khóa “ung thư” - cơn ác mộng của loài người - những thông tin tiêu cực về thực phẩm lan truyền vô tội vạ.
Và điều đáng lo ngại nhất là bởi sự yếu thế của người nông dân, người ta có thể lợi dụng sự lan truyền những thông tin tiêu cực về nông sản để vụ lợi.
Khi nỗi sợ bị lợi dụng
Anh G., quản lý một công ty kinh doanh chế phẩm từ đậu nành, phát hiện những bài viết đầu tiên trên mạng liên hệ đậu nành với những tác dụng có hại cho sức khỏe con người từ đầu tháng 3.
Đậu nành cũng có khả năng gây ung thư, một số bài viết khẳng định điều này đã xuất hiện trước đây và đã bị phản bác do không đủ cơ sở khoa học, nay không biết vì lý do gì lại xuất hiện.
Trong vòng một tháng sau đó, phòng marketing công ty anh ồ ạt chuyển đến cho sếp... gần 100 bài viết với nội dung tương tự.
Trong suốt quá trình kinh doanh trước đó, anh chưa bao giờ gặp dư luận kiểu này. Nhưng chỉ trong vòng một tháng, đậu nành bỗng nhiên trở thành một thứ có khả năng gây ung thư.
Mở Internet ra là nhìn thấy. Sau đúng một tháng, thị trường bắt đầu bắn những tín hiệu xấu về phía công ty.
Công việc kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành có dấu hiệu chững lại, khách hàng có ý kiến phản hồi về công ty về những thông tin này, và “dân tình bắt đầu hoang mang” - theo cảm quan của anh G..
Anh G. không thể khẳng định được điều gì đã tạo ra cơn bão truyền thông “đậu nành - ung thư” này, nhưng cảm thấy “có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh” từ doanh nghiệp đối thủ.
Vị thương nhân này phân trần với phóng viên rằng “cha ông ta vẫn ăn đậu phụ từ ngàn đời” và lập luận đơn sơ rằng “nếu đậu nành mà gây ung thư thật thì các cơ quan chức năng phải cấm chứ”.
Tuy nhiên, những lập luận của anh không có giá trị khi đứng trước một thứ: nỗi sợ của cộng đồng.
“Đậu nành gây ung thư” là một thông điệp đáng ngờ về cơ sở khoa học. Nhưng bởi vì xã hội đang trong một nỗi ám ảnh lớn, về việc ung thư có nguyên nhân từ thực phẩm, nên họ có thể dễ dàng chấp nhận những thông điệp kiểu này.
Và nếu có ai đó muốn lợi dụng nỗi sợ ấy, họ chỉ cần đúng một tháng để xoay chuyển cục diện thị trường.
Chính là “tháng 3 kinh hãi” mà công ty của anh G. đã trải qua. Một người trong giới truyền thông khẳng định: để thực hiện một chiến dịch tuyên truyền ồ ạt như thế, một doanh nghiệp chỉ cần chi ra không đến 1 tỉ đồng.
Quá rẻ cho một chiến dịch quan hệ công chúng hiệu quả.
Anh G. tin rằng nếu có doanh nghiệp nào đó đang đứng sau chiến dịch tấn công đậu nành này thì họ không chỉ đang làm hại doanh nghiệp của anh.
Hàng trăm ngàn hecta đậu nành trên cả nước, đồng nghĩa với số phận của hàng chục vạn nông dân, trở nên bấp bênh trước những dư luận kiểu này.
Trong lịch sử kinh doanh thế giới, việc lợi dụng sự bồng bột của cộng đồng để triệt hạ đối phương không xa lạ, thường được gọi là “PR đen”. Ngành này đặc biệt phát triển ở Trung Quốc.
Năm 2013, cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ một “đại gia tin đồn” tên là Qin Huohuo, người đã hủy hoại uy tín của rất nhiều tổ chức lớn tại Trung Quốc để kiếm lời.
Khi bị bắt, Qin giải thích về cơ chế thành công của mình: “Bạn cần lay động cộng đồng và làm họ cảm thấy rằng họ đang đóng vai những quan tòa chống lại sự bất công của xã hội”.
Và nếu có một doanh nghiệp nào đó muốn sử dụng “PR đen” để bán hàng trong nỗi sợ thực phẩm bẩn tại Việt Nam thì bây giờ chính là lúc thích hợp: cảm xúc tiêu cực trước thực phẩm đang lên cao trào.
Số lượng những cư dân mạng có nhu cầu đóng vai “quan tòa” với thực phẩm đang gia tăng.
Cộng đồng không có lỗi
Nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn hứa hẹn tạo ra những hiệu ứng vô cùng tiêu cực.
Người nông dân đối diện với một thị trường có cảm xúc thù địch, các doanh nghiệp nông sản và chế phẩm nông sản trong nước vốn đang “còi cọc” có nguy cơ không lớn nổi, và nghiêm trọng nhất, nỗi sợ đó có thể bị lợi dụng cho những món lợi nhỏ bằng hoang tin.
Nhưng cảm xúc của cộng đồng không có lỗi. Trách nhiệm đã được chính Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, rằng “người dân khó có thể phân biệt, không biết đâu là thực phẩm thật sự an toàn hay vi phạm.
Để giúp người dân phân biệt thì đó là trách nhiệm của chúng tôi và các cơ quan quản lý nhà nước”.
Người dân giữa chợ thực phẩm như đang chơi một cuộc quay lô tô giữa “an toàn” và “không an toàn”. Sự nghi ngờ, hoang mang và sau đó dẫn đến cáo buộc các nhà cung cấp (người nông dân) là điều tất yếu.
Cơ chế hình thành quen thuộc nhất của nỗi sợ hãi dựa trên sự thiếu thông tin: người ta sợ bóng đêm vì không thể nhìn thấy, sợ trộm cướp vì chúng không dán mác giữa đám đông, và bắt đầu sợ nông sản vì không thể phân biệt.
Để kiểm soát thực phẩm cần rất nhiều lực lượng, bắt đầu từ những lô thuốc nhập về từ cửa khẩu cho đến đầu cuối là quản lý thị trường. Không thể có sự kiểm soát chặt chẽ trong một cơ chế phối hợp lỏng lẻo.
Và quan trọng nhất là ngay cả khi tất cả lực lượng hành pháp hoạt động với công suất tối đa, người ta cũng không thể giám sát một ngành kinh doanh lớn như thực phẩm.
Ngay cả chính quyền liên bang Mỹ cũng chỉ kiểm soát được vài phần trăm lượng thực phẩm lưu hành trên đất nước này.
Để có thực phẩm sạch thì việc cần làm là khuyến khích người nông dân nuôi trồng sạch chứ không phải là chống lại việc họ nuôi trồng bẩn, đẩy thị trường - nhà cung cấp vào thế đối đầu.
Không có một hệ thống chính sách để khuyến khích các hoạt động nuôi trồng sạch, từ ưu đãi thuế cho đến ưu đãi vốn, người nông dân có thể “biết mà vẫn làm” như lâu nay.
Tiếc rằng trong một cơn sợ hãi đang được thổi bùng, rất khó để một hệ thống như thế ra đời. Một cuộc phán xét trên quy mô lớn đã được tạo ra, và tâm lý lúc này đang là “chống” chứ không phải là “xây”.