Theo ông Long, để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thực sự có hiệu quả, Hà Nội và các ngành cần phải vào cuộc bằng những hành động quyết liệt.
Thậm chí, ông Long còn cho rằng Hà Nội cần tiến hành xét xử một số vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm để làm gương.
Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016" do UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào sáng nay, có chủ đề: Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.
Mục tiêu của kế hoạch là nhằm khắc phục tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, gà, thủy sản.
Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, nhất là tại các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản; giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm.
Đánh giá tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong quý I, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 28 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh vật tư nông nghiệp, tổng số tiền phạt 1,2 tỷ đồng; kiểm tra, phạt tám tổ chức, cá nhân hơn 52 triệu đồng về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong tháng cao điểm này, các cấp, ngành, đoàn thể, cộng đồng tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ, để đạt hiệu quả cao trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời đưa các hoạt động này trở thành nền nếp để tiếp tục duy trì thực hiện trong năm, nhằm giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm từ gốc, kiểm soát sản xuất, tổ chức, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật cấm trong trồng trọt…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao Hà Nội là một trong những thành phố tổ chức sớm chương trình "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm".
“Chống thực phẩm bẩn là phải hành động thực tế chứ đừng phô trương bằng lời nói, hình thức”, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
Thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị phanh phui, đưa lên công luận khiến người dân rất ủng hộ.
Song song với đó, Hà Nội cũng như các địa phương cần chỉ ra những địa chỉ sản xuất, mua bán thực phẩm an toàn, tránh việc người dân hoang mang vì chỉ được cung cấp thông tin một chiều.
Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin thêm: Từ 1/7, Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã có những quy định hình sự để xử lý những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Hà Nội là đơn vị triển khai tháng vệ sinh an toàn thực phẩm sớm thì cũng nên xử lý quyết liệt, đưa một số vụ việc ra xử lý hình sự, làm gương cho tất cả các địa phương trong cả nước", ông Long gợi ý.