Hằng ngày, chúng ta thường xuyên hỏi thăm nhau bằng câu hỏi quen thuộc: "Bạn khỏe không?" "Anh/chị có khỏe không?" hay: "Ba mẹ có khỏe không?" "Ông bà vẫn khỏe chứ?" "Cô/cậu ấy sức khỏe tốt không?"...
Nó là một câu hỏi xã giao thông dụng nhất cho tất cả chúng ta. Vậy nhưng, đã bao giờ chúng ta tự hỏi với chính mình rằng: "Tôi ơi, có khỏe không?" chưa.
Vào mỗi buổi sáng khi thức dậy, nếu thấy mình vẫn còn khỏe mạnh, hình hài vẫn nguyên vẹn thì đó là giai đoạn chúng ta vẫn đang hưởng thụ được cuộc sống và đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà chúng ta đang sở hữu.
Trong những giờ phút ấy, chúng ta bỗng nhận ra rằng mình đang may mắn hơn chục ngàn người đang mắc phải những căn bệnh không chữa được thậm chí, sự sống chỉ còn tính bằng giờ mà thôi…
Chúng ta cũng tự nhận ra mình còn may mắn hơn những người nghèo khổ khi đêm qua họ vẫn phải ngủ vật vờ ở công viên, ở vỉa hè hoặc mái hiên nhà ai đó.
Và chúng ta cũng may mắn hơn những người đang ốm đau đang phải nằm chen chúc ở bệnh viện, có người còn phải nằm ở hành lang bệnh viện hay trên dãy ghế chờ trước phòng khám.
Chúng ta thường ngộ nhận khi nghĩ rằng tài sản lớn nhất của mình là tiền bạc, xe cộ, nhà cửa, đồ dùng đắt tiền, là sắc đẹp hay địa vị đang có. Nhưng những thứ đó đến với mình rất cực nhọc, gian khổ, thế nhưng có khi chỉ trong chốc lát mọi thứ sẽ ra đi nhẹ tựa như chiếc lá vàng rơi.
Chỉ có sức khỏe và trí tuệ mới là thứ tài sản quý giá nhất mà hằng ngày chúng ta cần phải nâng niu nhất. Vì chỉ có hai thứ ấy mới làm cho con người chúng ta được ở trong trạng thái hạnh phúc nhất, an toàn nhất mà thôi!
Có sức khỏe về cả thể chất và tinh thần thì bệnh tật sẽ không thể nào đến "gõ cửa" cuộc sống của chúng ta. Nó cũng không thể làm gián đoạn những mục tiêu còn dang dở, bỏ lỡ những công việc mình muốn làm, hay cắt ngang những ước mơ dự định cho tương lai phía trước.
Vậy nên, hãy luôn làm gia tăng hai thứ tài sản đó khi mỗi giờ trôi qua và đó là cách mà chúng ta đang tự yêu thương chính mình để rồi sẽ biết cách yêu thương người khác.
Vậy thì chúng ta sẽ yêu thương chính mình bằng cách nào?
Đây là câu hỏi có vô vàn đáp án cho mỗi người. Và cách yêu thương chính mình tốt nhất là luôn học hỏi để nâng cao kiến thức và đặc biệt là luôn yêu cái tôi khỏe mạnh của mình. Đó là lý do vì sao đừng để khi cơ thể mình phát ra những tín hiệu đau ốm, mệt mỏi khi mới đi khám ở bệnh viện.
Khi chúng ta hỏi người khác khỏe không thì điều đó chứng tỏ mình đang quan tâm đến họ, song chúng ta cũng đừng quên hỏi chính mình: "Tôi ơi, có khỏe không?" bằng cách thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, chăm tập luyện thể thao, ăn uống nghỉ ngơi khoa học, có lối sống lành mạnh (nếu cần có thể xin tư vấn của bác sĩ). Có vậy, mới làm chủ được bản thân.
Khi cơ thể khỏe mạnh thì chúng ta mới có cơ hội làm việc, trau dồi kiến thức, mới có thể yêu thương và chăm sóc những người mà mình yêu quý, khi cơ thể khỏe mạnh, thì chúng ta mới có thể sẻ chia với bao người bất hạnh xung quanh.
Không những vậy, khi cơ thể của chúng ta khỏe mạnh, mình sẽ không nằm trong số 20% những người mắc phải các căn bệnh mãn tính, vì theo ước tính thì có tới 80% các căn bệnh mãn tính mà con người mắc phải hiện đều xuất hiện từ lối sống chưa hợp lý, không lành mạnh, không khoa học mà ra.
Vì thế, xin đừng quên sống tử tế với chính mình bằng cách hãy thường xuyên hỏi thăm bản thân bằng câu: "Tôi ơi, có khỏe không?"!