CNN nhận định, quyết định của Tổng thống Donald Trump cấm đi lại giữa Mỹ và phần lớn châu Âu sẽ khiến nhiều quốc gia cảm thấy không hài lòng, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ xuyên đại tây dương đang đi xuống trong những năm gần đây.
Kể từ khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump từng nhiều lần chỉ trích các chính sách thương mại của châu Âu. Chính vì vậy, ngay cả khi lệnh cấm mới không áp dụng cho các trao đổi thương mại, thì việc ám chỉ dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nước Mỹ là do người nước ngoài – cũng có thể khiến phần còn lại của thế giới liên tưởng nhiều hơn tới chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Trump.
Trong khi COVID-19 vẫn đang là một trong những mối bận tâm lớn nhất toàn cầu ở thời điểm hiện tại, thì một số nước như Trung Quốc và Nga được đánh giá là không chỉ cố gắng giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực, mà còn nỗ lực tìm kiếm các cơ hội ít ỏi từ nó.
Trong tuần này, sau khi từ chối thỏa thuận với Arab Saudi về cắt giảm sản lượng dầu khiến giá dầu thế giới bất ngờ lao dốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tung ra một tin tức thậm chí còn gây chấn động hơn, đó là kế hoạch củng cố quyền lực của mình sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.
Tại Trung Quốc, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế được dịch bệnh bùng phát. Và đây chính là thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay vào công cuộc hồi sinh hình ảnh và vị thế của Trung Quốc.
Trong một cuốn sách xuất bản tháng trước với nhiều ngôn ngữ khác nhau, Trung Quốc được ca ngợi là đã chiến thắng trong "cuộc chiến tranh nhân dân" chống lại dịch bệnh, "dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất" của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Truyền thông Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền khi bỏ qua những "chuệch choạc" ban đầu trong cách hành xử của chính quyền mà chỉ tập trung vào "sức mạnh, hiệu quả và tốc độ" của nước này trong cuộc chiến đối phó COVID-19.
Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến công du Vũ Hán hồi đầu tuần (ảnh: SCMP)
Những thông điệp được soạn thảo cẩn thận
Ông Putin lựa chọn đưa ra thông điệp của mình vào "Thứ 2 đen tối" – ngày mà thị trường dầu mỏ thế giới gần như sụp đổ sau bất đồng giữa Nga và OPEC do Saudi dẫn đầu. Ông công khai bày tỏ ủng hộ với một đề xuất phá vỡ giới hạn mỗi tổng thống chỉ được đảm nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp, mở đường cho việc ở lại vị trí đứng đầu nước Nga cho đến năm 2036.
Một vài tháng trước, khi ông Putin ám chỉ mình đang chuyển một số quyền lực tổng thống sang cho quốc hội, cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào nước Nga. Giới phân tích đưa ra các nhận định khác nhau giải thích cho hành động của người đứng đầu Điện Kremlin; cùng với đó là sự e ngại về khả năng một nước Nga bất ổn sẽ là nguy cơ cho phần còn lại của thế giới.
Cách lãnh đạo của Tổng thống Putin được đánh giá là sẽ phát huy quyền lực và hiệu quả hơn nếu không bị đặt dưới quá nhiều sự chú ý. Trở thành tâm điểm của quốc tế có thể khiến thông điệp truyền thông hướng về trong nước của ông bị ảnh hưởng.
Chính vì vậy, sự kiện "Thứ 2 đen tối" là một cơ hội thích hợp để ông Putin công bố ý định của mình, đồng thời giảm thiểu tối đa sự chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, đó không phải là lợi thế duy nhất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Sputnik)
Tại hội nghị thượng đỉnh OPEC diễn ra ở Vienna, Áo hôm thứ 6 (6/3), ông Putin đã từ chối kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Arab Saudi và tỏ ý muốn duy trì mức độ hiện tại. Mosow cũng không giấu giếm ý định chấp nhận giá dầu tuột dốc trong một thời gian dài, đổi lại có thể chứng kiến các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ bị mất đi lợi thế trong cuộc chiến tranh giành thị phần toàn cầu.
Nhìn vào con số thống kê số lượng người nhiễm COVID-19, rõ ràng Nga đang làm tốt hơn nước Mỹ của Tổng thống Trump. Đây không phải là lần đầu tiên, ông Putin tỏ ra nhanh nhạy hơn người đồng cấp Mỹ, không chỉ ở việc kiềm chế dịch bệnh mà còn cả ở cách tận dụng lợi thế địa chính trị từ nó.
Trung Quốc cũng sẽ quan sát tình hình nước Mỹ một cách cẩn thận và quốc gia châu Á đang có lợi thế vì đang trên đà hồi phục sau dịch bệnh. Vì thế, cho dù nền kinh tế Trung Quốc đã bị tổn thương nhiều như thế nào và thị trường quốc tế của Trung Quốc sẽ cần thời gian hồi phục lâu ra sao, trong cuộc đua mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế, trong thời điểm này, người có lợi thế nhất vẫn là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: CNN)
Tổng thống Trump bị tụt lại phía sau?
Trong khi đó, ông Trump đang phải đối mặt với loạt thách thức từ dịch bệnh COVID-19: nền kinh tế Mỹ có khả năng tuột dốc – một phần là do trước đây đã không coi trọng mối đe dọa y tế mà loại virus corona mới đem lại. Và lệnh cấm đi lại giữa Mỹ và châu Âu mới đây chắn chắn sẽ còn tạo thêm nhiều vấn đề cho ông chủ Nhà Trắng.
So sánh với ông Putin và ông Tập của ngày hôm nay, ông Trump dường như đang bị tụt lại. Ban đầu Trung Quốc phản ứng chậm nhưng đã thành công kiểm soát dịch bệnh với một chiến dịch tổng lực toàn diện mà Tổng thống Trump khó có thể làm theo do thiếu công nghệ và không có được chiến thuật rõ ràng.
Cùng lúc, Mỹ hay bất kỳ quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi virus dài bao lâu, thì thời gian cho nền kinh tế của nó phục hồi lại bị chậm trễ bấy lâu. Lấy Italy làm ví dụ: với toàn bộ đất nước đang bị phong tỏa, Italy không có được quyền lực như Trung Quốc để kiểm soát dân số trong khi vẫn là quốc gia nghèo nhất trong G7 – chưa kể một loạt các thách thức khác.
Nga muốn quay trở lại G7 (trước đó là G8 nhưng Moscow bị loại ra sau khi quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014) và Rome là một trong những bên ủng hộ nhiệt thành nhất cho việc này.
Trong đại dịch toàn cầu đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, số người lây nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng trong khi trò chơi địa chính trị vẫn luôn được tiếp tục. Để giành được chiến thắng trong trận chiến không kém phần cam go đó, các nước cần phải tìm được liều thuốc chuẩn xác nhất.