Dấy lên lo ngại Nga và Trung Quốc chạy đua vũ khí siêu vượt âm với Mỹ

Gia Minh |

Một số nhà quan sát quân sự trên thế giới kêu gọi các nước lớn phải có các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát vũ khí siêu vượt âm.

Lời kêu gọi trên xuất phát từ việc Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố triển khai tên lửa siêu vượt âm (hay cực thanh - thường được ghi nhận bắt đầu từ tốc độ Mach 5). Đồng thời, gần đây Nga cũng lên tiếng cho biết họ đã phát triển tên lửa Avangard lên phiên bản mới tiên tiến hơn nhiều. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Các nhà quan sát cho rằng vũ khí hiện đại này chưa thể làm "thay đổi cục diện cuộc chơi" nhưng có thể giúp Moscow có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Sự xuất hiện của vũ khí siêu vượt âm làm mọi người lo ngại vũ khí của các quân đội trở nên bất khả chiến bại. Bởi không hệ thống phòng thủ hiện có nào có thể chặn được và chúng được sử dụng để tăng cường cho sức mạnh hạt nhân.

Một vũ khí siêu vượt âm (cực thanh) thường được định nghĩa là một vũ khí đạt tốc độ tối thiểu là Mach 5, gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Năm 2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố công khai việc triển khai vũ khí siêu vượt âm khi tên lửa DF-17 của họ có mặt trong cuộc diễu binh vào Lễ Quốc khánh ngày 1-10.

Dấy lên lo ngại Nga và Trung Quốc chạy đua vũ khí siêu vượt âm với Mỹ - Ảnh 1.

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 của Trung Quốc

Tuy nhiên vào cuối tháng 12, Nga tuyên bố triển khai chính thức tên lửa Avangard của mình.

Việc triển khai Avangard cho thấy Nga đi trước cả Trung Quốc và Mỹ, vì tên lửa siêu vượt âm DF-17 của Quân đội Trung Quốc là loại công nghệ không cao, có thể di chuyển với tốc độ Mach 6, một người trong giới quân sự nói với tờ South China Morning Post. Trong khi theo truyền thông Nga, tên lửa siêu thanh Avangard có thể bay với tốc độ Mach 20.

Đến nay dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nối lại việc phát triển tên lửa siêu vượt âm nhưng vẫn chưa công bố phát triển loại vũ khí như thế nào.

Theo một báo cáo gần đây được bản tin Bulletin of the Atomic công bố: Các nhà khoa học Nga và Trung Quốc đang nắm lợi thế trong việc phát triển công nghệ cực thanh - dựa trên số chuyến bay thử nghiệm mà họ thực hiện thành công- trong khi Ấn Độ và Pháp đứng sát phía sau.

Mặc dù cuộc chạy đua vũ trang đang tăng tốc, Phó Giáo sư Margaret Kosal, Trường Quan hệ Quốc tế Sam Nunn thuộc Viện Công nghệ Georgia - Mỹ, cho biết công nghệ này sẽ không thay thế được vũ khí hạt nhân, một công cụ răn đe chiến lược hiệu quả nhất hiện nay.

Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming ở TP Bắc Kinh cùng nhận định: Vũ khí siêu vượt âm có thể làm tăng chi phí chiến tranh nhưng không ai trong số 3 cường quốc sử dụng chúng làm công cụ tấn công phủ đầu và tiếp tục tăng cường công nghệ hạt nhân chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại