Giữa chiến tranh thương mại, vì sao TQ tung hô phiến quân "đao thương bất nhập" đời Thanh?

Hải Võ |

Truyền thông nhà nước Trung Quốc có động thái bất thường khi ca ngợi cuộc khởi nghĩa thất bại chống lại "sự xâm lược của nước ngoài" ở nước này vào hơn một thế kỷ trước.

Tân Hoa Xã ca ngợi cuộc khởi nghĩa "giúp Thanh diệt ngoại"

Trong bài bình luận đăng tải tối thứ Ba (13/11), hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã ca ngợi cuộc khởi nghĩa nông dân Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901) là thành tố quan trọng của "phong trào vận động yêu nước phản đế trong lịch sử Trung Quốc cận đại", đồng thời "thể hiện quyết tâm của người dân Trung Quốc đoàn kết chống ngoại xâm từ hàng trăm năm trước".

Nghĩa Hòa Đoàn là tổ chức khơi mào cuộc nổi dậy chống lại thế lực của người Nhật Bản và phương Tây ở miền Bắc Trung Quốc. Cuộc bạo động đã khiến nhiều nhà truyền giáo bị giết và nhiều tài sản được coi là thuộc về phương Tây đã bị phá hủy.

Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn dựa trên nhiều nhân tố mê tín. Các chiến binh phiến quân được tuyên truyền để tin rằng họ có thể mình trần chống lại súng đạn phương Tây. Tổ chức này cũng được triều đình nhà Thanh ủng hộ, cho phép đóng tại Bắc Kinh vào tháng 6/1900 và tấn công vào khu tô giới của nước ngoài ở Thiên Tân.

Song Nghĩa Hòa Đoàn sau đó bị đánh bại bởi liên minh quốc tế gồm 8 nước: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga và Đế quốc Áo-Hung, khiến chính phủ Thanh phải từ bỏ hậu thuẫn cho họ, và dẫn đến sự kiện "liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh" năm 1900.

Với thất bại của Nghĩa Hòa Đoàn, năm 1901, chính phủ Thanh bị buộc ký Điều ước Tân Sửu với 8 nước kể trên cùng Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha - một trong những hiệp ước bồi thường bất bình đẳng khiến Trung Quốc thiệt hại nặng nề nhất.

Giữa chiến tranh thương mại, vì sao TQ tung hô phiến quân đao thương bất nhập đời Thanh? - Ảnh 1.

Liên quân 8 nước vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, sau khi đánh bại quân nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn do chính phủ Thanh hậu thuẫn, năm 1900 (Ảnh: Wikipedia)

Trung Quốc muốn chuyển tải thông điệp gì?

Mô tả của Tân Hoa Xã về khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn tương đồng với giới thiệu về sự kiện này trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc hiện nay.

Sách giáo khoa trong các trường phổ thông gọi cuộc nổi dậy là "cuộc chiến dũng cảm trước những kẻ xâm lược" và là nỗ lực "ngăn chặn âm mưu chia cắt Trung Quốc của các thế lực nước ngoài".

Theo SCMP, bài viết của hãng tin nhà nước xuất hiện không trùng với bất kỳ mốc thời gian nào có liên quan sự kiện Nghĩa Hòa Đoàn, cũng như không rõ mục đích truyền thông của Tân Hoa Xã là gì.

Một nhà sử học (ẩn danh) nói với SCMP rằng bài bình luận có thể nhằm khơi dậy và nêu cao chủ nghĩa yêu nước, trong bối cảnh Trung Quốc gặp khó khăn do tăng trưởng kinh tế chững lại và chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang.

Tuy nhiên, bài viết nhận nhiều phản ứng không tích cực từ dư luận.

"Bây giờ đã là thế kỷ 21 rồi. Chúng ta đều hiểu là không thể đánh thắng đối thủ được trang bị súng và bạn thì chỉ có tay không. Chúng ta cũng biết cái gọi là phép thuật của Nghĩa Hòa Đoàn không có tác dụng gì. Chìa khóa cho sự phát triển của Trung Quốc vẫn nằm ở sự tiến bộ về công nghệ," một bình luận nói.

Giáo sư ngành tài chính ở Đại học Cát Lâm, ông Li Xiao nói phương thức tư duy bài ngoại kiểu Nghĩa Hòa Đoàn vẫn còn duy trì ảnh hưởng nhất định trong xã hội Trung Quốc ngày nay. Trên thực tế, nhiều ý kiến đã thúc giục chính phủ phản công lại đòn chiến tranh thương mại của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump "bằng mọi giá".

"Trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, trong thời đại phát triển kinh tế và cải cách sâu rộng, họ muốn gì khi nói 'bằng mọi giá'? Liệu chúng ta có trở lại thời kỳ trước cải cách mở cửa?" - Li nói.

"Liệu chúng ta, những người Trung Quốc có dùng cái đầu lạnh để nhận ra chênh lệch lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, rồi tiếp tục khiêm tốn học hỏi từ Mỹ, hay sẽ bám lấy con đường chủ nghĩa dân túy bài Mỹ giống như Nghĩa Hòa Đoàn?"

Nhà nghiên cứu Li Yuehua, thuộc Đại học Nam Kinh, cho biết có một số quan điểm mang hơi hướng Nghĩa Hòa Đoàn xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc giai đoạn đầu chiến tranh thương mại, với những lời kêu gọi đất nước tiến hành một cuộc chiến quy mô.

"Nhưng ngay sau sự cố với hãng ZTE, họ đã phải câm lặng," ông Li nói, đề cập sự việc hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc rơi vào tình trạng lao đao sau khi bị Mỹ đe dọa ngăn chặn tiếp cận với một số công nghệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại