Nâng cấp chức vụ đại diện tham gia đối thoại, TQ đã "mệt mỏi" vì chiến tranh thương mại?

Thủy Thu |

2 ông Dương Khiết Trì, Ngụy Phụng Hòa được chính quyền Trung Quốc cử tới hội nghị đối thoại an ninh ngoại giao Mỹ-Trung vòng 2 đều có chức vụ cao hơn phái đoàn tham dự lần 1.

Vòng đối thoại cấp cao thứ hai về an ninh và ngoại giao giữa Mỹ - Trung Quốc đã được tổ chức tại Washington, Mỹ vào ngày 9/11 vừa qua.

Phía Trung Quốc có sự tham gia của Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ nhiệm văn phòng ủy ban công tác đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa; đại diện Mỹ gồm có Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Theo DongA Ilbo (Hàn Quốc), vòng đối thoại thứ nhất đã được tổ chức vào tháng 6/2017 tại Washington, sau thành công của Hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ hồi tháng 4 cùng năm.

Vòng đối thoại thứ hai này dự kiến diễn ra vào tháng 10 tại Bắc Kinh nhưng sau đó đã bị hoãn lại do ảnh hưởng từ các xung đột về vấn đề biển Đông, thương mại song phương.

Theo báo Hàn, xét trên phương diện ngoại giao, ông Dương Khiết Trì đã tham dự cả hai vòng đối thoại an ninh ngoại giao Trung-Mỹ nhưng đáng chú ý, ở vòng một chức vụ của ông khi đó chỉ là Ủy viên Quốc vụ viện

Nếu dựa theo cách thức của vòng đối thoại thứ nhất thì vị trí của ông Dương nên được thay thế bằng Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị nhưng Trung Quốc đã chọn ông Dương Khiết Trì - người có chức vụ cao hơn ông Vương Nghị.

Còn xét về phương diện an ninh, đại diện Trung Quốc tham dự vòng đối thoại thứ nhất là nguyên Tham mưu trưởng Bộ tham tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Phòng Phong Huy nhưng lần này lại là ông Ngụy Phụng Hòa - Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Một động thái nâng cấp vai trò ý nghĩa của đối thoại từ phía Trung Quốc.

Đặc biệt, ngoài các vấn đề an ninh ngoại giao như vấn đề Triều Tiên, hạt nhân của Iran, Đài Loan, Biển Đông... thì chiến tranh thương mại - vấn đề thuộc lĩnh vực thương mại mậu dịch cũng được đưa lên bàn đối thoại.

Tại hội nghị, ông Dương Khiết Trì khẳng định, nếu không tìm kiếm được giải pháp hợp lý thì không chỉ nền kinh tế hai nước chịu tổn thất mà nền kinh tế chung toàn cầu cũng bị ảnh hưởng.

Đáp lại, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Washington không muốn tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh hoặc kiềm chế Bắc Kinh.

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù tồn tại những xung đột về các vấn đề biển Đông, Đài Loan... nhưng do mối quan hệ song phương đang ở trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ nên hai bên đều cố gắng giảm nguy cơ xung đột trực tiếp.

Đặc biệt, việc Bắc Kinh cử đội ngũ quan chức có chức vụ cao hơn phái đoàn vòng 1 cho thấy, nước này cố gắng thể hiện "thiện chí" hòa giải với Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại