Giáo sư Mỹ nói về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt trong kỷ nguyên Công dân toàn cầu

GS.TS. Mark Ashwill |

Dù là công dân quốc gia hay toàn cầu, bản sắc dân tộc luôn là một yếu tố quan trọng, thể hiện qua kiến thức văn hóa và xã hội phong phú của một quốc gia.

LTS: Trong kỳ tiếp theo của tuyến bài "Công dân toàn cầu - Đường ra thế giới", xin trân trọng giới thiệu đến độc giả góc nhìn của GS.TS. Mark Ashwill, chuyên gia giáo dục, người Mỹ đầu tiên nhận danh hiệu Chuyên gia cao cấp của chương trình Fulbright tại Việt Nam về thế mạnh của người trẻ Việt Nam trên con đường trở thành công dân toàn cầu.

---

Người trẻ Việt Nam đang nắm giữ một trong những tiềm năng to lớn trong thời đại công dân toàn cầu sắp tới.

Họ rất "mở", rất ham học hỏi và trải nghiệm những kiến thức để làm giàu bản thân, làm giàu đất nước. Họ tràn đầy lòng yêu nước, giàu cảm xúc, dồi dào trí lực và có đủ điều kiện để trở thành công dân toàn cầu.

Một trong những lợi thế lớn nhất của người Việt Nam là không bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa dân tộc như người dân ở một số quốc gia khác, nên đó là điều kiện thuận lợi hơn trên con đường trở thành công dân toàn cầu.

Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc là hai khái niệm dễ bị nhầm lẫn. Việc hiểu được sự khác biệt giữa chúng là rất quan trọng.

Chủ nghĩa yêu nước đơn giản là "tình yêu và sự cống hiến cho Tổ quốc". Ngược lại, Chủ nghĩa dân tộc là lòng tận trung với quốc gia của mình; đặc biệt đề cao một quốc gia hơn tất cả các quốc gia khác, đặt sự ưu tiên, quảng bá văn hóa và chú trọng lợi ích quốc gia của mình hơn các quốc gia láng giềng hay quốc tế khác. Chính vế thứ hai, phần được in nghiêng, là điểm khác biệt quan trọng nhất, cho thấy sự cởi mở, thân thiện hơn của Chủ nghĩa yêu nước.

Khác biệt giữa Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa dân tộc có ngụ ý nói đến sự phát triển trở thành công dân toàn cầu, nhìn chung, ý nghĩa của chúng lồng ghép vào nhau, hai mà như một. Nói một cách khác, người theo Chủ nghĩa dân tộc khó trở thành công dân toàn cầu vì quan điểm về đất nước sẽ không tương thích.

Giáo sư Mỹ nói về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt trong kỷ nguyên Công dân toàn cầu - Ảnh 1.

Những người yêu nước, mặc dù họ yêu đất nước của mình chỉ vì một lẽ đơn giản như vì đó là nơi họ được sinh ra, vẫn có thể thừa nhận thế mạnh và thành tựu của những nước khác. Họ có khả năng đóng góp ý kiến mang tính xây dựng với nỗ lực giúp đất nước tiến bộ hơn, thậm chí giúp nhận ra đâu là lý tưởng sống của đất nước mình. Một người yêu nước cũng có quyền đem lòng yêu mến những điều mới lạ khác trên thế giới, chứ tình cảm không chỉ gói gọn trong ranh giới đất nước của họ.

Trong cuốn America Right or Wrong (tạm dịch: Nước Mỹ Đúng hay Sai), tác giả Anatol Lieven nhấn mạnh người Mỹ rất cần nhìn nhận lại chủ nghĩa dân tộc của họ. Ông miêu tả đó là "khả năng thoát khỏi sự ám ảnh nước Mỹ và nhìn nhận nước Mỹ dưới con mắt khách quan, không phải là quốc gia độc tôn trên thế giới", người Mỹ cũng không nên tự coi mình là "những người được chọn, chủng người thượng đẳng" - Israel của thời đại, mà hãy đặt nước Mỹ "cũng chỉ là một quốc gia bình thường như bao nhiêu quốc gia khác", theo lời nhà văn Mỹ Herman Melville. Mỗi quốc gia đều vĩ đại theo cách riêng, có quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây không phải là điều người theo chủ nghĩa dân tộc sẵn sàng chấp nhận.

Giáo sư Mỹ nói về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt trong kỷ nguyên Công dân toàn cầu - Ảnh 2.

Công dân toàn cầu có hướng tư duy bắt nguồn từ các giá trị nhân văn bao gồm sự tôn trọng và công nhận các khác biệt, một niềm tin rằng không ai, hoặc không dân tộc nào hơn hoặc kém dân tộc khác, có niềm cảm thông với các quốc gia khác, quan tâm tới môi trường sinh thái, cam kết phát triển bền vững, sẵn lòng giúp đỡ những người trong và ngoài nước.

Công dân toàn cầu bao hàm khái niệm cơ bản về công dân của một quốc gia, kèm theo những quyền lợi, nghĩa vụ cũng như lòng trung thành với quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, không dừng ở đó, sự gắn kết, tinh thần và tư tưởng đạo đức của một công dân toàn cầu còn hướng tới toàn thể nhân loại.

Giáo sư Mỹ nói về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt trong kỷ nguyên Công dân toàn cầu - Ảnh 3.

Nhưng, lòng trung thành và cống hiến với một quốc gia không vì vậy mà bị lấn át bởi quyền lợi và trách nhiệm của thành viên trong cộng đồng thế giới. "Lợi ích quốc gia" không nhất thiết phải vượt lên lợi ích các quốc gia khác, mà được điều chỉnh hài hòa, cân bằng với người dân trên toàn thế giới.

Ví dụ, nếu một quốc gia có dự định xây một con đập từ thượng lưu, quốc gia này cần cân nhắc thận trọng những ảnh hưởng về môi trường và kinh tế với những quốc gia ở hạ lưu, chứ không chỉ nghĩ tới quyền lợi, nhu cầu và ý muốn của nước mình.

Giáo sư Mỹ nói về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt trong kỷ nguyên Công dân toàn cầu - Ảnh 4.

Một yếu tố then chốt để trở thành một công dân toàn cầu là năng lực liên văn hóa (Intercultural Competence – IC), hoặc năng lực toàn cầu (Global Competence – GC), được công nhận là bộ kĩ năng cho phép một người làm việc hiệu quả trong bối cảnh đa văn hóa. Báo cáo Xã hội Châu Á có tên Educating for Global Competence: Preparing Our Youth to Engage the World (tạm dịch: Giáo dục Năng lực Toàn cầu: Chuẩn bị cho Thế hệ trẻ Tiếp cận Thế giới) lưu ý những kĩ năng và kiến thức cần thiết nhất cho học sinh sinh viên trong thời hiện đại này, bao gồm:

1) Khám phá Thế giới: Năng lực Toàn cầu bắt đầu từ việc nhận thức, tò mò, và hứng thú học hỏi thế giới cũng như cách thức hoạt động của nó.

2) Cái nhìn nhiều chiều: Công dân toàn cầu nhận thức được rằng họ có quan điểm mà người khác có thể đồng tình, hoặc không.

3) Trao đổi Ý tưởng: Công dân toàn cầu hiểu rằng người nghe có khác biệt về văn hóa, địa lí, tín ngưỡng, hệ tư tưởng, của cải vật chất, … và họ có thể hiểu cùng một thông tin theo nhiều hướng khác nhau.

4) Hành động: Kiến thức và kĩ năng nào có thể hiện thực hóa việc học hỏi và tạo ra sự khác biệt cho thế giới này? Đó là khả năng tự nhìn nhận và đánh giá hành động của một công dân toàn cầu.

5) Áp dụng Kỷ luật và Chuyên môn: Có phải Năng lực Toàn cầu chỉ có kĩ năng mà không có kiến thức không? Không thể nào. Dù trong bất kì thời đại và hoàn cảnh nào, kiến thức luôn quan trọng.

Có rất nhiều kĩ năng liên quan tới IC/GC (Năng lực Liên văn hóa/Năng lực Toàn cầu), ví dụ như khả năng ngoại ngữ và thay đổi hành vi đa văn hóa (tức là điều chỉnh những ứng xử, hành động của mình cho phù hợp và thích ứng với môi trường xung quanh, "nhập gia tùy tục") không gắn kết với các giá trị nhân văn tạo nên công dân toàn cầu. IC có thể được sử dụng để phục vụ cho một tổ thức chính phủ, công ty hoặc mục đích cụ thể, kể cả xấu hoặc tốt.

Giáo sư Mỹ nói về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt trong kỷ nguyên Công dân toàn cầu - Ảnh 6.

Dù là công dân quốc gia hay toàn cầu, bản sắc dân tộc luôn là một yếu tố quan trọng, thể hiện qua kiến thức văn hóa và xã hội phong phú của một quốc gia. Để trở thành công dân toàn cầu, một người cần phải nhận thức được điểm tốt, điểm chưa tốt và điểm xấu của quốc gia mình. Một trong những thử thách lớn nhất đối với thế hệ trẻ Việt Nam hiện tại là sự thiếu hiểu biết về quốc gia mình, đặc biệt là sử Việt.

Giáo sư Mỹ nói về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt trong kỷ nguyên Công dân toàn cầu - Ảnh 7.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 2009 mà tôi và Giáo sư Dương Thị Hoàng Oanh là đồng tác giả, cuốn sách có tựa Developing Globally Competent Citizens - The Contrasting Cases of the United States and Vietnam (tạm dịch: Phát triển Công dân Năng lực Toàn cầu – Sự đối lập giữa Việt Nam và Mỹ), chúng tôi nhận thấy một số người Việt, đặc biệt là giới trẻ, có các nhìn đối lập đối với văn hóa Việt. Có những người cực kì yêu nước, những người khác lại đặt văn hóa Việt trong sự so sánh với thế giới và cho rằng văn hóa Việt thua kém điểm này điểm khác, trong khi có những người ở giữa hai thái cực này.

Trong một buổi thảo luận trên lớp với những học sinh Việt Nam và Lào về niềm tự hào dân tộc và toàn cầu hóa, một sinh viên Việt Nam hỏi giảng viên:" Làm thế nào để khiến mọi người tôn trọng chúng ta?". Nữ giảng viên trả lời rất đơn giản:" Nếu muốn người khác tôn trọng mình, trước hết mình phải tự tôn trọng mình đã." Sau đó, cô yêu cầu các sinh viên làm việc theo nhóm, thảo luận và tìm ra 5 lí do tại sao mọi người nên tôn trọng họ vì họ là công dân của quốc gia mình.

Ban đầu, các sinh viên tỏ ra bối rối và không biết nên bắt đầu từ đâu. Sau khoảng thời gian suy nghĩ, các sinh viên cũng đã soạn được danh sách các lí do tại sao quốc gia khác phải tôn trọng mình. Các sinh viên cũng tự cảm thấy ngạc nhiên vì đã tìm được nhiều lí do đến vậy. Một sinh viên phát biểu:" Mỗi quốc gia đều nắm giữ nhiều giá trị và rất đáng tự hào."

Trong danh sách của sinh viên Việt, có thể kể đến những mục như dân tộc Việt Nam anh hùng, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc, bản sắc... Ngoài ra, trong danh sách còn có:

- Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo;

- Tinh thần lạc quan, tin vào tương lai tươi sáng;

- Tinh thần và quyết tâm học hỏi để bắt kịp người khác;

- Thông minh, cần cù, chịu khó;

- Tự hào bản thân và tự tôn dân tộc, khiến người khác phải chấp nhận và thừa nhận, từ đó có động lực để phát triển, không những bắt kịp được với người khác mà còn có thể vượt họ.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy được sự hoài nghi và bất an về các giá trị bản thân từ câu hỏi của một số sinh viên. Một sinh viên cho rằng: "Có thể sự tự ti xuất phát từ lịch sử của Việt Nam, một quốc gia từng có thời gian dài sống dưới chế độ phong kiến và bị đô hộ."

"Cho tới ngày nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi nhắc tới Việt Nam, một số người vẫn nghĩ tới chiến tranh (thông tin đã lỗi thời), rồi nghĩ tới Việt Nam như một quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba (thông tin sai lệch). Những quan điểm ấy cho thấy định kiến và sự thiếu hiểu biết đích thực về Việt Nam."

Sự tôn trọng tới từ nhận thức, kiến thức, và hiểu biết. Việc thế hệ trẻ Việt giao lưu với người nước ngoài cả ở Việt Nam và cả ở nước ngoài là rất quan trọng, đặc biệt họ cũng cần phải bảo toàn bản sắc dân tộc của mình khi đồng thời trao đổi hiểu biết về Việt Nam cho bạn bè thế giới biết.

Khi Việt Nam ngày càng mở cửa về mặt kinh tế và văn hóa, bạn bè quốc tế ngày càng đón chào Việt Nam hơn bao giờ hết. Hiện tại Việt Nam đã có mối quan hệ thương mại với 200 quốc gia và là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được hơn một thập kỷ. Việt Nam có quyết tâm rất lớn được hội nhập với thế giới để gặt hái những lợi ích của toàn cầu hóa cũng như tránh những mặt trái của nó. Các lợi ích có thể kể đến sự phát triển về mặt kinh tế cho tới sự chấp nhận và tính hợp pháp trên trường quốc tế. Giới trẻ Việt Nam hiện tại, những công dân toàn cầu tương lai, những nhà khởi nghiệp, thế hệ đổi mới và có tầm nhìn, sẽ đóng vai trò quan trọng trên chuyến hành trình tới tương lai của Việt Nam.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.



Tiến sỹ Mark A. Ashwill là Đồng sáng lập & Giám đốc Điều hành Công ty Capstone Việt Nam, một công ty tư vấn giáo dục toàn diện với văn phòng đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Blog của ông có thể được tìm thấy tại "An International Educator in Viet Nam".

Ông là chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam, và là một công dân toàn cầu trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại