LTS: Những năm gần đây, khái niệm "công dân toàn cầu" được nhắc đến khá nhiều ở Việt Nam. Đó cũng là khát vọng và mục tiêu hướng đến của nhiều bạn trẻ. Nhưng với không ít người, làm thế nào để trở thành "công dân toàn cầu"thì vẫn là câu hỏi khó.
Bắt đầu từ tuần này, báo điện tử Trí Thức Trẻ sẽ khởi đăng tuyến bài "Công dân toàn cầu - Đường ra thế giới" nhằm cùng độc giả quan tâm tìm kiếm đáp án cho câu hỏi đó. Tuyến bài sẽ bao gồm các cuộc trao đổi, bài viết của các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nghiên cứu người nước ngoài và người Việt Nam thành danh ở nước ngoài. Số đầu tiên, chúng tôi sẽ đăng tải bài viết của TS. Giang Công Thế (blogger Hiệu Minh), chuyên gia từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB).
Chúng tôi rất mong sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, bàn luận của Quý độc giả để vạch ra một con đường cho người Việt trẻ hội nhập thành công với thế giới. Quý độc giả cũng có thể gửi các thắc mắc, câu hỏi về tòa soạn theo địa chỉ email: btv@ttvn.vn. Chúng tôi sẽ giúp quý vị kết nối với các chuyên gia uy tín để cùng trao đổi.
Trân trọng!
Ngày 21/3, Giáo sư Thomas Patterson, Đại học Harvard, Tổng giám đốc Mạng Công dân Toàn cầu (Global Citizens Network - GCN), thành viên của Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCEN) đã chính thức khai trương Mạng Công dân Toàn cầu.
Từ 1/4, mọi công dân trên thế giới có thể vào GCN đăng ký tham gia kiểm tra và thực hiện bài kiểm tra về công dân toàn cầu để sau đó có thể tham gia các chương trình mạng này.
Nói đến công dân toàn cầu cứ nghĩ là việc to tát, người vĩ đại, chữ nghĩa đầy mình, nhưng thực ra họ cũng là người bằng da, bằng thịt. Bất kỳ ai sinh ra trên trái đất này cũng có thể trở thành một người thuộc về thế giới.
Phố Tây ở Sài Gòn hay Hà Nội là nơi cánh trẻ du lịch bụi, thích lang bạt, dù túi tiền không nhiều, nhưng máu thám hiểm còn lên tận Tây Bắc hẻo lánh.
Hè năm ngoái về quê ở Hoa Lư chơi, tôi lang thang chụp ảnh, ngắm đồng lúa vàng không chán mắt. Gặp nhóm Tây trẻ măng 17-20 tuổi, đi xe đạp khắp ngõ ngách trong làng Tụ An, xóm Yên Trạch, xó núi Tràng An, lội ruộng úp cá, tối về ngủ trong mấy nhà mái tranh nóng như thiêu, chỉ có quạt máy và nước sạch, thế mà họ vui.
Hỏi học được gì ở chuyến đi, các bạn cười rất vui, học nhiều chứ. Từ quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, với tiền túi tiết kiệm, mua vé máy bay giá rẻ, nghỉ nơi ít tiền, được thăm làng quê Việt Nam chỉ biết qua phim ảnh từ chiến tranh đến đói nghèo, rồi phát triển thần kỳ, không vui sao được.
Nhớ cô Huyền chip "khoác ba lô lên là đi", kiếm tiền dọc đường, thế mà qua được cả chục quốc gia khác nhau. Hiện cô đang theo học một trường danh tiếng bên Mỹ, thành công dân toàn cầu từ chiếc ba lô.
Đó là những người coi 5 châu là quốc gia không biên giới, ai cũng quyền hội nhập và phát triển tài năng. Quanh quẩn mãi lũy tre làng, xứ mình là nhất, sẽ không đi tới đâu.
Vài năm trước đến trường cấp 1 của hai cậu con trai học ở Virginia thấy có mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu (Global Citizen) bằng những câu đơn giản như (1) Chấp nhận mọi dân tộc - Accepts all people; (2) Bảo vệ môi trường - Protects the environment; (3) Giúp những người đang cần giúp - Helps those in need; và (4) Hoạt động vì hòa bình - Works for peace.
Trường có đủ học sinh từ nhiều quốc gia do bố mẹ có việc bên Mỹ, dân di cư do chiến tranh, do vấn đề chính trị, kể cả tìm giấc mơ Mỹ. Việc chấp nhận mọi đa sắc tộc rất quan trọng trong môi trường giáo dục.
Để Trái đất xanh, phát triển bền vững thì bảo vệ môi trường là mục tiêu tối thượng. Phát triển bằng mọi giá kể cả phá hoại môi sinh thì khắc phục hiểm họa với cái giá trả cao gấp nhiều lần.
Một tố chất khác của công dân toàn cầu phải biết "think globally, act locally – tư duy tổng thể, hành động cụ thể", hoặc nhớ lời của Martin Luther King nói cách đây 5 thập kỷ "Life's most persistent and urgent question is, 'What are you doing for others?' – Câu hỏi thường trực và cấp bách nhất suốt cuộc đời – bạn đã làm gì cho người khác", nghĩ về ai đó đang cần sự giúp đỡ, thì thế giới sẽ hòa hợp biết bao.
Bảo vệ môi sinh, giúp đỡ lẫn nhau, vì ngôi nhà chung, không thể có được nếu không có hòa bình. Khai mào chiến tranh không khó, nhưng kết thúc khó hơn và cái giá để khắc phục không thể đong đếm.
Thời trẻ trâu những năm 1960, tôi luôn nhìn về phía Tây có những áng mây chiều đẹp thần tiên. Các cụ trong làng bảo, phía đó có nhiều điều mới lạ, các cháu cố học mà đi sang đó, lúc về nhớ mua cho các cụ cái đài bán dẫn để nghe tin tức.
Tôi cũng cố học giỏi, cũng mơ thế thôi, nhưng đôi lúc tin sẽ được chân trời xa ấy, không ai cản được giấc mơ và dịp may đến thật.
Nhớ lần đầu (1968) đi với người chú họ ra Hải Hưng chơi vài tháng qua ga Hà Nội để chuyển tầu. Chú bảo bố "Anh chị nên cho cháu đi, biết nhiều sẽ nên người".
Lóc cóc vác cái bị cói đựng bộ quần áo nâu, đi bộ 12 km từ Trường Yên xuống thị xã Ninh Bình, hai chú cháu lên hỏa xa từ ga núi Cánh Diều. Lần đầu được lên cái toa có ghế gỗ ngồi, cửa sổ mở toang, tàu hỏa chạy qua Nam Định, lên Phủ Lý, qua cánh đồng lúa xanh rờn, đời như lên tiên.
Tầu vào Phú Xuyên, cách Hà Nội khoảng 30km, chú thông báo, sắp đến ga Hà Nội lúc sắp lên đèn. Bên đường có bóng đèn điện tròn sáng trưng nhìn mê ly. Càng đi càng thấy điện sáng hơn. Tới cổng Bách Khoa thấy cả đèn đường, nhà cao tầng có đèn neon xanh mát mắt, ngắm mãi không chán.
Trên phố rất có xe đạp, tầu điện kính coong. Tầu dừng ở ga Nam Bộ, chú cho cháu xuống, mua cái bánh rán ăn rất giòn và thơm, mấy cái vẫn thòm thèm.
Hà Nội hiện lên trong mắt chàng nhà quê 15 tuổi như một giấc mơ, khởi đầu cho những chuyến đi khắp thế giới những năm sau đó.
Tiến sỹ Giang Công Thế năm 2011, khi còn công tác tại WB
Du học Ba Lan 6 năm, rồi 4 năm làm nghiên cứu sinh bên Bulgaria, nghiên cứu khoa học cho viện, đi đó đây, rồi làm cho World Bank 20 năm, làm việc bên Washington DC hơn chục năm, tôi thành công dân toàn cầu lúc nào không biết.
Làm việc với mấy chục văn phòng quốc tế trong khu vực và tại Mỹ, có lúc lúng túng do mình đến từ nước đang phát triển có khác biệt văn hóa và giáo dục, nhưng dần cũng quen, biết hòa nhập thì không khó lắm.
Gặp các đồng nghiệp đến từ quốc gia khác cũng có nỗi lo tương tự do môi trường thay đổi, nỗi lo gia đình. Tuy nhiên, ai vượt qua sẽ thành đạt và giữ được vị trí cao tại nơi làm việc. Giáo sư Ngô Bảo Châu thành đạt xứ người là do hòa nhập được với môi trường quốc tế, nhiều Việt kiều nổi tiếng thế giới cũng vậy, vượt mọi rào cản để thành công.
Đến bảo tàng người nhập cư ở New York sẽ thấy có một số người họ Nguyễn, người Việt đặt chân lên xứ cờ hoa cách đây mấy trăm năm, hội nhập thế hệ đầu tiên.
Sau vài thế kỷ, người xứ khác đến làng quê Việt Nam du lịch trải nghiệm và rất có thể họ chọn nơi đây là nơi trú ngụ, thì chẳng có gì lạ.
Làm công dân toàn cầu tưởng không khó nếu có một giấc mơ vươn ra ngoài lũy tre làng. Phần tôi, năm 1974 đi Ba Lan về phép, mua cho bố cái đài bán dẫn, cả làng tới nghe tin chiến thắng. Các cụ khen mãi, thằng cu này giỏi, thành người thế giới.
Hãy bắt đầu như cậu bé chăn trâu xứ Ninh Bình lên hỏa xa ra Hà Nội thế kỷ trước, như Huyền chíp, như các bạn trẻ phương tây du lịch bụi ở Hoa Lư, úp cá, bắt cua, đầu thế kỷ này. Một ngày nào đó bạn trở thành công dân toàn cầu lúc nào không hay.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.