Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có gần 183.000 ca mắc mới và khoảng 123.000 người tử vong do ung thư, hiện có 354.000 "sống chung" với căn bệnh này. Tính trung bình, cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư. Đáng chú ý, các ca mắc ung thư càng ngày càng trẻ hóa.
Những con số đáng báo động này khiến người ta giật mình song đồng thời cũng làm mọi người "thức tỉnh", giúp họ dần trở nên quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe nói chung và các thông tin về ung thư nói riêng. Ai nấy đều mong muốn có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ, lời khuyên từ các chuyên gia đầu ngành về ung thư tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Mới đây, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với Giáo sư (GS.) Bruce Levine - một trong những giáo sư hàng đầu thế giới về công nghệ điều trị ung thư.
GS. Levine là Giáo sư Barbara và Edward Netter về Liệu pháp gen ung thư, là Giám đốc sáng lập của Cơ sở sản xuất vaccine và tế bào lâm sàng (CVPF) thuộc Khoa Bệnh học và Trung tâm Ung thư Abramson, trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania. GS. Levine cũng là một trong những diễn giả tham gia vào phiên thảo luận "Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư" thuộc Tọa đàm Khoa học vì cuộc sống trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022 đang diễn ra tại Hà Nội.
BRUCE LEVINE
Giáo sư Barbara và Edward Netter về Liệu pháp gen ung thư.
Giám đốc sáng lập của Cơ sở sản xuất vaccine và tế bào lâm sàng (CVPF) thuộc Khoa Bệnh học và Phòng thí nghiệm Y học và Trung tâm Ung thư Abramson, Trường Y khoa Perelman, Đại học của Pennsylvania.
Đồng phát minh liệu pháp gen đầu tiên được FDA chấp thuận (Kymriah), tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm cho bệnh bạch cầu và ung thư hạch, được cấp phép cho Novartis
Đồng phát minh của 30 bằng sáng chế đã được cấp của Hoa Kỳ.
Đồng tác giả của hơn 200 bản thảo và chương sách với chỉ số h trích dẫn trên Google Scholar là 100.
Chào GS. Bruce Levine, theo GS. việc điều trị ung thư ở Việt Nam và Mỹ khác nhau như thế nào?
Hiện tại có 6 liệu pháp miễn dịch được phê duyệt để điều trị các loại ung thư máu. Ở Mỹ, Nhật, châu Âu có khoảng hơn 20.000 bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Ngoài ra còn liệu pháp gen được ứng dụng để chữa các bệnh khác như thiếu máu hồng cầu liềm, tan máu bẩm sinh (thalassemia). Chúng ta đang ở kỷ nguyên có thể sửa chữa được lỗi gen hoặc hướng dẫn tế bào miễn dịch giết tế bào ung thư
Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện nhiều nghiên cứu để ứng dụng trong điều trị ung thư đặc nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. Chúng tôi cũng đang cố gắng để làm giảm chi phí của phương pháp này và mang đến cơ hội cho nhiều bệnh nhân được sử dụng phương pháp điều trị này.
Hiện tại, tôi đang hợp tác với 1 công ty Ấn Độ và Đại học Pennsylvania cũng đang hợp tác với các bệnh viện ở Costa Rica để làm giảm giá thành của liệu pháp miễn dịch. Thông qua việc hợp tác giữa Đại học Pennsylvania và Vinmec, tôi rất hy vọng hai bên có thể có những hoạt động hợp tác sâu rộng hơn.
Theo ông, khi nào kiệu pháp miễn dịch có thể được ứng dụng tại Việt Nam và trên thế giới nói chung?
Như bạn đã biết, 100 năm trước đây, khi có sự xuất hiện của xe ô tô. Lúc đó chúng ta không có trạm sửa xe hay các dịch vụ sửa chữa xe ô tô. Liệu pháp miễn dịch là công nghệ mới, vì thế, muốn công nghệ này phát triển thì chúng ta cần có chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng, chấp nhận tế bào cũng là một trong các phương pháp điều trị, tổ chức đào tạo các cán bộ y tế hiểu và biết cách sử dụng tế bào như một liệu pháp điều trị hiệu quả.
Nhìn chung, liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị rất thú vị. Đây là phương pháp có thể chữa trị 1 lần và hiệu quả điều trị kéo dài. Phương pháp này cũng có hiệu quả khác với các phương pháp điều trị bằng thuốc hiện tại.
Theo GS. Levine, các phương pháp điều trị ung thư ngày một hoàn thiện hơn.
Vậy đến khi nào liệu pháp miễn dịch mới đáp ứng tiêu chí an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân thấy ung thư không còn là bệnh nguy hiểm nữa?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc bệnh nhân có muốn tìm hiểu về liệu pháp miễn dịch không? Kể cả ở Mỹ, chỉ có khoảng 20% bệnh nhân phù hợp với phương pháp này và chấp nhận sử dụng liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư. Một phần lý do xuất phát từ việc bệnh nhân sinh sống ở những nơi ít thông tin hoặc chính bác sĩ của họ cũng chưa muốn giới thiệu phương pháp này với bệnh nhân vì vấn đề chi phí và tác dụng phụ của phương pháp.
Cũng chính nhờ lý do này mà tôi rất vui mừng khi được tham gia tọa đàm Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Đây cũng là cơ hội để liệu pháp miễn dịch được giới thiệu đến giới y học thế giới và giúp bệnh nhân có nhiều thông tin hơn về phương pháp điều trị mới này.
Tại Việt Nam, nhiều người coi mắc ung thư đồng nghĩa với việc nhận "án tử", ông có lời nào muốn nhắn nhủ với những bệnh nhân này không?
Những bệnh nhân khi chấp nhận sử dụng liệu pháp miễn dịch đều là những người bệnh đã không đạt được hiệu quả điều trị của các phương pháp điều trị ung thư truyền thống khác. Và đó chính là 1 điểm sáng trong sự nghiệp của tôi. Tôi nhận thấy có nhiều bệnh nhân muốn tìm hiểu về phương pháp này và nhìn thấy sự hồi phục của bệnh nhân khi họ được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, không phải tất cả các bệnh nhân sử dụng liệu pháp miễn dịch đều đạt hiệu quả. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực làm việc để tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ của phương pháp để có thể chữa cho nhiều bệnh nhân nhất có thể.
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của liệu pháp miễn dịch tại Việt Nam hiện nay?
Tôi không có nhiều thông tin về các số liệu này. Tuy nhiên, trong chuyến công tác với Bệnh viện Vinmec tại Việt Nam, tôi thấy Việt Nam cũng đang trên con đường xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ y tế và giáo dục thông tin cho người bệnh.
Ở Việt Nam cũng đã có cấy tế bào gốc và liệu pháp miễn dịch cũng tương tự như vậy, cũng là liệu pháp miễn dịch. Việt Nam đã có hệ thống rồi thì cơ hội phát triển sẽ tốt hơn.
GS. Levine đánh giá cao sự đầu tư của Việt Nam vào khoa học, công nghệ.
Tỷ lệ người trẻ hiện nay mắc ung thư rất cao, thậm chí có không ít người ra đi vì căn bệnh quái ác này. Ông có lời khuyên nào dành cho họ không, về chế độ ăn uống cũng như lối sống sinh hoạt?
Câu hỏi này hơi khó với tôi vì tôi không phải bác sĩ lâm sàn. Nhưng lời khuyên chung thì có đấy, đơn giản chính là những điều như mọi người đã biết: không hút thuốc lá, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.
Các phương pháp chữa trị ung thư hiện tại đều có chi phí rất cao, có những người phải bán nhà, chạy vạy vay nợ khắp nơi để đi chữa bệnh. Các giải pháp chữa trị ung thư sau này có thể giúp đỡ người dân giảm gánh nặng đó không thưa GS.?
Thực tế đúng là các phương pháp điều trị ung thư hiện nay đều rất đắt đỏ nhưng chúng tôi vẫn đang và sẽ cố gắng để giảm chi phí đó xuống bằng cách nghiên cứu, thay đổi các phương pháp khác nhau. Những sản phẩm công nghệ như điện thoại, ô tô khi mới ra đời cũng rất đắt nhưng theo thời gian và dòng phát triển, mọi thứ được tối ưu, chi phí sản xuất cũng giảm xuống và số lượng người có tiếp cận chúng trở nên nhiều hơn. Điều trị bệnh cũng tương tự.
Chúng tôi vẫn đang không ngừng nghiên cứu các công nghệ tiến bộ để phục vụ cho công trình nuôi cấy tế bào bên ngoài cơ thể tự động, từ đó rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí nhân công... Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể đạt được điều này càng sớm càng tốt.
Liệu trong tương lai gần chúng ta có chữa trị được hoàn toàn bệnh ung thư không?
Chúng tôi có một số bệnh nhân đã được điều trị thành công và hiện vẫn sống khỏe mạnh 10, 11 thậm chí 12,5 năm sau khi được điều trị bằng liệu pháp tế bào thụ thể kháng nguyên dạng khảm CAR-T (Chimeric Antigen Receptor T-cell). Họ là bằng chứng sống cho thấy có thể chữa trị hoàn toàn bệnh ung thư.
Tất nhiên, buộc phải thừa nhận là chúng tôi cũng có những bệnh nhân không thích ứng với liệu pháp này. Vì vậy chúng tôi đang tìm cách cải thiện liệu pháp để tiếp cận thêm càng nhiều bệnh nhân càng tốt.
Liệu pháp miễn dịch vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, nhưng bản thân tôi không trực tiếp làm việc ở bệnh viên nên hơi khó nói. Nhưng từ những gì tôi quan sát được trong chuyến thăm đầu tiên của mình tới Việt Nam, tôi thấy Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào khoa học, công nghệ, đặc biệt là giáo dục y tế mà ví dụ tiêu biểu nhất là VinUni và bệnh viện Vinmec. Tôi rất mong được hợp tác với các nhà nghiên cứu ở đấy, chắc hẳn đó sẽ là một cuộc hợp tác thú vị.
Cảm ơn GS. vì những chia sẻ này!
GS. Bruce Levine là một trong những diễn giả tại Tọa đàm Khoa học vì cuộc sống - Phiên họp "Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư".
Lịch trình sự kiện Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022:
Ngày 17/12:
- Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture
- Diễn thuyết truyền cảm hứng "Đổi mới hiện tại, kiến tạo tương lai"
Ngày 19/12: Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống"
Ngày 20/12: Lễ trao giải VinFuture 2022
Ngày 21/12: Chào tương lai: Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022
Chủ đề của Giải thưởng VinFuture 2022 là "Hồi sinh và Tái thiết" (Reviving and Reshaping). Với chủ đề này, Giải thưởng hy vọng tìm kiếm và vinh danh các công trình khoa học - công nghệ kiệt xuất có tác động tích cực trong và sau đại dịch giúp phát triển bền vững đời sống của hàng triệu người trên khắp hành tinh. Trong đó, cơ cấu giải thưởng vẫn bao gồm 1 Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD cùng 3 Giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tối ngày 20/12/2022 tại Nhà hát lớn Hà Nội, được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Global.