Ngày 15/12, Tổng thống Nga Vlardimir Putin bắt đầu chuyến công du Nhật Bản. Tại tỉnh Yamaguchi - quê nhà của Thủ tướng Shinzo Abe, hai nhà lãnh đạo đã có buổi nói chuyện kéo dài ba giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được thỏa thuận chung về vần đế tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.
"Lạnh nhạt" với Abe
Tờ Nhật báo phố Wall (Mỹ) nhận định, kết quả của cuộc hội đàm cho thấy, mong muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ của Nhật Bản đã bị dập tắt.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù hai bên đều bày tỏ thiện chí về khả năng ký kết hiệp ước hòa bình và hợp tác kinh tế, chấm dứt trạng thái đối đầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II nhưng mục tiêu của ông Putin chỉ là "vượt mặt" Tokyo về đầu tư tại vùng Viễn Đông Nga.
Trả lời báo chí sau cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Abe cho biết: "Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện sâu sắc và thẳng thắn. Nhân sự hai bên có thể tự do đi lại trên đảo, Nga - Nhật sẽ có những hoạt động kinh tế chung và ký kết hiệp ước hòa bình".
Tuy nhiên, Tổng thống Nga lại chưa ngay lập tức đưa ra bình luận về buổi nói chuyện này.
Đa chiều (Mỹ) cho hay, do nước Nga sắp bước vào cuộc bầu cử năm 2018, nếu từ bỏ chủ quyền lãnh thổ, Putin chắc chắn sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị rất lớn từ trong nước.
"Lần này, Putin đã thành công trong việc "bắt bài" Abe. Ông ấy [Putin] có kinh nghiệm và kỹ năng phong phú về ngoại giao", James Brown - chuyên gia quan hệ Nga - Nhật thuộc Đại học Temple Nhật Bản bình luận.
Tờ NHK (Nhật Bản) nhận xét, 16 lần gặp mặt trước đây của Abe và Putin đều xoay quanh nội dung giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Gần đây, dư luận Nhật Bản tin rằng, việc người đứng đầu điện Kremlin đồng ý tới thăm Tokyo cho thấy xuất hiện một "tư duy mới" trong quá trình giải quyết tranh chấp này. Nhưng bất ngờ, đến phút cuối cùng, Moscow vẫn bày tỏ thái độ cứng rắn khiến Tokyo "vỡ mộng".
Giới quan sát cũng chỉ ra rằng, việc Tổng thống Nga đến Nhật trễ gần 3 tiếng so với lịch trình được Tokyo coi là một "tín hiệu lạnh".
Dù phía Nhật Bản đã xác nhận, Moscow đã thông báo trước cho Tokyo về sự chậm trễ của Tổng thống Putin nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Nga "cố ý đến muộn khiến Thủ tướng Nhật không có nhiều cơ hội bàn về vấn đề lãnh thổ".
"Nếu Putin đồng ý thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, dù ông ấy có đến muộn 3 ngày thì phía Nhật cũng không bận tâm", Cao Hồng - Quyền giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định.
"Cuộc gặp ở Yamaguchi sẽ khiến Thủ tướng Abe nhận ra rằng, Tổng thống Putin có sẵn sàng để rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp này hay không", Đa chiều bình luận.
"Vỗ về" Tập Cận Bình
Ông Abe đã không đạt được mục tiêu rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại cuộc gặp với Tổng thống Putin. (Ảnh: VCG)
Trái ngược với động thái được cho là "lạnh nhạt" với Nhật Bản, Moscow đã tỏ ra khá "nồng ấm" với Bắc Kinh.
Bởi ngày 14/12 - ngay trước chuyến công du Nhật của Tổng thống Putin, Cơ quan hợp tác công nghệ quốc phòng đối ngoại Nga cho biết, Moscow sẽ bàn giao lô 4 tiêm kích Su-35 đầu tiên cho Bắc Kinh vào ngày 25/12.
Trước đó, theo kế hoạch ban đầu, lô hàng này dự kiến sẽ được bàn giao vào đầu năm 2017 nhưng cuối cùng phía Nga đã quyết định đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng.
Theo Đa chiều, Tổng thống Putin tiến hành công du Nhật Bản không thể tránh khỏi việc khiến Trung Quốc lo lắng nên trước chuyến thăm, Moscow đã quyết định đẩy nhanh tiến độ bàn giao Su 35 - lô hàng được Bắc Kinh mong đợi từ lâu.
"Trong thời điểm nhạy cảm, Moscow lại bất ngờ tuyên bố chính xác thời gian bàn giao lô hàng cho thấy nước này muốn xoa dịu Trung Quốc", Đa chiều bình luận.
Đặc biệt, trước đó ngày 13/12, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Nhật Bản, khi được hỏi "Trung Quốc có phải là quốc gia quan trọng nhất?", Tổng thống Putin đã trả lời rằng: "Đương nhiên, chính là như vậy".
Câu trả lời của nhà lãnh đạo Nga đã khiến dư luận và giới truyền thông Trung Quốc rất hả hê.
Động thái của Tổng thống Putin cho thấy, Moscow vừa muốn "vỗ về" Bắc Kinh, vừa bày tỏ cho thế giới thấy, trong các mối quan hệ đối ngoại của nước này, Bắc Kinh vẫn được xếp trước Tokyo.