Hoàn Cầu cảnh báo, sở hữu khả năng trả đũa hạt nhân tương đương quân đội Mỹ là nền tảng mà Trung Quốc buộc phải đạt được, nếu không muốn chứng kiến thêm những thách thức như Tổng thống đắc cử Donald Trump chất vấn "vì sao Mỹ phải bị ràng buộc bởi nguyên tắc 'Một Trung Quốc'?"
Theo tờ này, những rủi ro về mặt chiến lược đang ngày càng gia tăng nhằm vào Trung Quốc, và nước này không thể chỉ hài lòng ở kho vũ khí hạt nhân "đủ dùng" nữa.
Trang Sina (Trung Quốc) ngày 16/12 dẫn báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay, hiện Mỹ sở hữu khoảng 7.260 đầu đạn hạt nhân. Con số này ở Trung Quốc là khoảng... 260, chỉ bằng "số lẻ" của Mỹ.
Thậm chí, số liệu này của Mỹ đã giảm bớt so với năm 2013. Báo cáo năm của đài CNN khi đó cho thấy Mỹ đã thử hạt nhân 1.054 lần trong năm này, với số đầu đạn ước tính 7.650. Trong khi đó, Trung Quốc có khoảng 240 đầu đạn vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, trong số công cụ vận tải hạt nhân của Trung Quốc chỉ có hơn mười quả tên lửa DF-31A/B có khả năng phóng tới Mỹ; tên lửa DF-5B mang công nghệ cũ kỹ; tên lửa DF-41 mới bắt đầu triển khai, trong khi phiên bản cơ động còn thử nghiệm; tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094B cũng bước đầu thử tuần tra lộ trình dài...
Theo Sina, các khí tài như trên cũng rất dễ bị hệ thống chống tên lửa của Mỹ ngăn chặn, tỉ lệ "hoàn thành nhiệm vụ" là rất nhỏ nên sức đe dọa từ Trung Quốc thường bị Mỹ phớt lờ.
Quân đội Mỹ rõ ràng cũng nhận thức ưu thế rõ rệt, nên Lầu Năm Góc tin rằng Trung Quốc không dám, và cũng không đủ khả năng, để đối đầu "cứng" với Washington.
Trong bài bình luận tiếp theo vào sáng nay (16/12), tờ Hoàn Cầu ví von "nếu hai chân để chống đỡ vị thế Trung Quốc hiện nay là sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự, thì Trung Quốc đang là một người khuyết tật 'chân to, chân nhỏ'", đồng thời kêu gọi chính phủ đầu tư kinh tế một cách hợp lý nhằm "phá lời nguyền hạt nhân bất bình đẳng của Mỹ".
Hoàn Cầu cho hay, lời kêu gọi được họ đưa ra như một cách "thay mặt cho quốc gia để gửi thông điệp cảnh báo rằng Mỹ đã rơi vào thời kỳ suy thoái mang tính lịch sử, xu thế quân nhân và doanh nhân cùng xuất hiện trong nội các có thể diễn biến cấp tiến hơn, dẫn đến việc Mỹ ngửa bài với Trung Quốc trong tương lai không xa".
Nếu không sở hữu sức mạnh đủ để khiến Mỹ kiêng dè, Bắc Kinh thậm chí có thể trở thành "con cừu bị vặt lông", thậm chí bị chặn quá trình trỗi dậy.