Show diễn chiến thắng của Nga
Những bước đi tinh tế đầy kịch tính gần đây của Nga xoay quanh quá trình chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một chiến lược có tính toán của Moscow, nhà phân tích quân sự nổi tiếng Pavel Felgenhauer viết trên Novaya Gazeta.
Quá trình giao hàng được thực hiện từ ngày 12/7 với việc Nga huy động máy bay hạng nặng Il-76 và An-124 đưa các bộ phận S-400 đầu tiên đến căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Mürted, cách không xa Ankara.
Quan hệ Nga-Thổ sẽ còn phải thận trọng trong tương lai.
Điều đáng chú ý ở đây là cả máy bay Il-76 thuộc Bộ Tình huống Khẩn cấp thậm chí cũng được Nga đưa vào sử dụng.
Theo các chuẩn mực chuyển giao thiết bị quân sự thông thường, lẽ ra Nga sẽ gửi lô hàng S-400 bằng đường sắt đến cảng Biển Đen của mình, sau đó chuyển tất cả ngay lập tức tới Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển. Từ quan điểm hậu cần, cách làm như vậy sẽ dễ dàng hơn, rẻ hơn và thậm chí có thể nhanh hơn.
Nhưng trong trường hợp này, Nga đã thực hiện một bước đi đầy "phô diễn" khi vận chuyển vũ khí cho đối tác bằng máy bay. Bên cạnh đó, Nga còn chủ động chia sẻ thông tin với báo chí về từng chuyến bay chuyển hàng S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Ankara cũng háo hức tham gia vào chiến dịch "trêu ngươi" người Mỹ, khi thoải mái đăng tải các hình ảnh về mỗi lần tháo dỡ các thiết bị quân sự của Nga. Kiểu PR như vậy cũng được coi là điển hình cho phong cách mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang lãnh đạo đất nước.
Theo chuyển gia Felgenhauer, không có gì ngạc nhiên khi Moscow đã phô trương hết cỡ chiến thắng của mình trước Mỹ và NATO.
Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố vào tháng 9/2017 về việc họ sẽ nhận bốn hệ thống S-400 - Mỹ, phương Tây đã thử mọi cách trong khả năng để thuyết phục ông Erdogan hủy bỏ thỏa thuận, thậm chí đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt trong trường hợp cuối cùng.
Tuy nhiên, Điện Kremlin không tiếc nỗ lực để đảm bảo rằng Tổng thống Erdogan sẽ không thay đổi ý định vào phút chót và trao chiến thắng cho người Mỹ.
Điều này thể hiện ở việc, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ thanh toán tạm ứng một khoản tiền chưa được tiết lộ trong hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD, trong khi phía Nga cung cấp khoản vay còn lại.
Cùng với đó, Moscow cũng đẩy nhanh việc giao hàng bằng cách gửi thiết bị đến Thổ Nhĩ Kỳ trước thời hạn ấn định ban đầu.
Hiện tại, Nga có thể xát muối vào vết thương của kẻ thù bằng màn chuyển giao S-400 hào nhoáng như một show diễn.
Nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa thỏa thuận vũ khí với Moscow, chắc chắn điều đó sẽ làm phức tạp mối quan hệ giữa hai đồng minh.
Mỹ rõ ràng đang gặp ác mộng với viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phá vỡ quan hệ với NATO - như Pháp từng làm dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle năm 1966 - và đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, giấc mơ lâu đời của Nga đang trên đường trở thành hiện thực: Các eo biển ở Biển Đen bao gồm Bosporus và Dardanelles sẽ không còn bị NATO kiểm soát khi chính quyền Erdogan trở thành một đối tác gần gũi với Nga, độc lập với Mỹ.
Cứu cánh của Tổng thống Erdogan
Các bộ phận S-400 được Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay.
Thổ Nhĩ Kỳ đang trên bờ vực khủng hoảng kinh tế. Ngay cả các biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng của Mỹ để trả đũa S-400 và việc EU gây áp lực đối với hoạt động thăm dò khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của Síp - có thể tạo ra cú hích cuối cùng làm sụp đổ hệ thống tài chính Thổ Nhĩ Kỳ và khiến cho triển vọng chính trị của ông Erdogan tan vỡ.
Những khó khăn về kinh tế và tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên tồi tệ hơn, uy tín của Tổng thống Erdogan trên đà giảm xuống. Nhưng một cuộc xung đột công khai với Washington có thể là biện pháp hữu hiệu làm thay đổi điều đó.
Điều này xuất phát từ thái độ chống Mỹ tăng cao trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ: có tới 80% dân số tin rằng Mỹ đang đe dọa đất nước họ, trong khi chỉ có 44% cảm thấy như vậy với Nga. Có tới 45% người Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận mua S-400 - bao gồm cả lực lượng đối lập chính của đất nước.
Tổng thống Erdogan rõ ràng đang đặt cược rằng Mỹ sẽ không dám áp dụng các biện pháp trừng phạt làm tê liệt Thổ Nhĩ Kỳ khiến Washington đánh mất một đồng minh quan trọng - cũng như không phá vỡ kế hoạch sản xuất F-35 sẽ làm tăng thêm chi phí của dự án.
Nhà Trắng không muốn đưa ra một lệnh trừng phạt nghiêm trọng đối với Tổng thống Erdogan, nhưng những tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể có cả F-35.
Lầu Năm Góc kiên quyết phản đối và Quốc hội Mỹ sẽ ngăn chặn điều này, cho dù Tổng thống Trump có muốn hay không.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan cũng hiểu rằng Nga không thể thay thế phương Tây trong nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn có những bất đồng khó hiểu về các vấn đề khu vực. Mới đây, vào ngày 28/6, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã giáng một đòn mạnh vào quân đội Chính phủ Syria ở phía tây bắc của đất nước và không chấp nhận một chiến dịch lấy lại thành trì cuối cùng của phe đối lập ở Idlib.
Do đó, dù có bán S-400, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ cần phải thận trọng với mối quan hệ trong tương lai, chuyên gia Pavel Felgenhauer nhấn mạnh.