Tướng Khương: 1 công an phải rút kinh nghiệm vì cho thuê nhà vi phạm vỉa hè

Hoàng Đan |

"Khi phát hiện vấn đề liên quan đến địa bàn nào thì trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch các phường...", tướng Khương nói.

Đề xuất lắp đặt barie trên vỉa hè để ngăn xe máy

Sáng nay, kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội đã tiến hành phiên họp chất vấn, tái chất vấn, trả lời chất vấn với nhiều vấn đề nóng liên quan đến quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) đã đặt vấn đề trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, sau chiến dịch ra quân rầm rộ hồi đầu năm.

Chất vấn về lĩnh vực giao thông, đại biểu Nguyễn Huy Được cho hay ông nhiều lần giật mình khi đi bộ trên vỉa hè và bị xe máy từ đâu phi lên bóp còi inh ỏi. Ông ví von lòng đường như con sông, xe cộ như tàu bè, còn vỉa hè là bờ, nhiều khi người đi bộ đang đi "trên bờ" thì bị xe máy tràn lên như nước vỡ bờ".

Vị này đề xuất việc lắp đặt barie trên vỉa hè để ngăn xe máy, tạo điều kiện cho người đi bộ.

Trả lời câu hỏi về vấn đề lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong gần 9 tháng triển khai kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, công cộng, nhất là lòng đường, hè phố đã có chuyển biến rất tích cực.

Tuy vậy, tướng Khương thừa nhận, nhiệm vụ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của kế hoạch cũng như kỳ vọng của cử tri, nhân dân thành phố...

Liên quan đến việc xử lý đối với các cán bộ có trách nhiệm đến nhiệm vụ này, tướng Khương thông tin: "Cho đến nay, Ban chỉ đạo 197 chưa nhận được báo cáo xử lý cán bộ nào liên quan đến nhiệm vụ này.

Chúng tôi kiến nghị đây là tổ chức của thành phố, nhưng chỉ là kiêm nhiệm nên khi phát hiện vấn đề liên quan đến địa bàn nào thì trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch các phường...".

Về công an TP, theo tướng Khương, qua báo chí, phát hiện của quận, huyện, thị xã cũng có 1 trường hợp ở Hoàng Mai, liên quan đến quán kinh doanh vi phạm về lề đường, hè phố.

"Nhưng khi kiểm tra thì đây là nhà của một cán bộ công an cho thuê chứ cũng không trực tiếp tham gia nên chúng tôi chỉ yêu cầu phải có rút kinh nghiệm với chủ thuê nhà và cũng yêu cầu, nếu tiếp tục có sai phạm thì xóa hợp đồng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an", tướng Khương nêu rõ.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, theo phân cấp thì việc quản lý vỉa hè thuộc quận huyện, việc quản lý lòng đường thuộc Sở. 

Tướng Khương: 1 công an phải rút kinh nghiệm với chủ thuê nhà vi phạm vỉa hè - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Viện.

Cơ sở pháp lý là Luật Giao thông đường bộ và Thông tư của Bộ Xây dựng về quản lý đường đô thị. Trong đó vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện giao thông. 

Luật cũng cho phép được sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm giao thông tĩnh (đỗ xe). Đối với việc cấp phép vỉa hè thì tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ. 

Với tuyến đường 1 chiều phải có diện tích 7,5 m trở lên mới cho đỗ xe, 2 chiều là 10,5 m mới cho đỗ xe 1 bên, với tuyến đường hai chiều lớn hơn 14,5 m mới cho đỗ xe 2 bên.

"Tuy nhiên việc cấp phép dẫu có đúng quy định, nhưng việc thực hiện lại có những bất cập nên xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường", ông Viện nói.

"Thanh tra xây dựng biết hết"

Trước đó, ĐB Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) đã đặt câu hỏi về trách nhiệm các cơ quan quản lý khi để tồn tại nhiều công trình vi phạm kéo dài, phát sinh vi phạm mới chưa được xử lý.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng xác định đây là những vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, rất khó giải quyết triệt để.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết mặc dù hy vọng sẽ giải quyết triệt để nhưng trên thực tế những tồn đọng vẫn còn kéo dài, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, giải pháp quy hoạch cấp phép xây dựng…

"Đối với 300-400 trường hợp phát sinh mới trong năm 2017 (trong đó có hơn 200 trường hợp đất nông nghiệp), đã có 50% đã có kết luận cưỡng chế thì sẽ kiên quyết thực hiện.

Như vậy chúng ta cần giải quyết ngay các trường hợp của 2017 chứ không để đến 2018, phấn đấu nếu có đủ điều kiện thực hiện sẽ giải quyết nốt 345 trường hợp trong năm 2017", Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, bên cạnh vi phạm cũ, các địa bàn vẫn để xẩy ra vi phạm mới với gần 2.000 công trình. Hiện các vi phạm mới đều đã có phương án xử lý gửi cho chính quyền địa phương, phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm 2018.

"Cứ bảo không biết chứ thanh tra xây dựng biết hết, tai mắt khắp nơi, nên đã kiểm tra 100% công trình, có ngày giờ, địa điểm kiểm tra để quy trách nhiệm", ông Lê Văn Dục nói.

Tuy nhiên, ông cho hay, bên cạnh vi phạm cũ, các địa bàn vẫn để xẩy ra vi phạm mới với gần 2.000 công trình. Hiện các vi phạm mới đều đã có phương án xử lý gửi cho chính quyền địa phương, phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm 2018.

Đối với 130 công trình vi phạm tồn tại, Sở sẽ tiếp tục phối hợp địa phương xử lý.

"Không để xảy ra vi phạm quá sâu, quá khó giải quyết gây bức xúc như các dự án của Đại Thanh, TSQ (Hà Đông), Alaska", ông Dục nhấn mạnh.

>> Xem thêm clip: Hình ảnh mới nhất của công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM (nguồn: VTC News)

Hình ảnh mới nhất của công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại