Trần Lập: Rất hiền nhưng đừng để anh phải cáu!

Thụy Oanh |

Trần Lập bảo anh không không lãng mạn hão, không ga lăng rởm; cuồng nhiệt nhưng không điên rồ; tình cảm nhưng cũng không vô bờ bến; biết kiên nhẫn nhưng không ưa chờ đợi; biết tha thứ, biết quên nhưng cũng rất dễ “ngã lòng”.

Bạn hình dung thế nào về một chàng Rocker? - Hầm hố, xăm trổ, lầm lì mà dữ dội,… Trần Lập là một ví dụ điển hình.

Xuất hiện ở The Voice, Trần Lập khiến nhiều khán giả yêu mến anh “phát cáu” vì sự kiệm lời và đôi khi “lành quá mức”, trong khi các đối thủ của anh dùng đủ lời hoa mĩ để “giành giật” thí sinh tốt về đội của mình.

Ngay cả khi dư luận ầm ầm “ném đá” các quyết định “dùng người” của anh, Trần Lập vẫn im re. Vậy chứ Trần Lập cũng ghê gớm lắm. Khi đã “cáu tiết” lên rồi, anh sẵn sàng “đáp trả” đối phương bằng những lời “có gang có thép”!

Rock là 12 năm tuổi trẻ

Trần Lập sinh năm 1974 ở Hà Nội nhưng gốc gác quê nội lại ở Vụ Bản – Nam Định, quê ngoại ở Thanh Hóa. Là con út trong một gia đình nghèo lại đông người, thuở nhỏ, Trần Lập rất nhút nhát nhưng lại vô cùng nghịch ngợm.

Anh kể: “Hồi đó nhỏ dại quá, tôi ít tự cảm nhận được mối quan tâm đầy đủ của người lớn và chỉ thấy mình chỉ như là một đứa trẻ đơn độc trong cái thế giới vô khối trò nghịch ngợm.

Trong thế giới riêng của mình, có lẽ tôi cũng mơ mộng nhiều hơn những đứa trẻ khác quanh đó, chỉ có điều không có một giấc mơ nào báo trước rằng sau này tôi sẽ trở thành một ca sĩ nhạc Rock hay gì đó tương tự như vậy.”

Trần Lập sinh năm 1974 ở Hà Nội nhưng gốc gác quê nội lại ở Vụ Bản – Nam Định, quê ngoại ở Thanh Hóa. Là con út trong một gia đình nghèo lại đông người, thuở nhỏ, Trần Lập rất nhút nhát nhưng lại vô cùng nghịch ngợm.

Sự nghèo khó của gia đình dường như luôn là nỗi ám ảnh lớn với cậu bé Trần Lập khi đó. Mỗi khi đến lớp, cậu luôn bị đám bạn lớn tuổi bắt nạt. Bởi thế, mỗi khi ba mẹ đi vắng, Cậu lại bị nhốt trong ngôi nhà vắng lặng.

Sau một cánh cửa gỗ và những song sắt lạnh lùng, cậu bé lại gào to những bài hát phát ra từ chiếc loa Liên Xô cũ của bố.

Có lẽ, đó là dấu mốc đầu tiên đưa Trần Lập đến với âm nhạc. Nghe thì có vẻ hơi ngô nghê nhưng vô cùng quan trọng với sự nghiệp của anh sau này.

Không chỉ yêu nhạc, Trần Lập còn mê vẽ tranh và mê đọc sách vô cùng. Do điều kiện kinh tế gia đình không đủ, Trần Lập không được đến Cung thiếu nhi (nơi mà cậu vô cùng ao ước được đến như bạn bè đồng trang lứa cùng khu phố).

Cậu bé đành gom những ống bơ, mẩu nhựa, giấy vụn về thuê truyện đọc. "Đôi khi tôi bỗng thấy bị cuốn hút một cách kỳ lạ đối với những gì diễn ra ngoài ngôi nhà thân thuộc và ngôi trường của mình”- Trần Lập kể.

Những năm đầu thập niên 20 của thế kỉ trước, mẹ Trần Lập bệnh nặng. Trong lúc đó, sức khỏe của cha anh cũng suy yếu nhiều, các anh chị đều đi làm ăn xa hoặc đã lập gia đình.

Học xong phổ thông, cậu thanh niên Trần Lập khi đó phải xin đi làm thêm đủ thứ việc để đỡ đần ba mẹ.


Không chỉ yêu nhạc, Trần Lập còn mê vẽ tranh và mê đọc sách vô cùng.

Không chỉ yêu nhạc, Trần Lập còn mê vẽ tranh và mê đọc sách vô cùng.

Từ bán quẩy nóng cho các quán phở đến việc dán mành lốp xe thồ ban đêm, thợ đột máy cóc cơ khí,... Lập đều trải qua tất cả. Mỗi khi quá mệt, Trần Lập lại hát lên cho vơi nỗi nhọc nhằn. Những ngày khốn khó đó thực sự đáng nhớ với anh.

Bên cạnh việc đi làm, Lập ôn thi và đậu vào trường Nghệ thuật Hà nội khoa sân khấu.

Cái duyên âm nhạc chỉ thực sự đến với anh khi một lần cùng bạn bè đi chơi trong một tụ điểm ca nhạc, Trần Lập liều mình hát thử và được mời vào ban nhạc với cát – xê mỗi tối 10.000 đồng.

Sau hôm đó, Trần Lập quyết tâm thi vào Nhạc viện Hà Nội và theo học lớp của thầy Trần Hiếu. Ngày đi học, tối đi hát ở các tụ điểm ở Hà Nội, Trần Lập vừa đỡ đần được cha mẹ ít nhiều, vừa có tiền nộp học.

Có lẽ, âm nhạc đến với anh đầu tiên từ kế sinh nhai. Nhưng sau này thì ngược lại...

Khi tôi hỏi Lập, Rock với anh là gì, anh điềm tĩnh trả lời: “Rock với tôi là 12 năm tuổi trẻ và nhiều năm tiếp theo nữa. Đó, bạn cắt nghĩa đi”.

Và tôi hiểu rằng, 12 năm đó là 12 năm anh gắn liền với Bức Tường - ban nhạc tiên phong mở đầu cho trào lưu chơi nhạc Rock ở Việt Nam.

Nhắc lại quãng thời gian đó, Trần Lập không khỏi bồi hồi: “Nhắc tới Bức Tường, với tôi vẫn luôn có một xúc cảm còn y nguyên. Hình như nó lớn lao hơn cảm xúc của cá nhân tôi đấy, nó còn là cảm xúc của những thế hệ khán giả đã yêu Bức Tường.

Nói về tính cách của bản thân, Trần Lập bảo anh không không lãng mạn hão, không ga lăng rởm; cuồng nhiệt nhưng không điên rồ; tình cảm nhưng cũng không vô bờ bến; biết kiên nhẫn nhưng không ưa chờ đợi; biết tha thứ, biết quên nhưng cũng rất dễ “ngã lòng”.

Bạn thấy đấy, cho dù chỉ là một khoảnh khắc, mỗi khi ca khúc của Bức Tường vang lên trên các sân vận động với hàng chục ngàn khán giả thế hệ mới, nó vẫn sống như chúng tôi từng khao khát như thế.

Tôi vẫn còn đứng bên các sân khấu lớn, hình ảnh những đêm diễn ngay hiện tại đôi khi cũng làm tôi nhớ về những khoảnh khắc thời Bức Tường.

Bước vào lứa tuổi trầm hơn, nhìn những band trẻ, hăng hái, đầy nhiệt hu‎yết, đầy tự tin tôi thấy họ cũng đã dần trưởng thành hơn rất nhiều và mọi thứ đang dần thuộc về họ, họ sẽ có thời huy hoàng”.

Quãng thời gian Bức Tường tạm ngừng hoạt động, Trần Lập buồn nhiều lắm. Nhưng anh cũng tự động viên mình: “Biết làm sao được khi mà không có gì là mãi mãi”. Cái gì cũng chỉ có một thời khắc, một đỉnh cao.

Ta chẳng thể nào đứng ở đó mãi được. Anh bảo: “Tôi hiếm khi rơi vào trạng thái gặm nhấm quá khứ, đôi khi mơ ngủ thôi. Kỷ niệm thì chúng tôi vẫn ôn với nhau mỗi lần gặp mặt, 26/3 hàng năm chúng tôi bao giờ cũng có party kỷ niệm Ngày Bức Tường.”

Cuồng nhiệt nhưng không điên rồ

Hồi mới làm việc với Trần Lập, tôi rất e ngại mỗi khi phỏng vấn anh bởi sự thẳng thắn, đôi khi nóng nảy và… hơi cực đoan (tôi biết chắc anh sẽ lại giận điên người khi đọc được câu nhận xét này). Trần Lập không bao giờ chiều ý người nói chuyện.

Anh sẵn sàng phản bác lại quan điểm và tỏ ra giận giữ nếu sửa dù chỉ một câu trong bài trả lời phỏng vấn anh. Tôi luôn luôn thận trọng mỗi khi đặt cho Trần Lập một câu hỏi phản biện nào.

Trong một cuộc nói chuyện khá dễ chịu, tôi hỏi Lập: Nhạc của các anh viết quá nhiều về tình yêu trai gái, cuộc sống và giảm luôn cả sự cuồng nộ, dữ dội của rock, phản chăng là để lấy lòng khán giả? Lập nhíu mày giận dữ “đáp trả”:

“Tôi không đồng tình với quan điểm này! Rock là sự phản ánh hiện thực, sự phơi bày cảm xúc. Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, một quan niệm sống khác nhau.

Có người khi đau đớn, khi tức giận thì gào khóc, nên âm nhạc của họ có thể mang “chất đập phá”.

Bức Tường thì khác, sự đau đớn là nội tâm hay sự cáu giận cần sự điềm tĩnh mà chỉ trút thịnh nộ vào lúc cần thiết mà thôi.

Chính vậy âm nhạc trong sự sáng tạo của chúng tôi luôn mạch lạc và không “trưng trổ” lên gân lên cốt. Ai cũng cần có khán giả, đó là khát khao chính đáng của người nghệ sĩ .

Những kẻ xấu bụng hoặc hẹp hòi và kém hiểu biết thì đâu phân biệt nổi khái niệm “lấy khán giả” và “câu khán giả” mà đòi nhận xét chúng tôi. Bỏ qua đi bạn ơi”

Nhưng cũng có những câu hỏi “khó chịu” đến mức Trần Lập từ chối trả lời và bảo tôi: “Nó rất “ABC” đến mức không cần giải thích” hoặc thậm chí nhắn tin cho tôi:“Đừng bao giờ phỏng vấn anh nữa!”

Nói vậy nhưng Trần Lập cũng dễ quên (hoặc dễ tha thứ?!) bởi khi nào cần đến, chúng tôi lại làm việc với nhau như thường. Tôi biết điểm yếu của mấy ông chơi Rock là dữ dội nhưng mặt khác lại vô cùng tình cảm và có thể là… dễ quên nữa.

Trần Lập rất ghét đi máy bay nhưng lại yêu những chiếc mô tô phân khối lớn. Đợt này anh đang ở Sài Gòn để ghi hình và tập luyện cho các thí sinh The Voice. Thỉnh thoảng rảnh ra là anh lại phi moto lên Đà Lạt cho khỏa chí.

Tôi hỏi Lập: Rock và xe phân khối lớn có liên quan gì không vậy? Anh cười lớn trả lời: “Rock chẳng thể dễ diễn tả sức hấp dẫn như bạn mê tít một chiếc xe có động cơ khủng long.

Càng chẳng thể tả kiểu như mấy anh “nhặt lá đá ông bơ” ra một bài “cóc cụ” được đâu.

Muốn khám phá nó thì bạn phải tự tìm nó và để nó thâm nhập và …sống với nó cho đến lúc rũ người ra – lúc đó bạn mới thật sự yêu nó”.

Khi tôi chia sẻ cảm nhận của mình về các rocker, rằng đa phần đều rất cực đoan, Trần Lập bảo: “Điều này chỉ đúng với một số thành phần nào đó thôi.

Khách quan thì nguồn gốc của sự cực đoan ấy nó đi từ tình yêu rock mà ra nhưng đáng tiếc là có khá nhiều người lại không có thái độ tích cực và nhìn nhận thế giới quan bằng tầm mắt hạn chế.

Sự cực đoan khó mà tránh khỏi nhưng tôi nghĩ rồi nó sẽ bớt dần đi khi họ được đi nhiều, được gặp nhiều và được va chạm nhiều. “Bo bo” tư tưởng loanh quanh “bờ ao” thì không thể phát triển được đâu”.

Nói về tính cách của bản thân, Trần Lập bảo anh không không lãng mạn hão, không ga lăng rởm; cuồng nhiệt nhưng không điên rồ; tình cảm nhưng cũng không vô bờ bến; biết kiên nhẫn nhưng không ưa chờ đợi; biết tha thứ, biết quên nhưng cũng rất dễ “ngã lòng”.

Có một điều “khó chịu” nhất ở Trần Lập mà tôi không thích là chuyện anh “giấu tiệt vợ con”. Nhưng với bản tính của anh, tôi biết Trần Lập muốn giữ một khoảng trời riêng cho gia đình của mình, nơi ngôi nhà mà anh cảm thấy bình yên nhất khi trở về.

Vậy nên đừng cố hỏi Trần Lập về chuyện ấy . Đừng để anh cáu, nếu không thì bạn sẽ… biết tay!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại