Số phận kỳ quặc của nghệ sĩ Anh Vũ

Nguyễn Hương |

Nếu danh hài Hoài Linh có những sở thích kỳ quặc, thậm chí rùng rợn thì nghệ sĩ Anh Vũ cũng có những điều kỳ quặc thuộc về sự sắp đặt của định mệnh trong cuộc đời mình.

Chết mê chết mệt cải lương nhưng luôn muốn trở thành một ca sĩ. Dự định theo sư phạm rồi bất ngờ rẽ sang làm sân khấu. Cực thích bi kịch nhưng cứ mỗi lần lên diễn khán giả lại cười rần rần...

Đó là đôi nét về số phận kỳ quặc trên con đường làm nghệ thuật của nghệ sĩ hài Anh Vũ.

Lén đi bán vé số, bánh tráng để có tiền coi hát

Nghệ sĩ Anh Vũ sinh năm 1972, là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em. Ba anh là công nhân đội công trình thủy, mẹ bán trái cây. Anh bảo, do xuất thân trong một gia đình lao động nghèo nên anh lớn lên trong sự vất vả.

Trong trí nhớ của Anh Vũ, tuổi thơ anh gắn với những buổi chiều ra chợ phụ mẹ bán trái cây. Mà khổ nỗi vì mê cải lương quá nên mẹ "trả công" bằng số tiền đủ mua một tấm vé vào cửa cho con nít coi kịch.


Nghệ sĩ Anh Vũ.

Nghệ sĩ Anh Vũ.

Cứ bán hàng xong, Anh Vũ lại bê cái ghế sắt của mẹ ngồi bán trái cây chạy tới rạp... xí chỗ, để không bị mỏi cổ, mỏi chân, mỏi người. Mẹ thương con, cũng cứ cho tiền hoài.

Nhưng lúc đó, gia đình còn khó khăn nên mẹ không thể cứ cho tiền mãi để Anh Vũ coi đi coi lại một vở tới mười mấy, hai chục lần được.

Thế là Anh Vũ lén ba mẹ đi bán vé số, bán bánh tráng lấy tiền mua vé coi kịch. Rồi tiền cũng không đủ coi kịch. Có lần, Anh Vũ lén lấy cắp tiền của mẹ chỉ để mua một cái vé cho con nít vô coi kịch, thế là bị ba uýnh đòn.

Anh Vũ kể: "Đêm nào Vũ cũng coi, có những hôm mẹ phải chờ Anh Vũ về, mẹ thức tới khuya, mà 6h sáng mẹ phải đi bán trái cây rồi, còn Anh Vũ thì phải đi học. Ba giận, ba đánh đòn. Ba la mẹ. Ba bảo "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".

Ấy thế mà, Anh Vũ cũng không sao bỏ được kịch. Anh coi đi coi lại, nhiều tới mức thuộc từng vai diễn. Sau này, Anh Vũ vẫn mê cải lương nhưng ít hơn. Anh chuyển sang mê kịch Kim Cương, kịch Bông Hồng.

Theo lời Anh Vũ thì chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ theo nghề diễn viên. Anh bảo "Vũ tuy mê kịch nhưng không ước mơ mình sẽ trở thành nghệ sĩ kịch. Tréo ngoe vậy đó".

Khi gia đình có điều kiện chút, Anh Vũ đi học thanh nhạc vì muốn trở thành ca sĩ. Anh học cô Thanh Trì ở đoàn Bông Sen. Nhưng cô bảo, giọng anh ngọng mà đớt nên không thể làm ca sĩ được.

Anh buồn quá, vì hồi đó, anh là fan ruột của ca sĩ Châu Tuấn, Lê Tuấn, Nhã Phương, Ngọc Bích... Sáng chủ nhật nào, anh cũng chở em gái trên chiếc xe đạp lên nhà hát Hòa Bình coi ca nhạc.

Từ khi cô Thanh Trì nói vậy, anh bỏ ước mơ làm nghệ sĩ luôn vì nghĩ mình không có duyên, không có năng khiếu.

Anh Vũ nuôi một dự định khác, theo nghề sư phạm, làm thầy giáo. Ngày ấy, Anh Vũ học giỏi văn lắm. Anh đã từng đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc năm cấp 3, dù không đoạt giải.

Anh bảo, mấy người giỏi văn thì toán lại dốt. Thế nhưng may làm sao, thi tốt nghiệp anh lại được tới 26.5 điểm. Số điểm đó giúp anh tự tin với dự định đăng ký thi sư phạm.

Làm hài vì diễn bi... khán giả cười rần rần!

Cũng như nhiều người, vào cái tuổi ấy, anh cũng biết yêu đương, biết tiêu sài nên anh làm đủ nghề vừa để có tiền chi tiêu riêng, vừa để phụ giúp sinh hoạt gia đình. Anh đã từng phụ ba làm nghề sơn sắt, kế toán, bưng nước trong quán bar...

Dự định thi sư phạm nhưng rồi bất ngờ anh bước chân vào con đường nghệ thuật từ một lời "rủ rê" của cậu bạn.

Số là, khi ấy, Anh Vũ đang bồi bàn trong quán bar vào buổi tối nên ban ngày rảnh. Đúng thời gian này, sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần mở lớp đào tạo và bồi dưỡng diên viên trẻ khóa đầu tiên và cũng là khóa duy nhất.

Anh Vũ lén ba thi. Đậu. Anh lại lén ba đi học vì ba anh luôn coi làm nghệ thuật là cái nghề "sướng ca vô loài". Chỉ có mẹ anh thì cho rằng, chỉ cần con thích là mẹ đồng ý. Năm ấy, ba anh làm đối diện sân khấu 5B bên Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nên ba anh "me" hoài.

Thế nhưng tháng nào cũng thế, mẹ anh lại gói ghém cho con đi học lớp đào tạo diễn viên trẻ của sân khấu kịch 5B. Mỗi tháng 50.000 đồng.

Dù vậy, anh bảo: "Tôi xác định học chơi, học cho vui, cho thỏa sở thích của mình thôi, chứ không hề nghĩ rằng lại theo nghề diễn và nghề lại vận vào mình đâu".

Khóa học năm đó gồm 2 lớp. Một lớp dành cho những người đã từng học sân khấu, gọi là lớp bồi dưỡng. Một lớp dành cho những người chưa biết gì về sân khấu như Anh Vũ gọi là lớp đào tạo.

Trong số những người học chung lớp đào tạo với Anh Vũ khi đó, giờ chỉ còn Anh Vũ theo nghề. Còn lớp bồi dưỡng có Hương Giang, Hoàng Trinh, Mai Hoa, Minh Trí...

Thời gian đó, cứ sáng trả bài cho thầy, trưa tập tiểu phẩm, tối coi các anh chị diễn để học nghề. Thế nên Anh Vũ không đi làm nữa. Anh Vũ bị sân khấu cuốn hút. Anh đặc biệt thích bi kịch.

Thế nhưng suốt 6 tháng đầu, mỗi lần trả bài cho thầy, Anh Vũ đều bị điểm yếu và kém. Chưa bao giờ được trung bình.

Cho đến bây giờ, Anh Vũ vẫn bảo, ơn Hồng Vân vì những ngày đầu và lúc khó khăn, chị đều giúp đỡ anh.
Cho đến bây giờ, Anh Vũ vẫn bảo, ơn Hồng Vân vì những ngày đầu và lúc khó khăn, chị đều giúp đỡ anh.

Lý do là vì anh toàn chọn bi kịch, nhưng anh cứ vừa lên sân khấu là cả thầy và các bạn đều cười rần rần. "Đang vô bi kịch mà cười vậy, phá mất không gian bi kịch, trở thành hài kịch. Hư hết nên Vũ toàn điểm yếu kém", nghệ sĩ Anh Vũ nói.

Những người làm chung với Anh Vũ cũng bị rớt theo anh luôn. Lúc đầu, tuyển Anh Vũ, các thầy bảo muốn đưa Anh Vũ vào làm kép đẹp nhưng mặt Anh Vũ kỳ quá, không làm kép được.

Cố NSƯT Văn Thành là người dạy Anh Vũ lúc đó. Ông bảo "mặt con kỳ quá Vũ ơi. Cười cũng như mếu, khóc cũng như cười. Mặt con rất lạ. Thôi bây giờ con đừng làm bi kịch nữa, chuyển qua làm hài kịch trả bài cho thầy đi".

Lúc đó, cố NSƯT Văn Thành đưa Anh Vũ chuyện cười dân gian "Hâm nước mắm" để anh dựng tiểu phẩm trả bài. Không ngờ "phép thử" này quá thành công. Anh Vũ từ một học sinh yếu kém trở thành học sinh khá trong lớp.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, nghệ sĩ Anh Vũ kể: "Lần đầu tiên, sau hơn 6 tháng trời, được thầy xếp vào hạng khá ở lớp, Vũ vui lắm. Vũ định nghỉ rồi, vì nghĩ không có duyên với nghề. Thầy kêu làm hài cũng chỉ tính làm thử thôi, không được thì nghỉ luôn. Ai dè thành công".

Và cũng từ đó, mỗi lần trả bài cho thầy, Anh Vũ chỉ làm hài. Anh "chuộc lỗi" với bạn bằng những vai hài rất duyên khiến bài tập của họ cũng đều loại khá loại tốt hết.

Từng bị gắn mác "Việt Anh con"

Sau đó, NSƯT Việt Anh nhận lớp. Bình thường, các thầy cô sẽ dạy đều các lĩnh vực nhưng NSƯT Việt Anh thấy Anh Vũ có năng khiếu về hài nên đặc biệt dạy riêng hài cho anh.

Ngoài dạy chính kịch, phân tích hành động tâm lý, hình thể, NSƯT Việt Anh chỉ riêng cho Anh Vũ lối diễn hài thế nào để Anh Vũ phát huy cái hài của mình. Thời điểm đó, Anh Vũ bị ảnh hưởng NSƯT Việt Anh rất nhiều.

Thậm chí, khi diễn hài, Anh Vũ giống Việt Anh từ cái nhăn mặt, nhíu mày. Đến mức mọi người gọi Anh Vũ là "Việt Anh con". Anh Vũ bảo "Học trò mà, làm sao bằng thầy được. Mình chỉ là cái bóng mập mờ của thầy mình thôi".

Nhưng Anh Vũ kệ, anh nghĩ cứ học đi, ai cười thì cười, nói mình là "Việt Anh con" cũng được. Mình cứ học cách phát huy, phát triển hài đã, khi nào mình đầy đủ bản lĩnh mình sẽ thoát khỏi cái bóng của thầy.

Rõ ràng, sau này khi Anh Vũ ra diễn, Anh Vũ đã dần dần thoát khỏi cái bóng của NSƯT Việt Anh. Bây giờ, Anh Vũ có lối diễn riêng biệt, không có bóng ai trong đó.

Anh Vũ bảo nghề này giống như nghề bắt chước. Bắt chước sao cho khéo, cho giỏi. Lấy cái của người ta và cái của mình, trộn lẫn để ra cái riêng biệt của mình.

Nói vậy để thấy Anh Vũ rất chịu khó học lóm. Đêm nào anh cũng coi kịch ở 5B. Chấp nhận làm soát vé để được xem các anh chị, tiền bối diễn. Anh thuộc hết các vai diễn của các anh chị.

Anh bảo "Vũ không được đào tạo bài bản ở sân khấu nên học theo kiểu truyền nghề là chính". Anh Vũ để ý, tại sao các anh chị nói câu này, khán giả lại cười, câu khác khán giả cười... để học lấy kinh nghiệm cho mình.

Ảnh: Châu Nguyễn
Ảnh: Châu Nguyễn

Nhờ chăm chỉ học nghề, chịu khó học nghề từ những người đi trước, và trên hết là nhờ cái duyên với sân khấu nên Anh Vũ tốt nghiệp khóa đào tạo đạt loại học sinh giỏi của lớp.

Vở diễn đầu tiên khi ra trường của Anh Vũ là "Mùa hạ cuối cùng". Anh Vũ đóng vai Thời, con của Tú Lệ. Đi đâu cũng được mẹ cho ăn trứng ngỗng vì rất ngu. Và đó là vở diễn truyền hình đầu tiên của Anh Vũ đã để lại nhiều dấu ấn cho công chúng.

Sau này, vai chính đầu tiên của Anh Vũ là "Đi tìm những gì đã mất", tác giả Lê Hoàng, đạo diễn, cố nghệ sĩ Kim Cúc. Với vai ông già mất niềm vui trong vở diễn này, anh được báo chí khen là diễn viên trẻ có triển vọng của TP.HCM.

Ngày xưa, giáo viên dạy thanh nhạc cho Anh Vũ từng nói: "Cái giọng của con kỳ quá Vũ ơi! Con ráng luyện nha, kẻo khó làm nghệ sĩ".

Không ai có thể ngờ (ngay chính Anh Vũ cũng vậy), cái giọng ngọng và đớt đớt ấy lại đưa Anh Vũ đến với hài và khiến anh có được thành công như ngày hôm nay.

Bây giờ, không cần nhìn màn hình, không cần nhìn lên sân khấu, chỉ cần Anh Vũ cất tiếng lên là mọi người biết Anh Vũ rồi. Họ nhớ anh với "chất giọng đặc trưng đớt đớt, ngọng, lưỡi đầy đầy" như lời anh nói!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại