Nhận hàng bao tải thư
5 tuổi, lần đầu tiên tôi được đặt chân vào rạp chiếu bóng. Cái thời tivi còn phải đi xem nhờ nhà hàng xóm, tàu chạy vài ngày mới đến Sài Gòn thì đó là cả một sự xa xỉ.
Tôi không nhớ ngày đó mình đã được xem phim gì, chỉ nhớ Việt Trinh, người có trong bức ảnh được dán trên tường nhà hàng xóm. Điều đáng nói là bức ảnh đó được nâng niu mang về khi bà chị cạnh nhà bị mẹ sai ra chợ mua rau.
Vậy mới thấy độ nổi tiếng của Việt Trinh thời bấy giờ, hình ảnh của cô lúc nào cũng nhan nhản khắp phố. Công chúng yêu Việt Trinh, yêu cả tài lẫn sắc.
Mà tình yêu hồi đó lạ lắm, chung thủy và son sắc đến sợ. Nếu như bây giờ, khán giả dễ dàng thần tượng hay quay lưng lại với nghệ sĩ thì xưa làm gì có chuyện đó.
Nay Việt Trinh đóng phim này hay, mai cô đóng phim kia chán, khán giả vẫn thương.
Tất nhiên cũng chẳng có chuyện mù quáng đến độ nói dở thành hay, họ nhìn nhận rất công tâm và viết cho cô một bức thư với lời lẽ chân thành như người chị trong nhà dặn dò em gái.
“Phim này coi Việt Trinh đóng không hay bằng phim trước nhưng chị vẫn yêu thương Việt Trinh và hy vọng Việt Trinh có những phim sau tốt hơn”, chỉ vài dòng vậy thôi cũng đủ để người nghệ sĩ bật khóc vì xúc động.
Ở cái thời internet còn là một thứ xa lạ thì cách bày tỏ tình cảm duy nhất của chúng tôi ngày ấy là viết thư tay. Việt Trinh được yêu lắm, thế nên chuyện nhà cô nhận hàng bao tải thư cũng là bình thường.
Người nào trót viết thư cho Việt Trinh rồi, ngày ngày cứ thấp thoáng thấy dáng bác đưa thư đạp xe lướt qua đầu xóm cũng háo hức chạy ra đứng ngóng.
Nhưng nghệ sĩ bận rộn, tình cảm khán giả lại nhiều nên chuyện gửi thư xong cả tháng mới có hồi âm cũng là thường.
Ngày nào cũng hóng thế nhưng khi nhận được thư tay của Việt Trinh rồi, họ lại không tin vào mắt mình, ai cũng vui như Tết. Có người hồi âm lại cho cô cũng chỉ để diễn tả cảm xúc sung sướng khi thấy bác đưa thư gọi đến tên.
Người hâm hộ vừa đuổi theo vừa khóc
Mỗi lần cùng đoàn đi diễn, Việt Trinh lại một lần chìm ngập trong tình cảm của khán giả. Biết cô ở nhà nghỉ nào, họ liền đột kích, xúm đen, xúm đỏ, bỏ cả việc nhà để hy vọng được nhìn thấy nữ diễn viên bằng xương bằng thịt.
Để bảo đảm an toàn cho nhà nghỉ, ban đầu Việt Trinh thường ở yên trong phòng. Thế nhưng, nắng chiếu thẳng xuống đỉnh đầu rồi mà chẳng ai chịu về. Mướt mải mồ hôi nhưng họ chẳng nề hà gì, cứ vừa đứng vừa ngóng.
Người ngoài háo hức bao nhiêu, người bên trong sốt ruột bấy nhiêu. Thấy thương quá, Việt Trinh quyết chào bà con một tiếng dù đứng ở cửa, đội bảo vệ lắc đầu nguầy nguậy. Vừa thấy cô, họ lập tức tràn vào, trèo qua hàng rào để được nắm tay thần tượng.
Để giải tán đám đông, cả đoàn đành đưa Việt Trinh ra xe để di chuyển sang chỗ khác. Vậy mà người ta vẫn đuổi theo, có những đứa trẻ vừa đạp xe với theo vừa khóc, rồi còn thò tay vào xe để mong được cô nắm một cái.
Cũng lần ấy, có bé bị ngã xuống gầm, bánh xe chẹt qua gót chân làm cả đoàn chết khiếp. Họ nhanh chóng đưa em vào bệnh viện để các bác sĩ xếp lại gót chân.
Cứ tưởng gia đình sẽ nổi giận nhưng không, khi Việt Trinh vào thăm bé, người nhà chỉ mỉm cười.
Còn cô gái nhỏ, khi mở mắt thấy Người đẹp Tây Đô chẳng khóc, chẳng một lời than thở cũng chẳng giận hờn, ngay lập tức, em tíu tít trò chuyện như chưa từng có sự cố đáng sợ ấy.
Có bận, cả đoàn đã sửa soạn, lên đồ, trang điểm để di chuyển ra sân khấu nhưng vừa bước ra cửa thì mắc kẹt. Khán giả đứng đông quá, chẳng ai chịu nhường dù chỉ nửa centimet.
Chuẩn bị tới giờ diễn nên cả đoàn quyết ra đại. Các thành viên tạo thành hình tròn để Việt Trinh và Lê Tuấn Anh ở giữa. Song, vừa bước chân ra cửa, hàng rào bảo vệ ấy nhanh chóng bị đánh bật.
Hai nghệ sĩ nổi tiếng bị giằng lui giằng tới, đẩy qua kéo lại tới chừng lên được xe của công an xã cũng là lúc tả tơi, rách rưới. Trở lại chẳng xong, cả Việt Trinh lẫn Lê Tuấn Anh đành mang cái bộ dạng ấy để bước lên sân khấu.
Vậy mà lạ, khán giả chẳng ai thắc mắc. Dường như đối với họ, được thấy các nghệ sĩ vậy là đủ, là hạnh phúc.
Đó, Việt Trinh đã bước qua những ngày như thế, những khoảnh khắc đầy xúc động mà cho đến bây giờ, không phải nghệ sĩ nào cũng có được.
Người đẹp Tây Đô của hiện tại không còn cái hạnh phúc đó nữa. Bây giờ thấy cô trên sân khấu hay đi ngoài phố, công chúng cũng chỉ vài ba cái chỉ trỏ rồi thì thầm: “Việt Trinh kìa” chứ chẳng đến mức khóc thành dòng như ngày xưa nữa.
Nhưng điều đó không làm Việt Trinh thấy chạnh lòng bởi hơn ai hết, cô hiểu người nào cũng chỉ có một thời và khi đã bước được qua từng ấy tình cảm của khán giả, cô đã là người nghệ sĩ hạnh phúc.