Đã sống thử, không được thi hoa hậu

Ban tổ chức (BTC) cuộc thi kiên quyết loại những trường hợp thí sinh sống thử, đã tổ chức lễ cưới nhưng chưa đăng ký kết hoặc có thời gian chung sống như vợ chồng.

Các cuộc thi hoa hậu với mục đích tìm ra những người đại diện cho phụ nữ Việt Nam về trí tuệ lẫn sắc vóc. Chính vì thế, nó được kỳ vọng lớn từ công chúng. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới, cuộc thi hoa hậu lại có sức thu hút như ở Việt Nam, cứ mỗi lần tổ chức là một lần dư luận lại được một phen "sốt xình xịch" bởi nhan sắc, bởi trình độ ứng xử của thí sinh hay ít nhiều lùm xùm xung quanh ngôi vị.

Mạnh tay gác những hồ sơ "yếu"

Mới đây, cuộc thi Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2013 dù đang rục rịch triển khai nhưng đã nhanh chóng tạo "bão" dư luận khi tiết lộ thông tin về quy chế mới của cuộc thi năm nay. Đó là, để tránh xảy ra những tranh cãi không đáng có, ban tổ chức (BTC) cuộc thi kiên quyết loại từ vòng gửi xe những trường hợp thí sinh sống thử, tức là đã tổ chức cưới theo phong tục tập quán truyền thống của dân tộc nhưng chưa đăng ký kết hôn hoặc có thời gian chung sống như vợ chồng.

Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận đặt ra đó chính là việc sàng lọc hồ sơ của BTC có đủ nghiêm túc và khắt khe để đảm bảo đúng quy chế.

Và việc căn cứ về tình trạng hôn nhân của thí sinh qua giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì tương đối dễ dàng, còn để phát hiện thí sinh ấy đã /đang sống thử thì là việc gần như không thể?! Vậy đây có phải là một hình thức răn đe của BTC với các thí sinh là không nên sống thử, cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn là đã đề cao chuyện trinh tiết.

Các cuộc thi hoa hậu là nơi giúp các cô gái thực hiện giấc mơ. (Ảnh minh hoạ)

Chắc hẳn dư luận vẫn chưa thể quên ứng cử viên nặng ký cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 Vương Thu Phương khi cô bất ngờ bị loại trước "giờ G". Nếu khách quan mà nói, cô thừa khả năng để dành được ngôi vị hoa hậu bởi xét về sắc vóc, độ sáng sân khấu và trình độ ứng xử thì Vương Thu Phương nổi bật giữa một dàn thí sinh lấp lánh.

Đã có rất nhiều người kỳ vọng cô là người đẹp đại diện cho toàn thể phụ nữ Việt Nam, nhưng khi cuộc thi đang đến hồi gay cấn, BTC bất ngờ tuyên bố thí sinh này vi phạm quy chế cuộc thi vì thiếu trung thực trong thi cử. Hoá ra, cô thí sinh gốc Hà Nội này đã từng tổ chức cưới và đã sống như vợ chồng với một người đàn ông trước khi tham gia cuộc thi.

Làm sao biết "sống thử"?

Điều đáng nói là ngay sau khi quy chế mới này được BTC đưa ra đã nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Có người đồng tình, ủng hộ nhưng cũng không ít người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của quy chế mới này.

Bi hài hơn, có không ít khán giả còn hiến kế giúp BTC phân biệt được các thí sinh đã qua sống thử chưa bằng cách kiểm tra trinh tiết của các thí sinh.

Theo độc giả V.B.T. (Hà Nội) ý kiến: "Ngoài việc kiểm tra các chỉ số hình thể thì nhất thiết phải có thêm khâu kiểm tra trinh tiết, có như thế mới đảm bảo chọn được những cô gái đẹp vẹn nguyên về cả hình thức lẫn tâm hồn. Cô gái đó có lối sống lành mạnh, vượt qua được những xúc cảm bình thường để hướng tới sự toàn diện".

Tuy nhiên, khi ý kiến của độc giả này được đưa ra, liên tiếp nhận được "phản pháo" từ bạn đọc. Bạn N.H.A. cho rằng: "Ban tổ chức quy định không sống thử, chứ không phải là quy định phải còn trinh tiết. Quan trọng là phẩm chất đạo đức, chứ không phải cái màng mỏng kia. Chẳng lẽ chỉ dựa vào đó để đánh giá một cách hồ đồ về nhân cách và phong cách sống của một con người."

Tỏ ra đồng thuận với ý kiến của N.H.A., độc giả giấu tên khác cũng bày tỏ: "Cụ Nguyễn Du từng bày tỏ "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường". Xã hội công nhận một người con gái đẹp bao gồm nhan sắc và đức hạnh, sự hiểu biết và tâm hồn đẹp. Đức hạnh là sống có văn hóa, nhân văn. Vì vậy không nên nặng nề về "chữ trinh"".

Sau khi đưa ra bảng thăm dò ý kiến của độc giả về việc có hay không nên kiểm tra trinh tiết các thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu hay không, thì có đến 56,1% khán giả tỏ ra đồng thuận với việc các hoa hậu nên giữ gìn trinh tiết.

Vì đây là những gương mặt đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam, cho cả một thế hệ trẻ nên nhất thiết phải đẹp cả nhan sắc lẫn phẩm hạnh.

Với cương vị là một thí sinh từng dự thi hoa hậu, là một người đẹp có danh hiệu, Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan chia sẻ: "Theo tôi, đây là một quy chế dường như là bắt buộc đối với các cuộc thi người đẹp tiền lệ như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt…

Tuy nhiên, đó chỉ là quy chế, còn quan trọng là cách sàng lọc và kiểm tra hồ sơ của BTC không để sơ suất, tránh lọt người mà thôi. Còn vấn đề trinh tiết và sống thử là hai chuyện hoàn toàn tách biệt”.

"Nếu không đủ tâm, tầm thì không nên tham gia"

Chuyện trinh tiết trong xã hội hiện nay đã dần cởi mở, người ta không chỉ đánh giá người phụ nữ căn cứ qua cái ngàn vàng mà còn bằng những gì họ đã và đang làm được cho xã hội. Nói như thế, không hẳn là coi nhẹ trinh tiết, dung túng cho lối sống thiếu lành mạnh như: Sống thử, cưới mà không cần kết hôn. Nhưng khi đưa ra quy chế này, dư luận lại thắc mắc là BTC sẽ làm như thế nào để kịp thời phát hiện được những hồ sơ có vấn đề, hay chỉ đến khi bị báo chí truyền thông phanh phui thì mọi việc mới vỡ lẽ? Thành thử vấn đề vẫn nằm ở bản thân các thí sinh, nếu thấy mình không đủ tâm, đủ tầm thì tốt nhất là không đăng ký tham gia mà thôi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại