3 lý do khiến người Việt "sợ thiền" hơn người Mỹ và câu hỏi chúng ta có thiền được không?

Master Lê Thái Bình - Giám đốc Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt |

Thế gian "sợ thiền" là có lý do, nhưng đã là "người trần mắt thịt" thì ai cũng thiền được. Vì sao?

Thiền là bộ môn mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe được công nhận bởi cả y học truyền thống lẫn hiện đại.

Tuy nhiên, 15 năm nghiên cứu và giảng huấn Thiền, trong nỗ lực đưa Thiền đến gần hơn với cộng đồng để ai cũng có thể tiếp cận - thực hành - nâng cao sức khỏe, tôi đã gặp không ít rào cản, mà chủ yếu trong số đó đến từ tâm lý e ngại, hay nói đúng hơn là "sợ" Thiền từ bộ phận không nhỏ người Việt ta.

Phương Đông là cái nôi của Thiền học, nhưng Thiền lại sớm trở thành bộ môn rèn luyện tinh thần được phổ quát rộng rãi trên hầu hết các nước phát triển  như Mỹ và Phương Tây. Có lẽ bởi, xuất phát từ nền văn hóa cởi mở không rào cản, điều duy nhất họ quan tâm là lợi ích của Thiền dành cho sức khỏe.

Nên tất yếu, ở đó Thiền được công nhận, tạo nên độ phủ thành công và phát triển chính thức như bao bộ môn thể chất - tinh thần khác (Yoga, gym, võ, aerobic...)

Người Việt mình "sợ" thiền bởi rất nhiều lý do...

Cho rằng Thiền là tôn giáo: "Tôi không theo tôn giáo, tôi không thiền"!

Chủ đề tôn giáo khá nhạy cảm bởi sự đa dạng, sự khác biệt và hệ thống triết lý không đồng nhất giữa các nhóm đức tin trong bất kỳ xã hội nào. Nên những gì được "gán mác" tôn giáo thường khó để vượt qua khuôn khổ mà đến gần hơn với đại chúng (tức là phổ biến cho toàn thể cộng đồng).

3 lý do khiến người Việt sợ thiền hơn người Mỹ và câu hỏi chúng ta có thiền được không? - Ảnh 1.

Phật giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam. Khi đi tìm những giáo điều triết lý cho những vấn nạn nhân sinh, người ta thấy Phật giáo cống hiến nhiều bài học thức thời ứng dụng vào đời sống. Khi muốn giải đáp những thắc mắc về tâm linh, người ta cũng tìm thấy những câu trả lời tâm đắc và giàu ý nghĩa trong kho tàng triết học đồ sộ của Đạo Phật. Khi tìm kiếm một niềm tin, một điểm tựa cho đời sống bấp bênh, một nơi chốn để buông xả, người ta liền nghĩ tới Thiền buông thư, giác ngộ của nhà Phật.

Từ ấy, Thiền được nhiều người mặc định chỉ dành cho các bậc tu hành muốn buông bỏ cuộc đời trần tục mà giải thoát thân tâm.

Bởi vậy mà những người không theo Phật giáo, không thuộc Phật giáo - tôi không nói là tất cả - ít nhiều sẽ hình thành cho mình rào cản đến với Thiền khi cho rằng Thiền chỉ có duy nhất lợi ích là buông bỏ chấp niệm sân si, mà bỏ qua những lợi ích khác cho sức khỏe của bộ môn này.

Cho rằng "Thiền quá cao siêu, Thiền là tu khổ hạnh"

Từ những quan điểm cho rằng thiền là tôn giáo, tu hành, vô hình trung dẫn tới suy nghĩ rằng đã Thiền tập thì phải khổ hạnh nhịn ăn, ăn chay trường, không sát sinh... Điều này là chưa đúng, bởi Thiền luôn mang lại những lợi ích về sức khỏe cho dù bạn có tu hành khổ hạnh hay không, và tất nhiên không nhất thiết phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định như vậy thì mới được phép Thiền.

Hãy quan niệm thật đơn giản, Thiền không phải pháp tu cao siêu, mà là một sinh hoạt tinh thần lành mạnh cho tất cả mọi người.

Cho rằng "Thiền là mê tín dị đoan, Thiền là phi khoa học"

Với những khả năng tiềm ẩn do Thiền mang lại, nhiều người có đánh giá phiến diện rằng Thiền là một hình thái mê tín, không có căn cứ khoa học rõ ràng. Có người lại cho rằng chỉ những người có khả năng kì lạ, dị biệt mới ngồi thiền được.

Điển hình có thể nhắc tới những câu chuyện về việc Thiền nhịn ăn ròng rã mà vẫn sống khỏe, hay tự nhiên ngồi Thiền mà bệnh hiểm nghèo cũng tai qua nạn khỏi, Thiền sinh ra những khả năng đặc biệt (nhìn thấy, nói chuyện với thế giới tâm linh, ngoại cảm v.v…), Thiền khiến "tẩu hỏa nhập ma"... Từ đó nảy sinh vô số hoài nghi, e ngại và cả sợ khi nói về tác dụng thực sự của Thiền.

Không phủ nhận rất nhiều cá nhân vì mục đích không tốt hoặc hiểu biết chưa sâu đã thần thánh hóa tác dụng của Thiền gây hoang mang cộng đồng. Tuy nhiên vẫn có những sự thật cần được xác thực đúng đắn.

Khoa học cho biết trên cơ thể mỗi người có 7 trung tâm năng lượng nằm tại 7 điểm trên cơ thể (hay tiếng Hán còn gọi là luân xa). Các luân xa được cho là điểm hấp thu và luân chuyển năng lượng cho cơ thể và có liên quan đến các chức năng sinh học, phản ứng tình cảm hay tâm lý của một người.

Ngoài những năng lượng vật lý do con người ăn uống hấp thu mà thành, thì nguồn năng lượng sinh học từ thiên nhiên, vũ trụ là vô cùng quan trọng để duy trì thể chất, tinh thần khỏe mạnh cho con người. Thiền là phương pháp hữu hiệu giúp cơ thể hấp thụ năng lượng tốt từ thiên nhiên, vũ trụ thông qua 7 trung tâm năng lượng nằm dọc cơ thể, từ đó tăng cường sức khỏe tâm - thể - trí.

3 lý do khiến người Việt sợ thiền hơn người Mỹ và câu hỏi chúng ta có thiền được không? - Ảnh 2.

Năng lượng vũ trụ, luân xa, hay khả năng của Thiền là những thứ phi vật chất, không thể tận mắt chứng kiến, bởi lẽ đó, những điều này dễ dàng bị đánh giá là phản khoa học, mê tín dị đoan...

Tuy nhiên, khoa học đã và đang nghiên cứu những khả năng đặc biệt của Thiền và công nhận Thiền như một liệu pháp y học bổ sung có tác dụng rất lớn trong điều trị nhiều căn bệnh nan giải. Tôi sẽ giải thích sâu hơn về 7 trung tâm năng lượng - các luân xa ở những bài sau.

Một rào cản rất lớn trở ngại người ta đến với Thiền, không chỉ xuất phát từ những định kiến xã hội, mà còn đến từ bên trong mỗi người, khi nghĩ rằng thật khó để tĩnh tâm thiền định, từ đó tạo nên tâm lý chán nản, bỏ cuộc ngay từ khi mới bắt đầu hành trình thiền tập.

Khi ngồi thiền chúng ta đi ngược lại bản năng của cơ thể là thích suy nghĩ về tâm và thích hoạt động về thân. Với những người mới học thiền, việc chưa thích nghi được ngay với trạng thái tĩnh sẽ không khỏi khiến bản thân bị bứt rứt khó chịu.

Ai cũng vậy thôi, bởi trí não chúng ta có thói quen suy nghĩ, giờ thiền lại phải tĩnh.

Thân có thói quen hoạt động, bây giờ phải kềm giữ một chỗ dù chỉ vài phút cũng thấy thật khó yên.

Hai thói quen từ tâm và thân trên là bản năng của con người, là rào cản khiến người ta khó thiền, sợ thiền. Theo Phật giáo nhận định, đó là hai kiết sử không tốt cho sự giải thoát.

Con người ai cũng sợ cô đơn. Một trong những phản ứng thông thường trước sự sợ hãi cô đơn là chạy trốn. Chúng ta trốn vào trong những cuộc vui, trốn vào trong những công việc, hội hè đình đám, đoàn thể, bạn bè, để khỏi phải đối mặt với hư vô và với chính mình.

Chúng ta sợ ngồi thiền là vì thế. Tuy nhiên, chúng ta thường tìm kiếm niềm vui từ bên ngoài mà quên mất rằng, bình yên thật sự không đến từ những điều tạm bợ, mà xuất phát từ nội tâm của mỗi chúng ta.

Ai cũng có thể thiền tập được mỗi ngày để cải thiện lối sống, sức khỏe, tâm lý

Dù nhiều rào cản thiền tập nhưng cũng không ít người đã và đang kiên trì luyện tập Thiền như một minh chứng rằng thiền dành cho tất cả mọi người. Xã hội hiện đại, Thiền dần bước ra khỏi các khuôn mẫu để tiếp cận sâu rộng hơn với cộng đồng, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, độ tuổi và trở thành nét văn hóa đẹp trong cộng đồng.

Lưu ý một chút cho những ai mới bắt đầu Thiền, có thể nhiều khi chỉ thử vài lần chẳng thấy kết quả gì, chẳng hy vọng gì, bèn nản chí bỏ luôn, không thích ngồi thiền nữa.

3 lý do khiến người Việt sợ thiền hơn người Mỹ và câu hỏi chúng ta có thiền được không? - Ảnh 4.

Thiền là một quá trình cần kiên trì và chăm chỉ, cần được luyện rèn để trở thành một thói quen sinh hoạt tinh thần lành mạnh. Nếu có điều kiện và thời gian, hãy dành ra 30 phút - 1 giờ mỗi ngày, hoặc thời gian eo hẹp hơn thì chỉ cần 15 phút thiền là đã vô cùng quý báu và tốt cho sức khỏe rồi.

Đã đến lúc chúng ta có cái nhìn cởi mở và đúng đắn hơn về Thiền. Để Thiền được thực hiện đúng chức năng và lợi ích vốn có của nó: nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho tất cả mọi người.

* Master Lê Thái Bình, Người sáng lập, Giám đốc Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt - Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại