Giải mã chiến lược của Trung Quốc dưới góc nhìn Tam Quốc

Hải Võ |

Trên tạp chí The Diplomat hôm 8/4, học giả người Mỹ Leland Lazarus đánh giá chính sách đối ngoại của Trung Quốc bằng lý thuyết từ tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa".

Trong bài viết tiêu đề "Tam Quốc: Ba con đường trong tương lai của Trung Quốc", ông Lazarus cho rằng, bất chấp mối quan hệ Mỹ-Trung đã tồn tại được 200 năm, quốc gia phương Đông vẫn là một bí ẩn.

Phương Tây chú ý nhiều đến chiến lược của Trung Quốc thường được lãnh đạo nước này mô tả thông qua "36 mưu kế" hay "Binh pháp Tôn Tử", nhưng ít quan tâm đến một giai đoạn quan trọng của họ: Tam Quốc (220-280).

Giống với những tiền nhiệm như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người hâm mộ tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung.

Tác phẩm này cùng với tiểu thuyết "Thủy Hử" được ông Tập nhắc đến trong bài diễn thuyết tại Singapore năm 2015.


Ông Tập Cận Bình dẫn truyện Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử trong bài diễn thuyết tại Đại học Quốc gia Singapore ngày 7/11/2015. (Ảnh: Xinhua)

Ông Tập Cận Bình dẫn truyện "Tam Quốc diễn nghĩa" và "Thủy Hử" trong bài diễn thuyết tại Đại học Quốc gia Singapore ngày 7/11/2015. (Ảnh: Xinhua)

"Ngô" - Bá quyền khu vực

Theo Lazarus, nước Ngô trong Tam Quốc đại diện cho hình mẫu "bá quyền khu vực". Ngô vương Tôn Quyền không có tham vọng thống nhất thiên hạ, mà tập trung vào khu vực do Ngô kiểm soát.

Ngày nay, Bắc Kinh tự đặt mình vào vị trí như một "bá quyền khu vực" ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đứng đầu thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm chống lại sự kiểm soát các quy tắc tài chính, tiền tệ quốc tế của phương Tây thông qua Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Đồng thời, Trung Quốc phát triển chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) với ý đồ "trục xuất" các cường quốc khác, như Mỹ, ra khỏi Đông Á.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tìm cách lôi kéo và củng cố quan hệ với Nga để tạo ra đối trọng với sức ảnh hưởng toàn cầu của Washington, Lazarus đánh giá trên The Diplomat.

"Ngụy" - Chính quyền hung hăng

Trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", Ngụy vương Tào Tháo là nhân vật phản diện, một lãnh đạo tàn nhẫn có thói quen sử dụng các liên minh để biến láng giềng thành chư hầu, nhưng trở mặt với đồng minh ngay khi có cơ hội.

Câu nói nổi tiếng của Tào là "Thà ta phụ người trong thiên hạ chứ không để người trong thiên hạ phụ ta."

Leland Lazarus so sánh, nước Trung Quốc hiện đại đang có cách làm tương tự như Ngụy khi sử dụng sức mạnh kinh tế để ép các nước nhỏ hơn phải phục tùng chiến lược của Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào hệ thống cơ sở hạ tầng ở châu Mỹ-La tinh và châu Phi, với mục đích xây dựng "một hệ thống phụ thuộc" vào nước này.

Đổi lại, Trung Quốc yêu cầu các quốc gia ở những khu vực này phải trao cho Bắc Kinh quyền khai thác nguồn tài nguyên phong phú của họ trong nhiều năm, thậm chí vài thập kỷ.

Về quân sự, Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và tỏ rõ thái độ chèn ép các nước ASEAN ở biển Đông và leo thang căng thẳng với Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

"Thục" - Chính quyền mềm mỏng

"Tam Quốc diễn nghĩa" mô tả Thục là mô hình quốc gia với "chính quyền nhân nghĩa". Vua Thục Lưu Bị được xây dựng hình ảnh một "hiền vương", thành lập chính quyền dựa trên cơ sở "đạo đức, nhân từ và tuân thủ luật pháp".

Theo Lazarus, trong vai trò lãnh đạo, Lưu không áp đặt quan điểm cá nhân mà nghe theo một "hội đồng cố vấn chiến lược" đáng tin cậy.

Trong chính sách tiếp cận 2 đối thủ lớn, Thục lựa chọn liên minh với Ngô để chống lại Ngụy, thế lực lớn hơn hẳn.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền (2013), Trung Quốc đã tìm cách gia tăng uy tín quốc tế bằng sáng kiến "một vành đai, một con đường", cụ thể là kết nối miền Tây Trung Quốc với vùng Trung Á, châu Âu và Nam Á.

Ông Tập vẽ ra khái niệm "giấc mơ Trung Hoa" cùng viễn cảnh nước này trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới.

Lazarus bình luận: "Chiến lược này của Bắc Kinh cho thấy họ muốn hành động 'như Lưu Bị của Thục', với sự lãnh đạo khôn khéo và hy vọng trở thành một 'thế lực nhân đạo' trên thế giới."


(Ảnh minh họa: Shang Xi)

(Ảnh minh họa: Shang Xi)

Mỹ đối phó Trung Quốc thế nào?

Mỗi chính sách đối ngoại "Tam Quốc" của Trung Quốc ảnh hưởng đến Mỹ theo những cách khác nhau, tác giả Leland Lazarus nêu. Phản ứng đúng đắn với mỗi "gương mặt khác nhau" của Bắc Kinh sẽ giúp Mỹ bảo vệ được các lợi ích của mình.

Chính sách cứng rắn "kiểu Ngụy" mà Trung Quốc thực hiện là mối đe dọa lớn nhất với Washington, bởi nó tạo ra ấn tượng rằng Trung Quốc dần thay Mỹ trở thành siêu cường trong trật tự thế giới, sau đó Bắc Kinh có thể "bắt nạt" đồng minh của Mỹ ở châu Á.

Học giả người Mỹ chỉ ra, Washington cần chỉ trích công khai, mạnh mẽ hành động bành trướng của Trung Quốc, tích cực giúp đỡ các láng giềng của Bắc Kinh như Campuchia, Myanmar,... hạn chế những thỏa thuận bất bình đẳng về kinh tế, chính trị với Trung Quốc.

Trong trường hợp Trung Quốc trở nên ngông cuồng trên biển Đông, Mỹ có thể "phong tỏa" gián tiếp nước này bằng cách chặn tuyến vận chuyển dầu khí từ Trung Đông và châu Phi qua eo biển Malacca, vốn chiếm 80% nhu cầu nhập khẩu dầu của Bắc Kinh.

Đối với chính sách bá quyền khu vực "kiểu Ngô", Lazarus kiến nghị chính phủ Mỹ "khích lệ Trung Quốc phát huy vai trò xây dựng" một cách phù hợp ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng bảo đảm giám sát và nắm bắt chặt chẽ xu hướng lập trường của nước này.

Trong khi đó, hoạt động tuần tra trên biển để bảo đảm tự do hàng hải cần được duy trì, như một cách kiềm chế Trung Quốc trên biển.

Bên cạnh đó, đáp lại chiến lược mềm mỏng của Trung Quốc, Mỹ cần duy trì quan hệ hợp tác song phương với Bắc Kinh, kết hợp với cải tiến hệ thống quốc tế hiện nay, lấy lại hình ảnh của mình trên trường quốc tế và tỏ thái độ ủng hộ chủ nghĩa đa phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại