Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới, tính theo giá giao dịch ngày 25/8.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam trong ngày 25/8 ở mức 638 USD/tấn, tăng 105 USD/tấn so với ngày 19/7 (thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu). Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan ở mức 628 USD/tấn, tăng 87 USD/tấn.
Cùng đó, giá gạo 25% tấm của Việt Nam cũng từ mức 513 USD/tấn hôm 19/7 lên 623 USD/tấn vào cuối tuần qua, gạo 25% tấm Thái Lan từ 502 USD/tấn tăng lên mức 565 USD/tấn.
Giá gạo được đà tăng có thể do, hôm 25/8, Ấn Độ đã áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo kéo dài đến ngày 16/10. Điều này có thể tiếp tục kéo giảm sản lượng xuất khẩu gạo của nước này. Giá gạo toàn cầu bị đẩy cao hơn, khi mà nó đang giao dịch gần mức cao nhất trong 12 năm.
Trước đó, ngày 20/7, Ấn Độ đã khiến các nhà nhập khẩu bất ngờ khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati – loại gạo được tiêu thụ rộng rãi. Lệnh cấm đã thúc đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.
Đối với giá lúa gạo trong nước ngày 28/8, giá mặt hàng này tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động theo hướng tăng 200 đồng/kg với một số giống lúa.
Cụ thể, tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng 28/8, lúa Đài thơm 8 được điều chỉnh lên 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 được điều chỉnh lên mức 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Các giống lúa còn lại ổn định gồm: Lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Tương tự, nếp AG (tươi) giá 6.300 - 6.400 đồng/kg; nếp Long An (tươi) dao động 7.200 - 7.500 đồng/kg.
Dự kiến, nước ta sẽ xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo các loại trong năm 2023. Ảnh minh hoạ.
Theo các nhà máy khu vực An Giang cho biết, đầu tuần các kho hỏi mua lai rai. Các nhà máy chào bán vững giá so với cuối tuần trước. Với lúa Thu đông giá được nông dân chào nhích nhẹ, còn lúa Hè thu gần cạn nguồn, lượng còn ít, chủ yếu là Japonica và lượng ít OM18/ Đài Thơm 8.
Tại khu vực Kiên Giang, Cần Thơ, lúa Hè thu vẫn ở mức cao. Thương lái và doanh nghiệp hỏi mua đều.
Với mặt hàng gạo, hôm nay duy trì ổn định ở mức 12.250 - 12.400 đồng/kg với gạo nguyên liệu IR 504 và gạo thành phẩm IR 504 là 14.350 - 14.450 đồng/kg.
Riêng giá phụ phẩm điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, giá tấm IR 504 giảm còn 11.900 - 12.000 đồng/kg (giảm 100 đồng); còn giá cám khô duy trì 7.500- 7.550 đồng/kg.
Theo các thương lái, tại Sa Đéc (Đồng Tháp) lượng gạo nguyên liệu về ít, các bến vắng ghe gạo về, người mua lác đác. Giá gạo bình ổn. Trong khi đó, tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), gạo về ít, khó mua.
Tại các chợ lẻ khu vực tỉnh An Giang, giá gạo ổn định, không biến động trong tuần qua. Trong đó, nếp ruột giá 16.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thường ở mức 12.500 - 14.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen giá 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine ở mức 16.000 - 18.500 đồng/kg; Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg; Nàng Hoa 19.000 đồng/kg; gạo Sóc thường giá 16.500 - 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg…
Bảy tháng 2023, ngành gạo đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Dự kiến, nước ta sẽ xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo các loại trong năm 2023.