Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện giá lợn sống trên toàn quốc dao động từ 50.000-54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so với tháng 7) và là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
Bên cạnh đó, các loại thịt gia cầm cũng đang giảm mạnh, như thịt gà công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg (giảm gần 20% so với tháng trước).
Bộ NN&PTNT cho biết, với việc các địa phương tiếp tục giãn cách xã hội, thị trường đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới sẽ có xu hướng tiếp tục giảm. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn.
Đáng chú ý, mặc dù giá lợn sống giảm mạnh, giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển.
Giá lợn hơi giảm kỷ lục nhưng giá thịt tại siêu thị vẫn ở mức cao
Về nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 80,85 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (trung bình mỗi tháng nhập hơn 13 nghìn tấn); trị giá 187,13 triệu USD (tăng 154,8% so với cùng kỳ năm 2020).
Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD (tăng tới 414,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái).
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ sau khi dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam bùng phát mạnh vào năm 2019, giá thịt lợn hơi trong nước tăng cao. Thời điểm đó, nhằm hạ nhiệt giá lợn trong nước, Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu thịt lợn ngoại
Thống kê cho thấy, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 141 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp hoặc đông lạnh, trị giá 334,44 triệu USD (tăng tới 382 % so với năm 2019). Từ đầu năm đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì lượng thịt lợn nhập ngoại lớn, song so với tổng lượng thịt cả nước thì không nhiều.
Theo ông Trọng, tuy Việt Nam nhập khẩu lượng lớn thịt lợn ngoại và sản phẩm này có giá khá rẻ chỉ dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg (rẻ gần gấp đôi thịt trong nước). Tuy nhiên, do đặc tính tiêu thụ của người Việt là thích ăn thịt nóng, nên đa phần các doanh nghiệp nhập về để bán cho các công ty đưa vào chế biến thực phẩm như xúc xích, viên…và bếp ăn công nghiệp, ít bán lẻ ra ngoài thị trường.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ đánh giá, thịt lợn ngoại xuất hiện ngày càng nhiều trong 2 năm gần đây, song lượng mua trực tiếp từ người dân vẫn còn hạn chế. Các sản phẩm tiêu thụ trong nhà hàng, khách sạn, siêu thị...là phần lớn.
Tuy nhiên, trong tương lai, khi người dân quen dần với thực phẩm đông lạnh, cơ hội của thịt lợn nhập khẩu chất lượng cao càng lớn, do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam khá cao. Nhằm thay đổi thói quen người dân, doanh nghiệp cũng thường xuyên truyền thông về cách bảo quản, rã đông và chế biến thịt lợn đông lạnh tốt nhất qua các kênh như trường dạy nấu ăn, mạng xã hội.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh COVID-19, nhu cầu thịt lợn trên thị trường đã giảm nhiệt, các bộ, ngành cần có chính sách điều tiết lượng thịt lợn nhập khẩu hợp lý để kích thích người chăn nuôi trong nước. Đặc biệt, khi nguồn cung các loạt thịt như thịt gà, vịt và trứng nuôi trong nước đang thừa.