Giá điện giảm chưa hợp lý

Thùy Dương |

Việc giảm giá điện nên được xem xét lại dưới nhiều góc độ để có thể điều chỉnh hợp lý hơn

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sau khi Bộ Công Thương ban hành Công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16-4 về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng ngày, tập đoàn đã chính thức triển khai thực hiện giá điện mới.

Giảm nhiều nhất... 62.500 đồng/tháng

EVN cũng ngay lập tức ban hành mẫu hóa đơn có diễn giải cụ thể mức hỗ trợ do dịch với các nội dung: lượng điện tiêu thụ, đơn giá cũ, đơn giá mới, số tiền được giảm, số tiền cần thanh toán... Sau thời hạn giảm giá điện, giảm tiền điện, ngành điện sẽ áp dụng giá bán điện hiện hành.

Ngành điện áp dụng giảm giá với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trong các tháng 4, 5 và 6, tương ứng các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7. Đối với khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt như sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp..., thực hiện từ kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày 16-4.

Đối với các khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch, các đơn vị điện lực thông báo chính sách chuyển sang giá sản xuất qua các phương tiện truyền thông và phương tiện điện tử (SMS, email, Zalo, app, website chăm sóc khách hàng…) và cam kết bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho hộ đủ điều kiện từ kỳ hóa đơn gần nhất tính từ ngày 16-4.

Giá điện giảm chưa hợp lý - Ảnh 1.

Việc giảm giá điện đang có nhiều điểm chưa hợp lý cần được xem xét lại. Ảnh: Tấn Thạnh.

"EVN đang khẩn trương triển khai nâng cấp công cụ tính toán hóa đơn trực tuyến tại chuyên mục EVN & Khách hàng trên website của tập đoàn, trong đó có chức năng phục vụ tính toán thay đổi giá điện với mức được hỗ trợ theo quy định.

Số tiền điện được giảm, được hỗ trợ sẽ thể hiện rõ ràng trên bản thể hiện hóa đơn điện tử và thông báo tiền điện gửi đến khách hàng" - đại diện EVN cho biết.

Theo ngành điện, tất cả 26,6 triệu hộ gia đình đều được giảm 10% giá điện của 4 bậc thang đầu. Trong đó, có 22,8 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt sử dụng dưới 300 KWh/tháng (tương ứng 4 bậc thang đầu), chiếm tỉ lệ 85,7%.

Với mức giảm giá 10% này, hộ gia đình sử dụng đến 50 KWh được giảm 8.390 đồng; hộ gia đình sử dụng đến 300 KWh và nhiều hơn sẽ được giảm 62.500 đồng/tháng.

Dàn trải sẽ không có ý nghĩa

Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện giảm giá điện, vẫn còn không ít ý kiến thiếu đồng thuận về mức giảm, đối tượng giảm, rộng hơn là mục tiêu của Chính phủ và ngành điện trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) thông qua giá điện.

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng cần xác định mục rõ hơn về đối tượng hỗ trợ tiền điện.

Theo đó, mục tiêu là chỉ giảm cho nhóm hộ nghèo hay giảm chung cả cộng đồng? Từ đó, sẽ đưa ra được chính sách cũng như cách thức triển khai phù hợp.

"Ở khối DN, với DN đã dừng sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng thì giảm tiền điện không có giá trị đáng kể bởi họ không sử dụng điện nhiều. Do vậy, chính sách hỗ trợ phải khác.

Ngược lại, với những DN có đơn hàng sản xuất, có doanh thu cũng không nên xem là đối tượng cần hỗ trợ cấp thiết. Tương tự với hộ gia đình, hỗ trợ khoảng 60.000 đồng với nhóm thu nhập cao không có nhiều ý nghĩa nhưng với hộ nghèo thì bao nhiêu cũng quý. Nên chăng cân nhắc lại việc giảm giá điện với từng nhóm đối tượng để họ thấy thiết thực hơn" - ông Hà Đăng Sơn phân tích.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đánh giá phương án giảm 10% giá điện cho DN và người dân trong 3 tháng là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông cho rằng nên tính đến phương án hỗ trợ lớn hơn cho người nghèo cũng như DN, hộ kinh doanh nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn thay vì dàn trải chung một mức cho mọi đối tượng.

"Cách tính của ngành điện đã hỗ trợ được cho gần 90% số hộ tiêu dùng, tức là mức tiêu dùng mang tính phổ biến của xã hội. Nhưng để tháo gỡ khó khăn cho các hộ tiêu dùng điện hiện nay cần tính toán giảm thêm cho đối tượng khả năng thanh toán thấp.

Chẳng hạn, có thể cấp không cho đối tượng hộ nghèo một phần điện tiêu dùng, tức là tính toán để có chính sách hỗ trợ thực sự cho người nghèo trong lúc họ không có thu nhập" - ông Thỏa gợi ý.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm đặc biệt là giảm giá điện có gây áp lực giá điện sau này phải gánh thêm phần lỗ của giai đoạn này? Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý gói giảm giá điện của EVN sẽ gây giảm trực tiếp vào doanh thu của ngành điện, dẫn đến giảm các khoản thu ngân sách từ thuế, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn so với kế hoạch.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính lưu ý EVN phải cân đối, không để lỗ treo gây áp lực tăng giá trong năm 2021.

TS Hà Đăng Sơn cho hay giới chuyên gia hiện thiếu số liệu để đánh giá mức độ thiệt hại của ngành điện đến đâu. Do vậy, Bộ Công Thương và EVN phải báo cáo tường minh con số tính toán cụ thể để có giải pháp cân đối, nhất là khi tình hình dịch bệnh có thể kéo dài hơn. Khi số tiền hỗ trợ vượt qua ngưỡng 11.000 tỉ đồng cần phải có thêm giải pháp để EVN cân đối tài chính, chia sẻ khó khăn với xã hội.

PGS-TS Bùi Xuân Hồi, giảng viên Bộ môn Kinh tế năng lượng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, góp ý cơ quan ban hành chính sách cần giải thích rõ hơn về quyết định giảm giá điện để nhận được sự đồng thuận.

"Tâm lý chung của người tiêu dùng là khi có quyết định giảm giá, họ nghĩ ngay đến việc hóa đơn tiền điện nhà họ sẽ giảm. Nhưng thực chất có thể do việc tiêu dùng nhiều dẫn đến việc hóa đơn tiền điện vẫn tăng cao. Do vậy, hóa đơn tiền điện trong 3 tháng tới phải thể hiện rõ các thông tin cần thiết" - ông Hồi nói.

Giá điện giảm chưa hợp lý - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại