Theo thông tin của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, bộ này đã lên phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36%. Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành là 1.720 đồng, lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Phương án tăng này dự kiến sẽ áp dụng ngay trong tháng 3/2019. Các phương án tăng giá điện đã được Bộ Công Thương tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP và nằm trong kiểm soát chỉ số lạm phát cũng như mục tiêu tăng trưởng.
“Việc tăng giá căn cứ vào giá thành, cơ cấu nguồn điện tăng (than,dầu, khí) tăng, cũng như các loại phí, chênh lệch tỷ giá. Đúng ra 2018 đã phải điều chỉnh rồi nhưng vì nhiều lý do ta điều chỉnh vào tháng 3/2019 với mức tăng 8,36%. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện trong tháng 3”, ông Vượng cho hay.
Theo tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Ước tính việc tăng giá điện giảm 0,22% tăng GDP và sẽ có tác động về chỉ số lạm phát.
“Giá điện Việt Nam hiện ở mức 7,4 cent/kWh nay tăng lên gần 8 cent/kWh. Giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Vượng cho hay.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong liên quan đến việc tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đề xuất tăng giá điện sẽ được cơ quan này xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.
Hiện bộ đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch trong tính giá điện, các chi phí cấu thành giá. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát các chi phí, đảm bảo tính công khai minh bạch trong tính giá điện và chi phí trong giá điện.
“Việc tăng giá điện sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn chi phí sản xuất từng thời điểm và tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của người dân”, ông Hải cho hay.
Trả lời Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lãi 2.792,08 tỷ đồng là nhờ có tới 10.000 tỷ đồng chưa được tính đầy đủ vào giá thành sản xuất của ngành điện. Nếu tính đủ, EVN sẽ bị lỗ nặng.
Còn theo ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), trong năm qua, phải “bù lỗ” cho rất nhiều chi phí sản xuất kinh đoanh điện tại các huyện, xã đảo, khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Chi phí này được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Mức giá điện bán theo quy định của Chính phủ tại các huyện, xã đảo chỉ bằng 8,9% đến tối đa 34% giá thành sản xuất của ngành điện. Trong đó, đặc biệt có nơi giá bán điện của EVN chịu lỗ rất lớn, chỉ bằng 2,32% giá thành sản xuất như tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Cụ thể giá thành sản xuất điện tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) lên tới 5.283 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân cho người dân tại đây chỉ ở mức 1.581 đồng/kWh. Tại huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), tình trạng cũng tương tự.
Tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), giá thành sản xuất điện lên tới 72.552 đồng/kWh nhưng EVN chỉ được phép bán với giá 1.635 đồng/kWh. Còn tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), giá sản xuất điện lên tới 8.135 đồng/kWh nhưng cũng chỉ được bán với giá 1.851 đồng/kWh.
Huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị giá điện sản xuất của EVN là 13.475 đồng/kWh nhưng cũng chỉ bán với giá 1.706 đồng/kWh… Những gánh nặng bù lỗ này hiện EVN đang phải chịu hết và chưa được tính đầy đủ vào giá điện.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng.
Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.
Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 281 về việc ban hành khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 57/2014/TT-BCT.
Theo đó, với nhiệt điện than, Bộ Công Thương nâng trần giá phát điện nhà máy điện than nhập khẩu công suất tinh 1x600 MW và 2x600W lần lượt lên 1.896,05 đồng/kWh và 1.677,02 đồng/kWh (chưa VAT, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung). Mức giá này lần lượt cao hơn 359,29 đồng và 76,98 đồng/kWh so với trần giá của năm 2018.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá than nhập khẩu năm 2019 ở mức gần 1,74 triệu đồng/tấn (chưa VAT và chi phí vận chuyển), tăng từ mức hơn 1,6 triệu đồng/tấn của năm ngoái. Việc giá than nhập khẩu tăng cũng là căn cứ để cơ quan nhà nước cho tăng giá phát điện của các nhà máy nhiệt điện.
Liên quan đến việc than tăng giá bán cho sản xuất điện, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc chi phí sản xuất điện sẽ bị đội thêm khoảng 5.500 tỷ đồng do giá than sản xuất trong nước và than trộn được TKV tăng giá bán trong năm 2019.
Theo tính toán của EVN, nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, chi phí mua điện năm 2019 sẽ bị đội thêm khoảng 1.498,06 tỷ đồng. Trong đó, với than trộn mua từ TKV tăng 1.062,89 tỷ đồng, than trộn mua từ Tổng công ty Đông Bắc tăng 435,17 tỷ đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo EVN cho biết, năm 2019, nếu giá than bán cho điện được Chính phủ cho điều chỉnh sẽ khiến chi phí sản xuất điện tăng thêm 5.000 tỷ đồng. Tính cả chi phí do tăng giá than trộn, tổng chi phí sản xuất điện sẽ bị đội thêm khoảng 5.500-5.600 tỷ đồng.