Gây bức xúc dư luận, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh dừng thi sát hạch giáo viên

Mai Nguyễn |

Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh có công văn về việc tổ chức thi khảo sát giáo viên bậc THPT vào tháng 02/10/2017. Tuy nhiên, cuộc thi này đã vấp phải nhiều ý kiến trái không đồng tình của dư luận.

Vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã quyết định cho dừng cuộc thi gây nhiều tranh cãi này.

Gây bức xúc dư luận, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh dừng thi sát hạch giáo viên - Ảnh 1.

Văn bản Sở GD&ĐT Hà Tĩnh gửi Hiệu trưởng các trường THPT về việc dừng tổ chức thi khảo sát giáo viên THPT

Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có công văn 1479/SGD&ĐT –THPT ngày 02/10/2017 về Thi khảo sát giáo viên THPT năm học 2017-2018. Thời gian dự kiến thi vào nửa đầu tháng 8/2018. Nội dung thi sẽ gồm 2 phần.

Phần một là về kiến thức chuyên môn thuộc bộ môn mà giáo viên đang trực tiếp giảng dạy (dựa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chiếm khoảng 75% thời lượng bài thi).

Phần hai là hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo. Ví dụ như Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Luật giáo dục số 38/2005/QH ngày 14/6/2005 và Luật giáo dục số 44/2009/QH12 ngày 25/11/209 về sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục số 38/2005/qh11. Ngoài ra là nhiều thông tư, nghị quyết khác…

Tuy nhiên, công văn đã vấp phải sự phản đối của nhiều giáo viên và những người làm trong lĩnh vực giáo dục.

Thầy Trần Đình Trợ, một cựu giáo viên THPT có uy tín ở Hà Tĩnh cho rằng, kỳ thi sát hạch giáo viên sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa trong việc đánh giá giáo viên.

“Vì việc đánh giá giáo viên vốn đã có rất nhiều ban bệ và phải căn cứ vào hiệu quả dạy học chứ không phải là một bài thi”, thầy Trợ nói.

Ngoài ra, theo thầy Trợ, việc buộc giáo viên “thi chất lượng” như trên là không căn cứ vào quy định nào của Luật giáo dục. “Những cuộc thi này chỉ chứng tỏ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh không tin vào năng lực quản lý và đánh giá chất lượng giáo viên của mình.

Đồng thời, gây áp lực nặng nề lên đội ngũ giáo viên”. Hơn nữa, trong các kỳ “thi thầy” trước đây đã tồn tại nhiều tiêu cực như rò rỉ đề thi, chạy điểm, dùng kết quả thi để dọa thuyên chuyển và xếp loại thi đua.

Vì vậy nếu kỳ thi diễn ra sẽ chắc chắn không tránh khỏi những tiêu cực tương tự.

Ngoài ra, hiện nay dư luận cả nước đang sôi lên với những tiêu cực ở Hà Giang và các địa phương khác về kỳ thi Quốc gia THPT. Niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của các kỳ thi đã chạm đáy. Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lại tiếp tục việc "sát hạch thầy cô" sẽ khó lấy được sự tin tưởng về một kỳ thi trong sạch từ dư luận.

Một giáo viên xin giấu tên cho biết, hiện nay việc đánh giá giáo viên có công cụ pháp lý duy nhất là Thông tư liên tịch Bộ GD&ĐT – Bộ Nội vụ cho tất cả các cấp học, ngành học.

Không có thông tư nào bắt buộc giáo viên phải thi khảo sát như công văn của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Kết quả đánh giá là phải qua một quá trình tích lũy đòi hỏi giáo viên phấn đấu không ngừng.

Không thể đánh giá giáo viên chỉ qua một bài thi, vì không thể đánh giá được tính chuyên cần, phẩm chất, kỹ năng chuyên môn cũng như khả năng giải quyết các tình huống giáo dục cụ thể.

“Hơn nữa, trong nội dung thi có rất nhiều các thông tư, nghị quyết và luật giáo dục. Đây toàn là những nội dung muốn thi được thì chỉ có cách duy nhất là học thuộc lòng.

Đó thực sự là một áp lực và gánh nặng rất lớn đối với giáo viên”, giáo viên này chia sẻ.

Trước phản ứng dữ dội của nhiều giáo viên và dư luận, ngày hôm qua 23/7, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Hiệu trưởng các trường THPT về việc dừng tổ chức cuộc thi này. Nội dung của văn bản nêu rõ: “…

Để giáo viên có thời gian tiếp cận, tiếp tục nghiên cứu chương trình sách giáo khoa phổ thông mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự bồi dưỡng, bồi dưỡng đội ngũ, Sở GD&ĐT dừng tổ chức khảo sát giáo viên THPT theo nội dung Công văn nêu trên”.

Sau khi có công văn dừng cuộc thi, hầu hết giáo viên đều vui mừng trước quyết định của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng thời cho rằng đó là một quyết định sáng suốt, biết ghi nhận, lắng nghe những ý kiến góp ý của ban lãnh đạo Sở để từ đó sửa đổi, đưa ra những chính sách phù hợp hơn trong công tác quản lý lý nhà nước về GD&ĐT .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại