Muốn nghỉ việc phải báo trước 5 năm, nếu không sẽ bị phạt tiền… Chuyện vô lý tưởng chừng chỉ có trong truyện cười nhưng lại là sự thật đã và đang diễn ra tại trường THCS&THPT Chu Văn An (Quảng Bình).
Tháng 3/2017, chị Bùi Thị Hà My (SN 1988, ở xã ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn không xác định với Trường THCS&THPT Chu Văn An (thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An) ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Đến giữa tháng 3/2018, cô My viết đơn xin nghỉ việc nộp lên hội đồng trường thì nhận ngay cái lắc đầu.
Theo đó, hội đồng Trường THCS&THPT Chu Văn An đưa ra bản HĐLĐ đã ký giữa hai bên trong đó có nội dung giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 60 tháng (5 năm).
Nếu người lao động không báo trước đủ thời gian trên thì phải đền bù toàn bộ chi phí bảo hiểm mà nhà trường đã đóng và nộp phạt bằng tiền tương đương 12 tháng lương cao nhất của giáo viên đó.
Theo chị My, trong đơn xin nghỉ việc từ ngày 14/03/2018 chị đã báo trước là sẽ chấm dứt làm việc từ ngày 31/05/2018. Tuy nhiên, nhà trường vẫn không chấp nhận, họ yêu cầu tôi phải nộp phạt số tiền 60 triệu đồng mới lấy lại được bằng gốc.
“Thứ nhất, tôi mới dạy ở đây được 1 năm thì làm sao tôi báo trước 5 năm. Thứ hai, làm gì ai biết được 5 năm sau mình sẽ nghỉ việc mà báo trước.
Thứ ba, số tiền mà trường bắt tôi nộp phạt nhiều hơn tổng số tiền mà nhà trường trả cho thời gian tôi dạy tại đây.
Chưa hết, trong thời gian vừa qua, ở Quảng Bình, có rất nhiều đơn vị tuyển dụng công việc rất phù hợp với chuyên môn của tôi nhưng do Trường THCS Chu Văn An chưa thanh lý hợp đồng, chưa có bằng gốc nên tôi mất rất nhiều cơ hội làm việc”, chị My bức xúc.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết: Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn lên kiểm tra thông tin giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 5 năm nếu không phải nộp phạt xảy ra tại Trường THCS&THPT Chu Văn An (thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An) gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, sở sẽ xứ lý nghiêm. Nếu sai phạm không thuộc lĩnh vực quản lý thì sở sẽ có văn bản đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền xử lý. |
Được biết hệ thống giáo dục Chu Văn An là hệ thống giáo dục tư nhân, về đầu tư tại Quảng Bình từ nhiều năm nay gồm cả 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT.
Tuy nhiên, do hệ THPT hoạt động không hiệu quả nên đến nay chỉ còn 2 cấp Tiểu học và THCS.Cũng theo cô My, không chỉ bản thân cô mà hầu như tất cả giáo viên, nhân viên đang công tác tại Trường THCS&THPT và cả Trường Tiểu học Chu Văn An (đều thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An) đều phải chịu quy định này.
Có một số giáo viên do không có tiền nộp phạt đã phải “vứt” luôn cả bằng gốc để ra đi.
Vi phạm Luật Lao động nghiêm trọng
Trước thực tế này, bà Đặng Thị Trà - Chủ tịch hội đồng trường Trường THCS&THPT Chu Văn An xác nhận: Không chỉ có trường hợp cô My mà toàn bộ hơn 100 giáo viên, nhân viên đang làm việc trong trường đều có HĐLĐ với những điều khoản như trên.
Theo bà Trà, lý do nhà trường đặt ra nhưng quy định này, kể cả việc đền tiền trong HĐLĐ chỉ là để giáo viên … có trách nhiệm và gắn bó với trường.
Tuy nhiên, theo một luật sư tại Nghệ An cho biết: Khoản 3, Điều 37 Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động nêu rõ: Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; trừ trường hợp quy định tại điều 156 của Bộ Luật này: “Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ.
Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tùy thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định”.
Hợp đồng lao động giữa Trường THCS&THPT Chu Văn An với cô My |
Đồng quan điểm, một lãnh đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật, thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình cũng cho biết: Bộ Luật Lao động đã quy định rất rõ, với lao động không xác định thời hạn, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và chỉ cần báo trước cho nhà trường 45 ngày là đủ, chứ không phải chờ đến 5 năm.
Việc trường giữ bằng gốc và bắt đền tiền cũng không đúng khi giáo viên chỉ cần phải nộp bản sao và bồi thường nửa tháng tiền lương khi có báo trước đủ thời gian đó.
Cán bộ này cho biết thêm, Mục 4. Hợp đồng lao động vô hiệu của Bộ Luật Lao động quy định rõ đối với những HĐLĐ có một số điều khoản trái pháp luật như hợp đồng của trường Chu Văn An thì những điều khoản trái luật này dù đã được hai bên đồng ý vẫn sẽ bị vô hiệu.